Trang

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

ĐỒNG ĐỘI

Entry 27/7/11
Tôi có thói quen bật TV lên để dỗ ngủ, và thường là những kênh ồn ào. Càng có tiếng động mạnh và đều đều càng dễ ngủ, ngủ sâu. Tôi sống đơn thân nên không sợ thói quen xấu đó làm phiền ai.
Tỉnh lại lúc nửa đêm hoặc quá nửa đêm gì đó vì không gian quanh mình bỗng yên ắng. TV đã tắt. Chỉ có tiếng thở khò khè nhẹ và đứt quãng. Tôi hơi giật mình vì có cả tiếng ho khan của ai đó.
Góc nhà, dưới bàn thờ, một người có lẽ là đàn ông ngồi dựa lưng vào tường đang chú mục vào tôi.
Tôi từng là lính trinh sát không phải hạng yếu bóng vía lắm nên đủ tỉnh táo để nhớ lại rằng trước khi đi ngủ tôi đã khóa cửa. Thế thì y vào nhà bằng cách nào ?
Nhưng tôi không nghĩ y là trộm.
Trước đây nhà tôi cũng một lần bị đột nhập. Lần đó lúc gần sáng tôi xuống tầng dưới uống nước thấy đèn sáng trưng. Đến nơi tôi thấy một thiếu niên chừng 15 ngồi rung đùi nghe nhạc mắt lơ mơ nhìn tôi rồi bỗng giật mình vớ cái bao dứa chạy ra cửa. Tôi tóm lại được, tính lôi vào nhà hỏi chuyện nhưng thấy nó vùng vẫy dữ quá nên quyết định dong ra đồn phường gần đó. Sau, các cậu công an cho biết chú nhóc này bị tâm thần, chuyên lang thang trộm vặt.
Tôi xẵng giọng.
-         Mày là ai, vào nhà tao làm gì?
-         Đừng mày tao thế. Anh mời tôi mà.
-         Đứng lên, thằng dở người, đừng loanh quanh, mày ở đâu vào đây?
-         Anh đi ngủ có đóng cửa sổ đâu. Nhưng đóng cửa thì tôi cũng vào. Lúc chiều anh chẳng cho mời tôi về nhà đó thôi.
Giờ thì tôi linh cảm đây không phải chuyện đùa rồi, không giống cái ca đột nhập lần trước tý nào.  Nhìn kĩ lại, anh này trạc 34, 35 gì đó, mặc quân phục nhầu nhĩ, mặt vàng ệch như sáp, giống như bộ đội bị trúng đạn không ga rô kịp mất máu quá nhiều hoặc từa tựa người đã chết. Tôi hạ giọng.
-         Này, cậu em, dù gì thì cũng không nên đường đột vào nhà tôi như thế này, nhất là lúc đêm hôm. Bây giờ cậu cho tôi biết tôi giúp gì cho cậu được không?
-         Cảm ơn anh. Tôi không cần gì. Tôi chỉ muốn nói chuyện với anh thôi. Với lại tôi còn hơn anh 4 tuổi nữa kia. Năm bảy hai anh nhập ngũ tôi đã có 3 tuổi quân rồi. Năm tám tư anh tái ngũ, lên Vị Xuyên thì tôi đang chỉ huy 3 đại đội của trung đoàn 876 đánh nhau với Tàu ở Thanh thủy. Anh còn nhớ trạm cứu thương 509 không?
Lướt qua trong tôi là những kỷ niệm ở Hà Giang, những lần đột kích trinh sát cao điểm Núi nhỏ, Đồi ma, hang Tà khao, lần đấu súng đỏ nòng ở đỉnh Bê núi Bạc gần biên giới Trung quốc… Rồi tôi bị thương đưa về tuyến sau.
Vậy anh ta là…Tôi vẫn chưa nghĩ ra.
-         Như thế là anh biết tôi rồi, nhưng sao tôi không biết anh chứ?
-         Anh có chơi với ai ở phố Bạch mai không?
-         Phố Bạch mai thì nhiều, nhưng những thằng đi lính tôi biết thì còn hai thằng sống, hầu hết đã chết.
-         Tôi người Đồng nhân nhưng chơi toàn bọn phố Bạch mai đây, anh chơi với thằng Luận, cùng ngõ với cái Mai Tây anh nhớ không?
Tôi đến gần anh. Bây giờ anh ta mới từ từ đứng lên. Chúng tôi bắt tay nhau. Từ bàn tay anh truyền vào dọc sống lưng tôi lên đầu, xuống gan bàn chân một cảm giác ớn lạnh, tê buốt như có lần tôi đi câu cá đêm ở hồ Bảy mẫu một ngày đông chí vậy.
Tôi cắn lưỡi nhẹ một cái xem mình tỉnh hay mê.
Thật ra tôi không nhớ anh ấy lắm. Trước đây tôi thuộc biên chế của Sư 313. Lính tái ngũ bọn tôi lên tăng cường chi viện cho các cao điểm biên giới đang vỡ. Anh ấy bên sư 876 chốt ở đây lâu rồi. Lính Hà nội ở đâu cũng “ngửi” thấy mùi nhau. Không máu thịt như lính Hải phòng, lính Hà nội chơi với nhau theo kiểu điềm đạm, lạnh lùng nhưng thật ra cũng sâu lắm...
Bây giờ thì tôi nhớ ra. Ở trạm 509 anh là người gửi tôi tấm ảnh và 10 đồng về cho gia đình ở phố Đồng nhân gần hồ Hai bà. Sau này, phải nằm dưỡng thương quá lâu tôi nhờ thằng bạn về Hà nội gửi ảnh và tiền của anh về cho gia đình. Thời gian trôi qua với rất nhiều sự kiện trong cuộc sống, tôi cũng quên không hỏi lại thằng bạn là đã chuyển những thứ đó về cho gia đình anh chưa.
Vậy chắc anh ta đến hỏi nợ tôi chăng?
Như đọc được suy nghĩ của tôi anh bảo: Không. Với tụi lính chúng mình những chuyện đó nhỏ quá. Rất cảm ơn anh là gia đình tôi nhận được rồi. Đó là tấm ảnh mẹ tôi đem lên Hàng Hòm truyền thần lại làm ảnh bàn thờ của tôi đấy. Linh cảm của tôi hôm gửi anh tấm ảnh là tôi sẽ không về được nữa.
Vậy là anh ấy là người đã chết rồi. Thảo nào cái bắt tay mới giá buốt làm sao. Nhưng lạ lắm, cảm giác bấy giờ của tôi hoàn toàn không mảy may hốt hoảng hay sợ hãi gì hết. Chúng tôi đã từng cận kề với cái chết không ít lần. Hai bàn tay này đã nhiều lần vuốt mắt cho đồng đội ngã xuống. Tệ hơn, bàn tay chúng tôi đã từng phải nhặt những  cánh tay, mảnh đùi, mảnh sọ bấy máu dính với mớ tóc xanh cho những anh em xấu số bị bom xé nát . Chỉ có điều day dứt với chúng tôi, nỗi hoảng sợ với chúng tôi là điều chính chúng tôi tự hỏi mình rằng chúng tôi có phải là những người thực sự đã cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân không? Chúng tôi có thực đã chiến đấu vì những lý tưởng cao đẹp không hay chúng tôi phải nổ súng vì đó là cách duy nhất để chúng tôi giữ mạng sống mình hay chúng tôi đã phục vụ cho một nhóm những người thao túng đất nước vì quyền lợi cá nhân?
Chúng tôi không ganh tỵ với anh em, đồng đội đã chết ở các mặt trận Miền nam, ở Trường sơn… Chúng tôi mừng vì các bạn, các anh ấy được vinh danh nhưng thật không công bằng khi chính chúng tôi chiến đấu với tinh thần quyết tử thật sự để bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc với kẻ thù truyền kiếp nhưng bị họ, những người đã ra lệnh cho chúng tôi bỏ mẹ cha, vợ con ra mặt trận ngoảnh mặt mấy chục năm nay. Máu của chúng tôi là nước lã sông Bằng giang chăng?
-         Vậy đêm nay anh đến…?
-         Vâng, chiều qua 26/7 anh thắp hương cho chúng ta, cho cả tôi. Tôi không cảm ơn anh đâu. Lính chúng ta không quen cảm ơn theo thói quen, không thắp hương theo nghi lễ cho người khác trông thấy..
-         Chỉ vì thế thôi sao?
-         Vâng, tôi cô đơn. Tôi tìm đến anh vì muốn tìm đến với đồng đội.
…………………………………..
Ánh sáng của một ngày 27/7 chiếu vào khe cửa sổ. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn lên bàn thờ. Bên bát hương gia tiên là một bát hương nhỏ tôi dành cho đồng đội nhưng nay đã nguội lạnh. Đây có phải là một giấc mơ không? Tôi lặng lẽ tìm bao diêm không rõ đang nằm ở chỗ nào.
MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét