Trang

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

CHÚNG TA LÀ NHỮNG ANH HÙNG

31/5/2013

               

Hà nội. Lâu lâu anh em gặp nhau kiếm cái quán ven hồ Tây, tốt nhất là nhà thuyền, kêu món cá chép om dưa làm mồi nhậu cũng thú. Cá lồng thả trong hồ tươi giẫy đành đạch, om với dưa chua điểm chút rau thìa là, dễ ăn cho cả bốn mùa.
Nhậu ở mấy nhà hàng trong phố, tiếng là sang trọng hùng dũng thật đấy nhưng dễ bị ăn cá ươn. Cái giống cá nước ngọt nó thế. Bình thường, tươi đã tanh mà để đông lạnh càng tanh, chế biến khéo cách gì cũng không lại được. Đi ăn ở một nhà hàng vào loại có tiếng, anh bạn bảo cậu bếp: “Này, cho chú con chép bơi nghiêng nhé”. Cậu nhà bếp cười ý nhị ra điều hiểu. 
Nhà hàng nào cũng có bể thủy tinh thả cá thịt làm….cảnh (là chính) còn ra là cho khách xơi cá tủ lạnh. Mà nhìn cá thả trong bể đã hết hứng ăn uống: cá, con nào con nấy tróc vẩy , da loang lổ như da báo,bơi thì nghiêng nghiêng như sắp lật ngửa đến nơi. Giống cá hay thế đấy, con nào cũng có cái bong bóng để…dự phòng khi hữu sự. Bình thường không sao, khi cá ốm có cơ chế gì đó giúp bơm khí vào bong bóng phình lên làm cho cá bơi nghiêng rất lạ. Khi cá chết bong bóng căng hết cỡ, lúc ấy cá ngửa phềnh bụng lên. Khách sành ăn phân biệt được mùi vị cá tươi cỡ nào. Cá tủ lạnh vị nó khác cá bơi nghiêng. Chả thế trong món gỏi, yêu cầu quan trọng số một là cá phải thật tươi, bơi khỏe. Hàng trăm nhà hàng ở Hà nội chỉ có vài nhà hàng có đầu bếp giỏi nghề giữ bí kíp làm gỏi cá ngáp. Gỏi cá ngáp nghĩa là món gỏi cá (thường là cá song) khi bày trên bàn ăn, cá được lọc thịt xếp lớp trên đĩa ướp đá lạnh, cái miệng cá vẫn ngáp ngáp. Ngáp cho đến khi khách nhậu được chừng nửa giờ mới thôi. Món gỏi ngáp này mấy anh tây nhìn hãi lắm. Họ cho là dã man. Nhưng đó mới thật là cá tươi. Các em phục vụ bàn bắt tướng thực khách rất nhanh. Khách sành ăn khó tính, các em báo nhà bếp: “cho bàn 3, cá sấp” chẳng hạn. Còn nếu khách lạ, dáng vẻ “hiền nhân” hoặc năm thì mười họa mới có dịp “phá đời” cho biết mùi “rét to răng” thì cầm chắc là các em order nhà bếp “cá bơi ngửa”. Cái sự sấp hoặc ngửa nó là thế.
Chủ nhà hàng, quán ăn chẳng ai muốn nói ra chuyện này. Khách hàng nào cũng khó tính đòi cá tươi thì cá tồn kho bán cho ai? Thời buổi kinh tế khó khăn, phải tiết kiệm từng giọt dầu, hạt muối mới mong có lời lãi, bỏ đi một con cá là mất không ngày lương chi cho bảo kê áo xanh, áo vàng chiều một mình qua phố chứ chưa nói đến “phần” của các bậc bề trên nắm quyền sinh, diệt trong tay.
Nhưng cũng không thể không nói bởi không ai ho làm sao có thuốc? Và mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Ăn ở hàng quán thời nay toàn….anh hùng. Một dạo, ăn chân gà nướng là mốt của nam thanh nữ tú. Các quán chân gà nướng phố Tôn Thất Tùng, Thái Hà, gọi là "Phố Gà". Chân gà nướng tẩm ướp gia vị, phết mật ong trước khi nướng sau đó quạt trên lò than, chấm tương ớt ăn kèm dưa chuột dầm chua. Ở Sài gòn, chân gà nướng được bán ở đường Trường Sơn, Hồng Hà, Lam Sơn rồi Phạm Văn Hai, Lê Văn Sĩ… được xem là món khoái khẩu bởi món này dân dã, rẻ tiền. Ăn cũng ngon miệng. Chuyện đó chẳng có gì đáng nói nếu….
Hầu hết,chân gà nhập từ Trung Quốc qua tất cả các của khẩu. Sau khi dỡ thùng,nhà hàng,quán nhậu đem ngâm trong nước cả ngày cho đỡ mùi hóa chất bảo quản. Sau tiếp tục đổ axit nhẹ vào tẩy cho chân gà trắng hơn rồi đổ vào xô, chậu tưới bia hơi cho nở ra vì hàng nhập từ Trung Quốc để lâu trong kho bị khô hoặc nặng mùi. Khi xơi, bẻ từng đốt chân ra mà coi kỹ thấy bên trong xương đã rỗng, mục, ngửi kỹ thấy thum thủm lẫn mùi hăng hắc của phenon. Bên Tầu món này cũng có bán gọi là “phượng trảo” ăn thấy không đến nỗi tệ như ở ta nhưng cũng không an toàn lắm. Dạo sang Trùng Khánh, anh người Tầu gốc Việt có bảo rằng “ Ô, ăn một chiếc chân gà nướng bằng hút hai chục điếu thuốc lá đó nỉ à”. (Vì khi chân gà được nướng chín ở nhiệt độ cao, chất béo bị phân giải nhỏ giọt xuống lớp than hoa, sau đó lại bốc hơi quyện vào thịt tạo thành benzopyrene,dạng hydrocarbon thơm có khả năng gây ung thư dạ dày, đại trực tràng)...
Lạy giời, món đặc sản gốc Tầu này đã biến khỏi Việt nam. Nhưng chớ vội mừng. 
Mới đây, một báo cáo điều tra do Đài truyền hình Trung ương Trung quốc (CCTV) phát sóng phát hiện các nông dân ở thành phố Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) đã sử dụng thuốc trừ sâu aldicarb, vượt mức cho phép 3-6 lần. Thứ chất độc này có nhiều trong gừng. Mà gừng là thứ có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm chế biến. Ở ta, gừng gần như hoàn toàn nhập bên Tầu. Nông dân giờ có trồng gừng đâu. Theo SCMP, Aldicarb là một trong những loại thuốc trừ sâu cực độc. Chất độc aldicarb có thể gây tổn thương hệ hô hấp, mờ mắt, đau đầu, nôn mửa và run rẩy ở người. Chỉ cần 50mg aldicarb có thể giết một người có cân nặng 50kg. Bác nào ăn phở xong thấy hơi đau bụng,toát mồ hôi,tay run đích thị bị trúng độc Aldicarb có trong nước dùng phở. Chị em nhà ta nấu canh cải, rau muống, ướp thịt bò tất phải có gừng. (Liều liệu đó nha).
Lại nói về lẩu nữa. Dân Hà nội hiện tại phần lớn là bà con nhập cư, sinhh viên. (Nói như Trần Thu Trang viết trong cuốn: Phải lấy người như anh- là "Hà nội nhảy dù". và bà con rất thích gặp gỡ bên nồi lẩu. Lẩu được chuộng lắm. Mốt mà. Lẩu chủ yếu dùng gia vị Tàu nguồn gốc rất mờ ám. Mấy thứ gia vị này được nhập qua đường biên giới tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai chuyển về Hà Nội,lan tỏa ra cả nước.
Hầu hết gia vị lẩu chứa các chất bảo quản bị cấm như a xít benzoic, a xít sobic và benzoyl peroxide, những chất này có thể gây ảnh hưởng đến gan và thận. Ngoài ra, chất nhuộm Rhodamine B cho nước lẩu có mầu đẹp sẽ gây ung thư nội tạng.
Mấy bà con ở nước ngoài về nghe kể các nguy cơ này thì kinh lắm. Bên xứ “giãy chết” đám “cơ quan chức năng” nó làm cái chuyện quản lý thực phẩm rất chặt. Dân mình đọc báo nghe đài thấy bên đó nhiễu nhương quá. Nay cấm nhập cá, mai cấm nhập tôm, kia cấm nhập chè chỉ vì cái tội trong mấy thứ đó lượng thuốc trừ sâu tồn dư vượt mức quy định của họ. 
Theo luật an toàn thực phẩm của Mỹ, tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, phân phối, bảo quản thực phẩm, thức uống... có hàng xuất khẩu qua Mỹ phải tiến hành đăng ký với Cục Quản lý thực phẩm, dược phẩm FDA (Food and Drug Administration) trước khi sản phẩm được nhập vào nước này. Đăng ký với Cơ quan FDA là miễn phí, chả phải “bôi trơn” gì ráo trọi với điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu phải nhập dữ liệu vào hệ thống máy tính cho chính xác. Nếu vi phạm các điều luật của họ, FDA có thể truy tố công ty và chủ nhân ra tòa, và có thể sẽ bắt giam người nếu bị cáo đặt chân lên đất Mỹ. Người đứng đầu FDA là Cục trưởng thực phẩm và dược phẩm, do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm sau khi tham vấn và sự chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ. (He he). Nhiễu nhương thế đấy, khác xứ mình nhể các bác.
Bây giờ họ còn làm ngặt hơn chứ chẳng phải đỡ đi. Các thực phẩm an toàn cao như cà phê đóng hộp thừa cuối ngày buộc phải hủy không được phép đem ra bán vào ngày hôm sau.

Đang nhậu cá chép om dưa với bia hơi Hà nội, một ông anh trỏ vào cốc bia hơi Hà nội bảo: 
- Nãy giờ các ông có thấy con ruồi nào nó dám đậu vào cốc bia không hở? chả con nào đúng không? 
- Đúng thế thật.Thì sao?
- Thì tôi và các ông là những người anh hùng chứ sao.
- ……………?
- Các quán bia hơi ngày xưa rất lẳm ruồi. Giờ thì ruồi nó cũng chẳng dám đậu vào cốc bia của các ông nữa. Đậu vào rồi có khi hêt đường sinh đẻ. Chỉ có chúng ta dám uống bia hơi vì chúng ta là những người anh hùng.
Lẩn thẩn nghĩ vậy mà đúng. Có điều các cơ quan chức năng về An toàn thực phẩm của chúng ta đi đâu hết mà để tình trạng thực phẩm độc hại lan tràn khắp nơi thế này?
Ông anh nói nãy lại bảo: “Các ông ý bận lo việc biến đổi khí hậu” cả rồi. Đến chuyện Trung quốc nó bao vây cả Biển Đông, cấm ngư dân ta đánh bắt cá trong “ao nhà” các ổng còn chả dám hó hé thì ba cái vụ thực phẩm này đâu có đáng gì mà phải lớn chuyện”.

MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét