Trang

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

NHÂN CHUYỆN NGƯỜI LÍNH BUỒN TRONG THƠ VĂN LÊ


 
 
Trần Mạnh Hảo
 
Trước và sau tiểu thuyết nổi tiếng : “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, văn học dòng chính thống của chế độ đương thời, chừng như chưa có tác phẩm nào dám dựng chân dung buồn đau tới tận cùng của người lính chiến ?
 
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, câu thơ của Phạm Tiến Duật có thể đại diện cho hình ảnh người lính chiến đi vào chỗ chết trong văn học mà vui như tết, mà vỗ tay vỗ chân hát hò mê sảng hơn trúng số ! Cho nên, Tố Hữu – ông trùm của thi ca cách mạng mới khẳng định tính chất sắt đá đến phi nhân của đảng cầm quyền, một đảng không biết hỉ nộ ái ố, không có trái tim như sau : “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng”
 
Rất lạ, năm 2013, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đã cho xuất bản tập thơ “ Vé trở về” của nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, đạo diễn Văn Lê với hình ảnh người lính buồn từ A tới Z.
 
Người lính của thơ Văn Lê khác một trời một vực với người lính của Phạm Tiến Duật, khi anh được giấy gọi đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu :
 
“Anh nhìn con dấu đỏ tươi trên lệnh động binh
Lòng trống vắng như vòm trời không đáy
Cánh đồng ngơ ngẩn buồn
Anh cũng ngơ ngẩn buồn trong váng nắng chiều sót lại”
 
Quê hương người lính không phải là thiên đường xã hội chủ nghĩa như tuyên truyền, mà là một cảnh loạn lạc, bi ai, tráo trở, buồn thương của đám tang cha mẹ:
 
“Rắn rết trong hang bò ra đầy ngõ
Náo loạn làng quê chó sủa
Náo loạn bầu trời vẩn vũ chim bay
Cuộc trở mình của tự nhiên diễn ra giữa ban ngày
Mọi trật tự bỗng nhiên gãy đổ
Sông suối thay lòng đổi dạ
Cuộc đưa ma tại làng quê nhức nhối tiếng gọi hồn”
 
Người lính trong thơ Văn Lê ra trận trong nỗi buồn sầu thảm :
 
“Đồng chiều ngơ ngẩn buồn
Anh ngơ ngẩn buồn bước về quá khứ
Ở đâu đó giữa hoang vu chợt cất lên tiếng thánh ca âm u khổ sở
Âm u khổ sở tiếng thánh ca của muôn loài sinh vật tiễn đưa anh”
 
Hãy nhìn hình ảnh người em gái cô đơn tiễn anh ra trận qua chữ nghĩa Văn Lê :
 
‘Em gái anh
Dáng như bà già
Khoác chiếc áo tơi mỏng manh như món  đồ dễ vỡ
Nó đứng chờ anh ở ngay đầu ngõ
Miệng cười lóe vệt trăng non”
 
Và người lính ấy mang nỗi buồn vô tận vào cuộc chiến để chết buồn như chiếc lá :
 
 “Câu chuyện về người lính hy sinh buồn như lá thu bay”
 
Các anh đã chết cho cái gì vậy :
 
“Những năm chiến tranh đất nước gieo neo
Giấy báo tử về làng như lá rụng
Khủng khiếp nhất là phải làm người sống
Sáng mở mắt ra đã nơm nớp trong lòng”
 
Hãy đọc tiếp niềm đau buồn của thơ Văn Lê khi anh tả nỗi buồn cô đơn của cô em gái –người thân duy nhất còn sót lại của người tử sĩ buồn :
 
“Ngày anh trai hi sinh bến nước bơ vơ
Cô chẳng còn ai mà chờ đợi nữa
Mọi trật tự trong cô sụp đổ
Cô lang thang cuối đất cùng trời
Xác xơ như bà lão ăn mày
Vô cảm như người điên ngoài chợ”
 
Cô gái đi tìm người anh đã chết trận như một người điên, trên quê hương điên, với những lý tưởng viển vông điên dại ai mang đến lừa mị quê hương :
 
“Những hi vọng tìm anh sau chiến tranh
Tràn ngập trong cô như nước mùa tháng tám
Xé lòng cô như cánh đồng gặp hạn
Ăn mòn cô như nắng lột da người”
 
Những người lính sinh Bắc tử Nam, chiến đấu để giải phóng nhân dân, để xây thiên đường xã hội chủ nghĩa ư ? Hãy nhìn đáp số cuộc chiến tranh chết hàng chục triệu người qua thơ Văn Lê viết về nỗi buồn lính :
 
“Quê anh bây giờ lôm nhôm lam nham
Anh ngắm nhìn mà thương con mắt
Những bức tường đá xanh biến mất
Nhường chỗ cho những ngôi nhà mái bằng nép sát vào nhau
Cao thấp nhấp nhô như người bị chắt đầu
Chẳng tìm đâu ra những mái nhà đội nón
Cuộc sống dường như đảo lộn
Chẳng còn ai vướng bận đến quá khứ xa xưa
Có lẽ vậy nên làng anh bây giờ
Cuộc sống mất đi cái hồn cái vía…”
 
Chao ôi, hàng triệu người lính đã chết trận để sau ngót bốn mươi năm, quê hương ta chỉ còn là cái xác không hồn ? Những câu thơ Văn Lê bình dị, lắng đọng, sâu xa mà như một lời lên án bọn đầu nậu chiến tranh đã dùng máu mấy triệu người để làm cuộc buôn lớn có tên là cách mạng. Hãy nhìn xã hội tham nhũng vô phương cứu chữa, kẻ cầm quyền giàu có hóa thành tư bản để vô sản hóa nhân dân, tiếp tục cho nhân dân ăn bả lừa thiên đường thiên điếc. Nhà thơ quân đội, nhà văn cách mạng, nhà biên kịch đạo diễn có hạng Văn Lê đã vượt lên trước đội hình nhà văn lề phải để lý giải, để thúc giục nhân dân tỉnh ra sau khi bị ăn bả cách mạng thành ngớ ngẩn, thành mất trí :
 
“LÀNG QUÊ U U MÊ MÊ
NGƯỜI TA NHƯ ĂN CHÁO LÚ”
 
Cám ơn thi sĩ Văn Lê đã gọi sự vật bằng tên của nó, khi ông đanh thép tố cáo “trò lừa lý tưởng” cho dân ăn cháo lú của những ông lú cầm quyền :
 
 
“ Họ ( nhân dân –chú của TMH) lao ra bến sông bãi chợ
Giành giật miếng ăn của nhau
Chợ quê tràn ngập đồ Tàu
Chẳng thiếu thứ gì, ngoại trừ đồ thật !”
 
Thật đau thương cho mợt nhân dân sau khi đã cống hiến hàng triệu con em làm vật hiến tế hi sinh cho các cuộc chiến vì lợi ích ngoại bang như lời cố tổng bí thư Lê Duẩn từng nói : “ Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”, như lời thơ Tố Hữu : “ Ta vì ta ba chục triệu người / Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”…lại được trả công bằng hàng giả cả từ tinh thần đến vật chất  thế này ư ?
 
Văn Lê lý giải hiện tượng làng anh tha hóa, mất hết hồn dân tộc, đang tan tác như đám gà gặp cáo chỉ vì thờ sai thần, vào nhầm miếu :
 
“CÓ NGƯỜI BẢO DÂN LÀNG ANH NHƯ THẾ
ĐÃ VÀO NHẦM MIẾU LẠI CÚNG NHẦM THẦN”
 
Đọc đến đây, ai là người còn tấm lòng với đất nước đều hiểu nhà thơ Văn Lê không chỉ nói làng anh, mà nói dân tộc anh đã thờ nhầm thần Marx –Lenin, đã vào nhầm miếu cộng sản nên đất nước mới thành ra tan nát thế !
 
Một tập thơ tâm huyết thế này, trung thực và xúc động dám nói thẳng nói thật tận tâm can như thế này, lại được một nhà xuất bản lề phải Quân Đội Nhân Dân cho in, liệu có phải là tin mừng hay không ?
Viết đến đây, chúng tôi xin kể một kỷ niệm với nhà thơ Văn Lê ( anh từng được giải thơ cùng hạng A với Hữu Thỉnh và Anh Ngọc trong cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1975-1976); rằng sau khi thống nhất đất nước, Văn Lê rủ chúng tôi từ Sài Gòn ra Bắc về thăm quê hương ( Hà Nam Ninh) sau ngót mười năm xa vắng. Chia tay Văn Lê ở thị xã Ninh Bình cuối năm 1975, hai đứa chúng tôi vào một quán phở mậu dịch. Bát phở được bưng ra, chúng tôi cầm thìa lên múc phở nhưng thìa chảy hết nước ra ngoài, không thể ăn được. Mọi người bảo hai chú bộ đội từ chiến trường ra à, rằng thìa ở đây đã được cấp ủy duyệt cho cửa hàng phở lấy đinh đục nát thìa ra lỗ chỗ như hố bom để cho nhân dân chúng nó không còn ăn cắp thìa mang về nhà làm của riêng được nữa. Văn Lê ngồi khóc. Anh thương nhân dân quê hương Ninh Bình của mình khổ đến thế để đánh thắng Mỹ mà không ăn nổi bát phở, đành để cho hai ba ông ăn mày giành nhau…Còn tôi kìm xúc cảm, vẫn ăn hết bát phở để chia tay Văn Lê, lấy sức đi bộ về quê Nghĩa Hưng Nam Định…”
 
Kể chuyện này, có lẽ nhiều người bảo chúng tôi bịa, rằng làm gì có chuyện đó. Vâng, tôi xin lấy danh dự ra mà nói rằng, còn nhiều chuyện kinh thiên động địa hơn chi tiết này rất nhiều nhưng vẫn là sự thật. Bây giờ thì đất nước ta, đảng ta không còn phải đục thìa ra để nhân dân ăn phở thoải mái mà không sợ bị mất như ngày sau cuộc chiến tranh xưa nữa; nhưng những cái thìa tinh thần của dân tộc ta, thì than ôi, đã và đang bị ai đó cùng với các đồng chí bốn tốt 16 chữ vàng đục lỗ chỗ ra hết, có phải không nhà thơ Văn Lê ?
 
Sài Gòn ngày 30 tháng tư năm 2014
 
T.M.H.

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

DƯƠNG NỘI PHÚ




Dương nội, 

Nơi có người đi, 
Ngày về chưa biết. 
Mồ mả cha ông tiên tổ tan hoang xe ủi đã nhiều, 
Tráng chí bốn phương niềm thương tha thiết. 
Bên đường Lê Trọng Tấn chừ, tắt máy buông chèo, 
Chốn ruộng nương thanh bình bỗng hóa bãi binhh đao. 
Qua Hà đông, 
Làng xóm giờ chừ tiêu điều,
Ruộng mất nhà tan, mồ mả thành đồ bán chác,
Dân chống chọi bấy năm chừ mất một chiều.
Tương lai chừ mờ mịt xa muôn dặm,
Đồng xanh ngắt nay đỏ tía một màu.
Nước trời một sắc,
Phong cảnh ba thu.
Chuối tre san sát,
Giờ chừ đìu hiu
Đất về tay lũ tham quan hoa màu nát bấy,
Nghĩa địa thôn khó nhặt xương khô.
Nhà nhà cảnh thảm….

Đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi chị Thêu, anh Miện, anh Sang…đâu vắng tá,
Thân dẫu bị cầm tù danh tiết còn lưu.
Bên đường, người người dừng chân thăm hỏi,
Ý sở cầu.
Có kẻ gậy tre chống trước,
Có người dạo bước đến sau.
Thưa rằng:
Đây là chiến địa giữa thời bình, đảng cướp đánh dân tĩ tã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở nào còn trồng cấy hò hát lao xao".
Bỗng một hôm
Loa phường ầm vang cưỡng chế, đầu trâu muôn đội,
Lớp lớp áo xanh băng đỏ, xe hơi, dùi cui lao tới.
Hùng hổ chăng dây ngăn đường khai quân,
Thầy, lính lao xao tiếng loa lói chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ lòng dân chống đối.
Uất hận dân mất đất, nát mồ tổ tiên ánh nhật nguyệt cũng mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.
Kìa:
Lũ cướp thế cường,
Bọn đầu tư tung tiền làm chước dối.
Gieo tai ương chiếm cứ lần lần,
Cướp sạch đất đai ruộng vườn thu vào tay một cõi.
Ôi,
Trời chẳng thương người,
Để quân hung đồ tham lam dùng tiền chỉ lối
Trận Dương nội, tan tác tro bay,
Côn đồ đeo quân hàm quân hiệu,
Nghênh ngang xe lớn xe to, tướng mạnh binh hùng,
Bỗng chốc đất cha ông, quê hương mất trụi.
Nước mắt chảy hoài,
Mà mối thù khôn rửa nổi.
Tuy nhiên:
Từ có vũ trụ,
Đã có giang san.
Đất có dân, dân cần có đất canh nông, tự do như hơi thở,
Đó mới là quốc kế dân an.
Bọn nào là bọn giúp tà ma, thằng Đồng thằng Thức,
Lại có lũ Tú béo GLE dự án Lê Trọng Tấn cầm đầu thuê binh mã.
Vung hầu bao tiền cướp đặng cho sai nha kéo đến hàng đàn.
Khi trận cưỡng chế mà đại thắng,
Đại vương của chúng đếm bạc an nhàn.
Tiếng dơ còn mãi,
Bia miệng không mòn.
Muôn dân chừ ủ mặt,
Thương người mất đất bị bắt cầm tù chừ lệ chứa chan.

Dương nội mầu xanh một dải dài ghê,
Trong cơn lốc đô thị hóa lũ cướp mặc nhiên kéo tới.
Những thằng bất nghĩa rồi sẽ tiêu vong,
Nghìn thu các chị các anh hy sinh giữ đất, danh rồi lưu muôn thuở
Đừng tưởng một trận mà xong,
Bất nghĩa, nghìn đời nguyền rủa.
Dân là nước, lật chúng có ngày.
Lời xưa hãy nhớ.

MXD

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

NHỮNG IM LẶNG ĐÁNG KHINH


Cánh Cò
Báo chí Việt Nam không biết từ bao giờ đã có cụm từ “sự im lặng đáng sợ” khi mô tả các cấp chính quyền cao nhất không trả lời đơn thư hay phản ảnh của báo chí, nhân dân trước các tiêu cực. Lâu dần sự im lặng ấy đã có kết quả trông thấy: tham nhũng nhiều hơn, chống đối công khai hơn và toàn bộ các “mặt trận” đều tan vỡ.

Những im lặng ấy khi được nâng lên mức đáng sợ có làm cho Bộ Chính trị ưu tư hay không? Chắc chắn là không, mà ngược lại.


Đối với một số lãnh đạo cao nhất luôn chủ trương mọi việc phải bí mật, phải đóng cửa bảo nhau, phải xử lý nội bộ còn “công khai” là một từ taboo, nhạy cảm có thể làm chế độ sụp đổ. Im lặng sẽ tạo ra nhiễu thông tin do nhiều câu hỏi và không ít những câu hỏi ấy dẫn dư luận sang những câu trả lời mang tính suy luận và suy luận càng nhiều sự thật càng lùi xa.

Thí dụ như vụ bauxite.

Tại sao một dự án rõ ràng là chỉ có hại cho Việt Nam nhưng nhà nước vẫn im lặng để cho Bộ Công thương tái oai tác quái bất kể mọi chống đối từ các nhà khoa học cho tới nhân sĩ trí thức điển hình cả nước, và chưa một ai trong bốn ông cao nhất công khai làm rõ vấn đề trước người dân từ khi những gầu đất đầu tiên được múc lên từ Tây nguyên. Hai giả thuyết đặt ra đối với người theo dõi:

Phe thân Trung Quốc ghìm cương dư luận. Bất kể kết quả ra sao họ phải chứng tỏ cho Trung Quốc thấy quyền lực của phe này là có thể cô lập, không chế bất cứ ai để thực hiện những gì mà Việt Nam đã hứa.

Phe thứ hai, không thân ai cả chỉ thân với người thuộc phe mình và sẵn sàng thừa gió bẻ măng tạo dư luận bất lợi cho đối thủ bằng cách ngấm ngầm lợi dụng quyền lực đang có để đổ dầu vào lửa khi lửng lơ khuyến khích Bộ Công thương tiếp tục khai thác bauxite còn hậu quả tính sau: tính sổ cho người ký dự án.

Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh là người trách nhiệm khi ông này vào ngày 3 tháng 2 năm 2001 ký trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, tại điều khoản 6, Việt Nam và Trung Hoa “nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông”.

Ông Mạnh về hưu, ông Nguyễn Phú Trọng không chịu trách nhiệm và vẫn giữ im lặng. Trong trường hợp này im lặng không còn đáng sợ nữa vì nó đã trở thành quốc sách.

Để giải mã độc theo kiểu suy đoán này Bộ chính trị phải lấy gai để lể gai, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải lên tiếng bảo vệ những gì mà ông Nông Đức Mạnh đã ký. Mặc dù ông ăn nói không mấy lưu loát nhưng đừng để cái im lặng đáng sợ ấy quay lại bao vây mình.
Thí dụ thứ hai: 356 gia đình tại Dương Nội.

Cho tới nay chưa thấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên tiếng đối với vụ khiếu kiện của người dân Dương Nội khi một doanh nghiệp lại có thể công khai mua chuộc, sử dụng côn đồ, công an và cả cán bộ của UBND thành phố Hà Nội để bao che, đỡ đầu cho các hành động chỉ có thể xảy ra trong thời Pháp thuộc. 

Chính quyền càn quét, đánh đập, bỏ tù, ủi ruộng đang canh tác cùng muôn hình vạn trạng hình thức khác cốt để đẩy người dân ra khỏi đất đai của họ cho bằng được. 

EcoPark trong trường hợp này đứng cao hơn chính quyền bởi các nấc thang chất bằng tiền của họ. Công an đứng nhìn người dân bị côn đồ đánh đập. Cán bộ địa phương đổ trách nhiệm cho nhau và cho dân. UBND thành phố xem vụ này không phải của mình và Bộ Chính trị coi đây chỉ là một vụ tranh chấp không cần phải lên tiếng, vì vậy khi hàng đoàn dân oan Dương Nội kéo về văn phòng tiếp dân đưa đơn đã không được người nào ra nhận.

Hai chữ “nhân dân” đã bị xóa trắng ra khỏi bộ nhớ của đảng, của chính phủ.

Sự im lặng trong trường hợp này không còn đáng sợ nữa, nó đã trở thành đáng hy vọng đối với những ai tin vào sự nổi dậy của quần chúng và đáng lo cho những ai còn tin vào sức mạnh của dùi cui và bạo lực. Một sự im lặng đồng lõa với cái ác.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chính là người trách nhiệm trong vụ lên tiếng này. Ông có sứ mạng nối liền giữa chính phủ và dân, trong đó phần dân nghiêng hơn khi so với Thủ tướng. Khi thấy dân lầm than mà không lên tiếng là ác, khi thấy chính phủ bất công mà không can ngăn là hèn. Tôi tin ông không có đức tính nào trong cả hai điều vừa nói vì dù sao ông cũng là một chủ tịch nước gần dân hơn các ông tiền nhiệm.

Thí dụ thứ ba: Công an đánh dân chết trong đồn công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang xem như mất tích.

Với học hàm học vị Giáo sư, Tiến sĩ được xem là dày cộp so với nhiều bộ trưởng công an các đời trước, Bộ trưởng Trần Đại Quang khác với hầu hết các bộ trưởng của triều đại Nguyễn Tấn Dũng: ông không hề lên tiếng trước bất cứ trường hợp tiêu cực nào xảy ra trong ngành công an, kể cả vụ Phạm Quý Ngọ, một thứ trưởng bị tố đã ăn hối lộ 500 ngàn đô la để rò rỉ thông tin cho Dương Chí Dũng chạy trốn. 

Tuy nhiên điều này dễ hiểu vì ông sợ bức dây động rừng. Nhưng điều khó hiểu hơn cả là trước các thông tin từ báo chí về việc công an tra tấn người bị bắt trong đồn đến chết xảy ra tràn lan, ông vẫn im lặng, làm như ông đang giữ chức Bộ trưởng công an của nước bạn chứ không phải tại Hà Nội. 

Ông Trần Đại Quang có nỗi khỗ tâm gì? Liệu nỗi khổ tâm ấy có lớn hơn sự uất ức của hàng trăm thân nhân các nạn nhân bị nhân viên dưới quyền ông lạm dụng “quyền được đánh” của họ hay không?

Sự im lặng của ông có thể ví ngang với nụ hôn Juda trong kinh thánh. Juda lừa bọn Do Thái khi nghĩ rằng Chúa rất quyền phép không thể nào bị bắt và ông ta đã nhận 30 đồng bạc để thông đồng với chúng: khi hôn ai thì người đó là Chúa Jesus.

Chúa quyền phép đã đành nhưng nhân dân không có quyền phép như người ta nghĩ. Họ chỉ có nổi loạn, mà nổi loạn thì không thể xem là quyền phép.

Hôn trong sự im lặng để khuyến khích bọn Do Thái giết người có khác gì sự im lặng của ông Bộ trưởng trước hành vi bất nhân hàng loạt? Sự im lặng này không còn khó hiểu, nó đã có một định nghĩa mới: Sự im lặng bất nhân.

Thí dụ thứ tư: Bộ trưởng y tế và bệnh sởi.

Mọi thông tin về sởi đã có. Các tiêu cực chung quanh nó cũng đã và đang có. Bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị báo giới giải phẩu tới những tế bào nhỏ nhất. Lần đầu tiên giới giải trí lên tiếng đòi bà từ chức. Chính phủ im lặng như từ xưa tới nay và sự im lặng này có thể nhìn ở một góc nào đó thì chính phủ đúng. Tuy nhiên cái đúng ấy đã bị giới hạn khi sự việc có khả năng lan tới tầm uy tín quốc gia và khả năng chịu đựng hạn hẹp của người dân.

Một bộ trưởng có quyền giải quyết những việc xảy ra liên quan đến bộ của mình mà chính phủ không nên can thiệp, đó là tiêu chí đúng đắn của một đất nước dân chủ. Tuy nhiên giới hạn của tiêu chí này nằm ở chỗ: chính phủ phải can thiệp ngay lập tức nếu trình độ, cách giải quyết vấn đề, ngay cả sự phát ngôn lệch chuẩn của một bộ trưởng. 

Sự can thiệp này là chìa khóa cho mọi chính quyền dân cử, riêng với chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng e rằng sẽ có ngoại lệ vì như nhiều thủ tướng đời trước từng tuyên bố: thủ tướng không có quyền bãi nhiệm một bộ trưởng.

Không bãi nhiệm được chẳng lẽ không nói được?

Ít ra một tiếng nói của Thủ tướng trong lúc này sẽ có tác dụng giải vây cho Bộ y tế qua trả lời của chính bà Tiến. Mọi thắc mắc, nghi ngờ hay cáo buộc bà Tiến sẽ được giải tỏa và vượt qua sự im lặng ấy là trách nhiệm của Thủ tướng chính phủ chứ không ai khác.

Im lặng trước chống đối rộng khắp của nhân dân phản ánh sự run sợ của chính quyền và sự run sợ ấy chỉ có thể làm nguội đi bằng các giải thích và chịu trừng phạt của dư luận.
Thí dự thứ năm: xé bằng của trí thức.

Sự im lặng tiếp tục bao trùm hai bộ phận của ngành giáo dục: Bộ giáo dục, Đại học sư phạm Hà Nội khi chính ra hai cơ quan này có trách nhiệm giải thích cho dư luận biết về hành động tịch thu bằng thạc sĩ của cô giáo Đỗ Thị Thoan, bút danh Nhã Thuyên bởi một hội đồng thẩm định luận văn khác do Đại học sư phạm Hà Nội triệu tập. 

Thạc sĩ Đoan được đánh giá đã trình một luận văn thạc sĩ xuất sắc với điểm 10 tuyệt đối khi cô nghiên cứu khoa học về nhóm Mở miệng và những hoạt động của họ với cách nhìn mới. Hơn ba năm sau khi lấy bằng và được mời ở lại trường tiếp tục giảng dạy, vài kẻ tố cáo cái luận văn này có tư tưởng chống đảng, vô văn hóa và yêu cầu hủy bỏ.

Những tiếng nói bâng quơ ấy không ngờ lại được những kẻ khác thực hiện cho bằng được. Một Hội đồng thẩm định được lập ra, luận văn thạc sĩ bị xé toạc và người hướng dẫn cô giáo Đoan bị cho về vườn.

Một vài người trong “hội đồng xé” ấy viết bài bênh vực cho luận điểm xé của họ, tuy nhiên đây không phải nhân vật thẩm quyền trả lời dư luận, người phải trả lời là Bộ trưởng Bộ giáo dục, kế đó là Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội nơi tổ chức và thực hiện việc cấp và xé luận văn thạc sĩ ấy.

Cho tới nay họ vẫn im lặng. Cho tới nay hai thể chế giáo dục ấy vẫn tỏ ra cao ngạo trước đòi hỏi bức thiết của dư luận: không được quyền thao túng nền học thuật nước nhà dù anh là ai và quyền lực đến đâu.

Sự im lặng này ban đầu thấy vô hại hơn bauxite, hơn cướp đất, hơn bệnh sởi, hơn công an đánh chết dân nhưng thực ra nó chính là đầu mối cho tất cả các nguy hại này.

Nền giáo dục bị bức hại bởi các quyết định chính trị mờ ám sẽ sản sinh ra loại vi rút câm nín nguy hiểm cho cả dân tộc. Thử tưởng tượng khi tất cả các học hàm học vị đều dắt tay nhau đi dưới sự chỉ đạo của đảng hay ít ra của những kẽ nịnh đảng thì nền học thuật của Việt Nam sẽ ra sao?

Tất cả những im lặng ấy bây giờ đã không còn đáng sợ nữa mà chính danh nó phải được nói lại bởi chữ khác: “đáng khinh”.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

NGỤY BIỆN

Câu chuyện thứ nhất
Ở xứ nọ có một cô gái xinh đẹp đã làm biết bao nhiều chàng trai thầm yêu trộm nhớ và mơ ước được trọn đời bên nàng. Không may năm 17 tuổi cô bị mù do mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Gia đình không tiếc bất cứ cái gì để thuốc thang chạy cai hiến đôi mắt lành mới có thể giúp cô có lại được ánh sáng mà thôi.Rất đau khổ về nỗi thiệt thòi của mình, cô nguyện ước nếu ai đó chữa được cho cô đôi mắt cô sẽ suốt đời hi sinh và lấy người đó làm chồng.
Đến một ngày, các thầy thuốc cho mời cô đến để làm phẫu thuật và sau vài ngày cô đã nhìn lại được ánh sáng trong thế giới huyền diệu tươi đẹp muôn mầu của cuộc sống. Cô cảm thấy mình hạnh phúc vô bờ bến như được sinh ra lần thứ hai.Khi hỏi nguyên nhân nào đem lại cho hữa cho cô nhưng vô hiệu. Cuối cùng các danh y kết luận: hết cách, may ra có cô đôi mắt sáng, các thầy thuốc chỉ cho cô thấy một chàng trai bẽn lẽn đeo cặp kính đen đang ngồi trong góc phòng vẻ mặt đầy rạng rỡ.Nhưng khi chàng trai bỏ cặp kính đen xuống thì cô thấy nơi đôi mắt của chàng chỉ là hai cái lỗ sâu hoắm ghê rợn làm cô rùng mình hoảng hốt. Đôi mắt ấy đã được chàng trai tha thiết tình nguyện để các thầy thuốc khoét ra thay mắt cho cô.
Tuy vô cùng cảm động nhưng cô gái từ bỏ lời nguyện ước của mình vì không thể lấy một người chồng mù xấu xí, gớm ghiếc như thế.
Câu chuyện thứ hai
Một nhà sinh học vĩ đại đã cho thấy việc nhân bản cừu Dolly là chuyện nhỏ vì ông đã nhân bản thành công một con người bằng xương bằng thịt có tư duy. Ông đặt tên sản phẩm trí tuệ của mình là Mecgi. Sau 16 năm Macgi trở thành một thanh niên có phẩm chất tuyệt vời về năng lực thể chất, nó bất tử với các tác động vật lý thông thường. Nó còn có phẩm chất trên cả tuyệt vời nhưng theo một chiều kích xa lạ về tư tưởng. Những dự định tốt đẹp của nó đem đến cho mọi người xung quanh sự khiếp đảm và đau khổ. Khi Macgi nhìn một cô gái với vẻ âu yếm thì từ ánh mắt nó tỏa ra một năng lượng xung kích làm cô gái tê liệt và mất hết khả năng chống cự với hành động bản năng của nó. Nó có những biểu hiện điên khùng, bẻ gãy tay chân một người bất kì để làm vui cho người nó yêu quý, vì trong lối tư duy của Macgi, đó là cách thức tốt đem đến niềm vui.Macgi hãm hiếp vợ của một người hàng xóm để trả thù cho việc ông này mắng nhiếc vợ. Đỉnh cao trí tuệ là việc Macgi đốt cả làng với suy nghĩ không muốn cho những người trong đó chịu những nỗi cơ cực vì sống trong những túp lều rách nát ẩm thấp tối tăm. Nhưng việc đó đã gây ra cái chết thê thảm cho rất nhiều con người sống trong đó và tàn phá tất cả những gì mọi người vắt sức làm ra. Macgi tàn phá rất hiệu quả nhưng hoàn toàn không thể làm nổi lấy một chiếc bánh mì để ăn.Tóm lại, xuất phát từ những ý tưởng tốt nhưng Macgi đã gây ra toàn những thống khổ cho con người vì những ý tưởng cao siêu nhưng điên rồ. Hơn nữa Macgi không có khả năng hiện thực hóa hay nói cho đúng nghĩa, nó không có năng lực làm bất cứ điều gì là tốt đẹp đúng nghĩa.
Những người khốn khổ vì Macgi đã tìm cách giết nhà sinh học vĩ đại kia để cứu thế giới. Nhưng nhà sinh học đã biết sai lầm của mình và tự tìm cách điều chỉnh bằng cách hủy diệt Macgi. Cuối cùng trong nỗ lực dùng hóa chất phân hủy Macgi, nhà sinh hóa đã nhiễm độc và chết cùng ngày với nó.
Câu chuyện thứ ba
Chuyện này thì ai cũng biết nhưng nó nằm trong cấu tứ của Tam giáo luận nên vẫn phải kể lại.
Nhan Hồi là trò yêu của Khổng tử. Một lần từ xa chứng kiến Nhan Hồi mở vung nồi cơm, bốc vài nắm giấu vào tay áo rồi cho vào miệng ăn, Khổng Tử cay đắng nghĩ: “Ta thật lầm to khi cho rằng Nhan Hồi là một trò ngoan có trí lực hơn người, than ôi cũng là đứa giá áo túi cơm gian ngụy mà thôi”.Khi các môn sinh khác về lều, Khổng Tử bẫy Nhan Hồi: “Ta từ Lỗ sang Tề muôn nguy nghìn cực. Nay có nồi cơm ngon há sao không xới lấy một bát, thắp nhang dâng kính tiên tổ, mẹ cha là các đấng sinh thành, các con thấy có nên chăng?”Nhan Hồi vội thưa: “Bẩm thầy, nồi cơm này không còn sạch để dâng tế”.Khổng Từ vờ không biết hỏi lại: “ Cớ sao không sạch?”Nhan Hồi thưa: “Bẩm không sạch, vì trong khi thổi nấu, con có mở vung ghế cơm, bị cơn gió thổi tới làm bay gio bụi vào nồi. Con đã hớt lấy chỗ cơm dính gio để ăn”.Không tử than rằng: “Than ôi, suýt nữa ta ngờ oan cho Nhan Hồi. Thế ra trên đời có những sự chính mắt trông thấy còn không hiểu được sự thật thì thử hỏi những sự không thấy còn đáng ngờ vực biết bao nhiêu?”.
Lời bàn:

Có người xem xong câu chuyện thứ nhất nói: Đó là lời bào chữa cho sự bội ước và minh chứng: lòng tốt được chỉ dẫn bởi lý trí tồi sẽ đem lại hậu quả thê thảm như thế nào.
Có người xem câu chuyện thứ hai cho rằng: Có lẽ đây là một trường phái của Nhị nguyên luận nhằm giải thích  nguồn gốc thế giới. Việc đó từ thời cổ đại cho đến nay vẫn không có sự lý giải khúc chiết, thuyết phục nhất. Nó vẫn giống như chuyện tranh cãi quả trứng có trước con gà hay con gà có trước quả trứng. Tuy nhiên ở đây có hồi kết đáng suy ngẫm vì tính thực tế của nó.
Nhiều người xem câu chuyện thứ ba thừa nhận rằng: Âm mưu của một bộ phận cô đơn nhưng hãnh tiến muốn đưa ra một thông điệp nhằm làm rối trí  người nghe, dẫn dụ tới sự biện hộ cho những lật lọng của mình cả hiện tại và trong tương lai.
Hãy ráp nối ba câu chuyện trên trong trong một tổng thể. Nếu vậy, đây có lẽ là cách giải thích nôm na nhưng rất thuyết phục cho câu hỏi chủ nghĩa Marx – Lénin là gì, chủ nghĩa Marx – Lénin kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa hủ nho Việt nam tạo ra cái gì và tương lai của nó ra sao.
Mai xuân dũng

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

LỄ CẮT BÌ HAY LÀ CẮT KHỐI U ÁC CHO ĐẢNG

Trong các căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ, nhân loại từng lo lắng về nan y Suy giảm miễn dịch, ở Việt nam quen gọi là “ết” hoặc “si đa”.
Ai mắc căn bệnh này, người đó coi như đã bị tuyên án tử hình.
Thế giới đã không ngừng tìm tòi phương cách chống trả nó. Đến nay các nhà khoa học đã có những thành tựu được ghi nhận như tạo ra vắc xin phòng ngừa, thuốc điều trị nhằm kéo dài sự sống cho người mắc bệnh nhưng chưa thể tiêu diệt được “con ma” HIV.
Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về Sida tại Roma, giới học giả đã thông báo : việc cắt bao quy đầu ở đàn ông có thể làm giảm đến một nửa nguy cơ mắc bệnh Sida.
Đây là giải phẫu từng được nhắc đến trong Thánh Kinh. (Phục truyền luật lệ ký 10:16; Giê-rê-mi 4:4), về sau việc này trở nên một giáo điều trong các tôn giáo như Hồi giáo, Do thái giáo, Chính thống giáo và phổ biến ở Trung đông, Phi châu, thậm chí cả ở Mỹ.
Việc cắt da bao quy đầu đã có một lịch sử tới 5-6 nghìn năm với các bằng chứng rõ ràng qua công bố của giới khảo cổ Quốc tế.
Điều đó đặt ra một câu hỏi là con người từ xa xưa làm việc này có mang tính y học hay đơn thuần chỉ mang tính tôn giáo ? Đó là một câu hỏi lớn chưa có sự giải đáp chính thức và thỏa đáng nhưng có thể nói rằng: liệu pháp đó phải có căn cứ.
Căn bệnh suy giảm miễn dịch ở Việt nam chưa hoành hành ghê gớm như ở một số nước châu Phi nhưng căn bệnh suy thoái đạo đức lối sống ở “một bộ phận cán bộ đảng viên” và con em của họ thì thật sự đã lan rộng và trở thành căn bệnh trầm kha hơn cả HIV.
Căn bệnh SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC biểu hiện đầu tiên là THAM NHŨNG.
Muốn có chức có quyền bước đi đầu tiên phải là: được vào đảng.
Viêt nam có số lượng đảng viên chưa tới 10% dân số nhưng đây là bộ phận có chức có quyền tạo nên tham nhũng với vô vàn mưu ma chước quỷ để thăng tiến bất chấp dư luận xã hội, sản sinh ra vô số kẻ thừa tiền ăn chơi thác loạn làm băng hoại đạo đức xã hội trong khi đại bộ phận dân chúng kiếm sống rất chật vật nghèo khổ.
Trong khi đầu tư nước ngoài và các nguồn của cải vật chất trong nước không tạo nên sự cải thiện thật sự cho đời sống nhân dân thì các cán bộ đảng đã nhanh tay vơ vét để làm giàu cho cá nhân, gia đình mình.
Cách đây vài năm báo chí trong nước nói về những cán bộ cao cấp trong đảng “cưỡi 1 nghìn con trâu” đến công sở hoặc đi du hý để nói về những chiếc xe hơi của họ thì nay “cưỡi 1 nghìn con trâu” là chuyện nhỏ. Các đảng viên “ưu tú” mua cho con cái họ những chiếc xe hơi Rollroy giá nhiều nghìn con trâu và tổ chức những bữa tiệc sinh nhật bạc tỷ trong khi rất nhiều người dân lao động quần quật cả đời mà cơm không đủ no, con cái nheo nhóc không có tiền thuốc thang chữa bệnh.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế từng xếp Việt nam ở vị trí thứ 116/178 trong thứ hạng về tham nhũng.
Đảng CS Việt nam thừa biết tham nhũng sẽ đục nát cơ cấu nhà nước, phá hoại niềm tin vốn đã xuống rất thấp trong nhân dân, khơi dậy ngọn lửa bất mãn, chống đối trong xã hội đe dọa sự tồn vong của chế độ nên cũng đã có những động thái kìm hãm cơn sóng thần tham nhũng.
Tuy nhiên đại bộ phận tham nhũng là những người có chức quyền, là đảng viên, vậy chống tham nhũng là chống cái bộ phận “tiên phong” đó là chống đảng. Cán bộ có chức vụ càng cao tham nhũng càng lớn. Trong kì họp Quốc hội khóa 13 vừa qua, ông Trương Tấn Sang, tân chủ tịch nước cũng phải thừa nhận việc chống tham nhũng là chưa có hiệu quả. Thực ra, xét về bản chất vấn nạn tham nhũng ở Việt nam, đó là việc nêu ra mà không thể làm được, một bài toán không có lời giải.
Biểu hiện rõ nét nữa của SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC là DỐI TRÁ. Xã hội Việt nam đang sống trong dối trá và lấy dối trá làm kế sách tồn tại. Để tỏ ra dân chủ, đảng bày đặt ra Quốc hội và cho ghi vào Hiến pháp “ là cơ quan quyền lực cao nhất” nhưng ai cũng biết Quốc hội có đại đa số đại biểu là các cán bộ đảng viên và đương nhiên các đại biểu phải tuân theo chỉ đạo của một nhóm người có quyền lực cao nhất trong đảng, quyết định tất cả các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây dư luận xã hội, báo chí đã nêu đích danh nhiều cán bộ cao cấp trong đảng, nhà nước sử dụng bằng giả. Các quan chức này thậm chí dùng tiền ngân sách nhà nước, thực chất là tiền thuế của dân để mua bán bằng cấp, học vị giả để được thăng tiến lên các chức vụ cao hơn trong đảng, trong bộ máy nhà nước.
Các cơ quan truyền thông như đài truyền hình, báo chí của nhà nước lập ra cũng chỉ để tuyên truyền đánh phấn bôi son cho đảng, nhà nước và nói dối dân về nhiều sai phạm của các cơ quan đảng, nhà nước, bưng bít che dấu các sự kiện Quốc tế và trong nước mà họ cho là “bất lợi” cho đảng.
Các cơ quan truyền thông này rất mập mờ giữa tốt và xấu …trong một thời gian dài. Họ che dấu tình hình thực tế mối quan hệ Việt nam –Trung quốc. Không phải vì sự “khôn ngoan” trong “đối sách” với Trung quốc mà vì sự hèn nhát, vì quyền lợi, chức vụ của họ và con cháu họ mà họ đã tìm mọi cách che dấu tình hình thực tế là hiện nay Trung quốc đang thôn tính đất, biển của Việt nam. Người ta một mặt chỉ đạo cho công an đàn áp người dân biểu tình biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung quốc gây hấn với Việt nam, một mặt không cho báo chí đưa tin người dân biểu tình, thậm chí xuyên tác sự thật về các cuộc biểu tình là “một nhóm người tụ tập” (TTXVN).
Trong một xã hội mà nói thật đem lại sự mất an toàn thì toàn đảng toàn quân, toàn dân chỉ có thể nói dối. Đau xót thay, việc nói thật đáng ra là một điều bình thường thì ở Việt nam nói thật (được những người có lương tri) coi như là một biểu hiện anh hùng. Mà quả thật ở nước ta việc nói thật là cần rất nhiều dũng khí và sự hy sinh.
Có thể nói biểu hiện của căn bệnh SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC còn thể hiện nhiều nữa ở sự vô cảm (trong cán bộ, dân chúng), sự nhẫn tâm, côn đồ của một số cán bộ sỹ quan công an như báo chí các “lề” đăng tin rất nhiều các trường hợp công an nổ súng vào dân, vào thiếu niên, đánh chết dân lành như dư luận xã hội đã từng biết đến. Liệu quốc nạn SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC có thể chữa trị ?
Đảng cộng sản và nhà nước có dám nhìn thẳng vào sự thật này để ngõ hầu tìm được một “liệu pháp cắt bì” cho chính họ không?
MXD

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

HY VỌNG, NHƯNG QUÁ SỚM ĐỂ VUI MỪNG

Theo thống kê của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) Việt Nam là nhà tù lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á giam giữ tù nhân chính trị.

FIDH ước tính hiện có ít nhất 212 nhà bất đồng chính kiến đang bị Hà Nội giam cầm và nhiều người khác đang bị quản thúc tại gia.
Danh sách trên 200 tù nhân chính trị này là những trường hợp đã được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam xác minh, kiểm chứng.
Ông Bob Dietz, Điều phối viên Chương trình Châu Á của CPJ, nói Ủy ban Bảo vệ Ký giả rất lo ngại trước chính sách tiếp diễn của Hà Nội: bắt giam, đàn áp, ngược đãi các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, hay những người chỉ trích nhà nước và dùng họ như những con cờ để đổi chác với quốc tế., vấn đề không phải là bao nhiêu tù nhân lương tâm được thả mà là đến bao giờ Hà Nội chịu từ bỏ các hành vi đàn áp nhân quyền đã và đang được tận dụng triệt để vì nhiều mục đích khác nhau.

Việc nhà cầm quyền trả tự do cho các tù nhân chính trị như Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung một cách lặng lẽ không đi cùng với bất cứ tuyên bố nào về cải cách dân chủ cũng như sự kín tiếng của Washington cho thấy đây chỉ là kết quả thương lượng giữa Mỹ và Việt nam nên sự dè dặt của giới bất đồng chính kiến Việt nam là rất có cơ sở.

Người ta chỉ có thể vui mừng khi chính quyền hà nội ra một tuyên bố công khai, dù khiêm tốn về đường hướng cải cách dân chủ ở Việt nam và người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng họ-những người cầm quyền cộng sản sẽ tiếp tục bắt giam trở lại những người mới được trả tự do hoặc tiếp tục bắt bớ sách nhiễu những người dám lên tiếng chỉ trích chính sách công an trị và tranh đấu cho dân chủ khi các cuộc thương lượng trong vòng bí mật ít đem lại cho họ những mối lợi mà họ kỳ vọng.

Trước tín hiệu có sự nới lỏng bàn tay sắt của Hà nội-dù nhỏ nhoi, người ta có quyền hy vọng nhưng quá sớm để vui mừng.

14/4/2014

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

NHÀ NƯỚC LÀM NGƠ TRƯỚC THẢM CẢNH CỦA DÂN SAO?