Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

VÀI SUY NGHĨ VỀ CHUYỆN QUAY PHIM CHỤP ẢNH


 15/4/2014

Ảnh: Internet

Bản chất của việc quay phim chụp ảnh là để ghi lại khoảnh khắc sự kiện, con người hoạt động trong một thời điểm ở một khỏang không gian nhất định nào đó giống như tấm gương phản chiếu sự thật và vì thế bản chất của hành vi này mặc nhiên được coi là đóng góp tích cực trong tiến trình vận động của xã hội loài người. Chống lại việc quay phim chụp ảnh là chống lại tiến bộ, kéo lùi tiến trình vận động đi lên của xã hội loài người. Trừ một số trường hợp cá biệt, sử dụng phim, video, ảnh nhằm trả thù cá nhân cách hèn hạ hoặc làm lộ bí mật quốc gia hay là dùng kỹ xảo chỉnh sửa làm sai lệch nguyên bản hình ảnh gốc để xuyên tạc sự thật, thì việc sử dụng, công bố các “tài liệu” đó đều làm lợi cho cho con người góp phần xây dựng xã hội dân chủ văn minh và đương nhiên hoàn toàn hợp pháp với hầu hết các quốc gia trên thế giới.


Những điều nói trên không mới nếu nói cho đúng là hết sức bình thường nhưng, như ta thường thấy, lẽ ra những người tham gia làm việc cho nhà nước nhất là những người trong bộ máy công quyền thực thi luật pháp hơn ai hết phải hiểu rõ nguyên tắc đơn giản này nhưng thật đáng tiếc trong thực tế, nhiều khi họ cố tình ngăn cản việc quay phim chụp ảnh của công dân một cách thô bạo mà không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) rằng đó là hành vi vi phạm luật pháp hiện hành, vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc giám sát công việc của các cơ quan nhà nước (điều 8 Hiến pháp 2013).



Tệ hơn nữa, hầu hết các trường hợp vi phạm luật pháp nói trên lại rơi vào các cán bộ chiến sỹ công an, an ninh. Việc công dân quay phim chụp ảnh (giám sát) công việc của các cơ quan chức năng phải được pháp luật bảo hộ (lẽ ra là đáng khuyến khích) nhưng các cán bộ chiên sỹ công an (trong rất nhiều trường hợp được lưu lại trên các trang mạng) lại ngăn cản việc quay phim chụp ảnh của công dân, thậm chí nhiều trường hợp những công dân quay phim chụp ảnh trong các sự kiện chính trị xã hội còn bị bọn “xã hội đen, côn đồ” công khai (?) cướp giật phương tiện ghi âm, ghi hình.

Các hoạt động quay phim chụp ảnh giám sát công việc của cơ quan nhà nước là hợp hiến còn cơ quan công quyền (công an, an ninh) khi quay phim chụp ảnh công dân nên được hiểu là chỉ để, và được phép nhằm phục vụ công tác lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu chứ không thể được sử dụng như một cách khủng bố tinh thần người dân hoặc nhằm xác định nhân dạng để trả thù cá nhân.

Quan sát nhiều trường hợp cơ quan công quyền và công dân “tác nghiệp” tại hiện trường phản ánh các sinh hoạt chính trị như biểu tình, các cuộc cưỡng chế đất đai, người ta có nhận xét rằng: hình như cả hai bên, (người dân và cơ quan chức năng) đều đang làm công việc quay phim chụp hình (cận mặt) nhau với thái độ hoàn toàn xa rời bản chất nhân văn của một trong những hình thái hoạt động xã hội bình thường.

Tuy nhiên không thể trách người dân vì mấy lẽ: thứ nhất, hầu hết họ thiếu (hoặc không) được đào tạo, giáo dục ý nghĩa, kỹ năng cơ bản về công việc ghi âm ghi hình. Thứ hai, trên thực tế người dân hoàn toàn không được đảm bảo, bảo hộ về an ninh thân thể và tài sản khi họ thực hiện công việc quay phim chụp ảnh (giám sát) công việc của những người thực thi luật pháp. Thứ ba không thể khác, khi phía các anh công an, an ninh chỉ chăm chăm vào việc quay, chụp tận mặt công dân nhằm theo dõi, khống chế, trả thù họ thì hà cớ gì người dân lại không sử dụng “vũ khí’ duy nhất của họ để lưu lại các tài liệu sống động trung thực cho mai sau để khi điều kiện cho phép, họ sẽ dùng các dữ liệu đó “tuyên dương công trạng” của các anh?


Với những suy nghĩ trên, hy vọng có ai đó sẽ đọc, suy ngẫm kỹ về công việc quay phim chụp ảnh các sinh hoạt chính trị hiện nay nhằm minh xác rằng: Chúng ta là những con người, vậy hãy xử sự như những con người trưởng thành chứ không phải là những con bê.



MXD

Bài viết liên quan:
Gõ ô tìm kiếm: Hội chứng sợ chụp ảnh
http://dzungm86.blogspot.com/2012/02/so.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét