Trang

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

ĐỪNG NGHE CAVE KỂ CHUYỆN CHỚ NGHE CON NGHIỆN TRÌNH BÀY


24/3/2013
Ảnh minh họa nguồn internet

Trước khi tám về chuyện đại loạn vàng và tiền (hiện đang có quá nhiều nguy cơ cho dân) thì phải nói qua chuyện thuốc phiện đã. 
Người ta hay nói “đừng nghe cave kể chuyện chớ nghe con nghiện trình bày” bởi cave và con nghiện là đệ nhất dẻo mồm. (đám này mà nói đến con sói phải nhả mồi ra nghe chứ nói gì đến đại bộ phận dân chúng vốn được âu yếm gọi là “cừu”).  Như vậy ít nhất ta thừa nhận “tư duy” của con nghiện rất tinh tế, khôn ngoan nên mới thuyết phục được người nghe. Dù ai cũng biết “ca ve kể chuyện, con nghiện trình bày” là thành ngữ để nhắc nhở mọi người thận trọng trước loại diễn giả ngụy biện có hạng nhằm khéo léo che đậy sự thật.  Ông chú họ tôi là một trong số những con nhang đệ tử của tiên nâu, và cục sạn trong đầu ông (nếu có) chắc cũng không nhỏ, tuy nhiên thật là khiêm tốn nếu so sánh với cục sạn trong đầu các chính trị gia ở ta ngày nay.
Năm 19… khi nhà nước hô hào (thống thiết) bà con diệt kiều ở nước ngoài về xây dựng tổ cuốc thì bố mẹ tôi khóc nức lên vì cảm động. Các cụ bồi hồi vì sắp được trở về cố hương, gặp lại họ hàng máu thịt, để được hương khói mồ mả tổ tiên sau bao năm lưu lạc nơi đất khách. Vậy là bạc trắng, vàng mười được các cụ gói gém mang về nước. Ông chú  như đã nói là dân bẹp tai bàn đèn phản đối không chịu. Ông bảo: “Các vị rồi có ngày sẽ sáng mắt ra. Khi bọn bần nông nói ngọt là các vị thế nào cũng mất chứ chẳng được cái gì bao giờ”. 
Sau vì cả gia đình nhất quyết hồi hương, thêm nữa ông chú cũng chẳng con đường nào khác nên đành chịu thua, xếp bàn đèn theo về. Mọi người gom vàng riêng ông cho mua hai bung thuốc phiện gói kỹ cho lên thuyền độc mộc thuê dân Khạ Kho chèo ngược sông Nậm U (Lào) về nước qua cửa khẩu Tây trang. 
Đến Điện Biên Phủ, cán bộ họp kiều bào, chào mừng bà con nồng nhiệt. Cuối cùng cán bộ yêu cầu bà con (phải) ở lại xây dựng kinh tế trên quê hương mới. Ai cũng hẫng hụt.  Bao năm sống ở nước ngoài, về quê là nỗi khát khao khôn nguôi, nay bị buộc ở lại “quê hương mới” nơi rừng rú vượn hú khỉ ho là nỗi thất vọng quá lớn cùng cảm giác buồn mông mênh của gia đình tôi.  
Hôm sau bà con được triệu tập họp tiếp. Nội dung là để “hỏi thăm” gia cảnh và tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho bà con kiều bào. Bố  tôi vốn là đốc tờ Tây (vì có bằng Tây cấp) thì rõ là thành phần “nguy hiểm” cho chính quyền non trẻ nên được ưu ái đưa vào hợp tác xã cắt tóc (cho dễ kiểm soát). Mẹ là thành phần tiểu thương nên được bố trí vào hợp tác xã nông nghiệp. Bà là một phụ nữ đẹp và có một cửa hàng tạp hóa ở Thái nay phải lội ruộng cày bừa như đàn ông. Người ta bảo như thế là được bình đẳng với nam giới. Đó là công cuộc giải phóng phụ nữ. 
Về vấn đề “tư hữu” tư liệu sản xuất của chủ nghĩa xã hộ thì vàng bạc là một thứ tư liệu rất được quan tâm. “Cái đó” được khuyến khích (rất đanh thép) là nên gửi cho chính phủ cất hộ (có giấy biên nhận viết tay hẳn hoi). Nếu ai ủng hộ thì được cấp giấy khen. (Dân mình ít nhiều ai cũng thích khen cả).
Riêng ông chú, vàng đã được quy ra cơm đen nên cán bộ không có ý kiến. Hồi đó chưa có chính sách quản lý chất gây nghiện như bây giờ nên cơm đen của ông chú không nằm trong diện “tư liệu sản xuất” bị chính phủ thống nhất quản lý. Bàn đèn của ông thế là lại tiếp tục thắp sáng niềm tin. Bấy giờ bà con ta hiểu chút ít về bản chất của việc nhà nước cộng sản luôn triệt để thống nhất quản lý tư liệu sản xuât( bao gồm toàn bộ nguồn lực của xã hội) rồi nhé. Vậy ta nói về cái sự loạn của Tiền và Vàng hiện nay.
Về việc đang có đồn thổi nhà nước có thể đổi tiền ta thấy rằng đổi tiền là việc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam sẽ thu hồi toàn bộ tiền cũ và phát hành một loại tiền mới theo một tỷ giá quy đổi nhất định. Cái quan trọng là Hạn mức đổi tiền mà lần đổi nào cũng thế, đó là nguyên tắc.
Hạn mức đổi tiền là giá trị giới hạn tiền mặt mà một công dân, một hộ gia đình, một công ty, một tổ chức, …. được phép đổi. Tỷ dụ: lần đổi tiền tháng 9/1985: Một hộ gia đình được đổi tối đa 2,000 đồng tiền mới. Một hộ độc thân và mỗi người trong hộ tập thể được đổi tối đa 1,500 đồng tiền mới. Một hộ kinh doanh được đổi tối đa 5,000 đồng tiền mới.
Tại sao chính phủ đưa ra hạn mức đổi tiền ?
Mục đích của đổi tiền thường được giải thích là nhằm giảm lượng tiền mặt lưu thông ngoài thị trường, làm lành mạnh hóa nền kinh tế.

Nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến đổi tiền?
1- Nguy cơ vỡ nợ của ngân hàng: khi nợ xấu tăng lên quá cao, thì việc đổi tiền giúp giảm số nợ này xuống  (đúng ra là quỵt nợ). Ví dụ bạn gửi tiết kiệm 100 triệu đồng tại ngân hàng, đến ngày đổi tiền, bạn chỉ được phép rút ra 10 triệu đồng để đổi tiền do Nhà nước vì HẠN MỨC quy định như vậy. Như vậy, bạn mất trắng số tiền 90 triệu. Như thế nhà nước đàng hoàng được phép xóa 90 triệu của bạn trong ngân hàng một cách hợp pháp. Nhờ đó, bản cân đối kế toán trong ngân hàng sẽ trở nên “lành mạnh” về tài chính. 
2- Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay quá lớn: nhà nước đã công bố nợ xấu là 24 tỷ USD nhưng thực chất con số đáng tin cậy là khoảng 100 tỷ. Lẽ ra như ôngg Alan Phan nói, phải buộc những doanh nghiệp (ngân hàng) yếu kém “chết đi”, phá sản đi, bán tồn kho đi để lành mạnh hóa hệ thống tài chính thì chúng lại nhận tiền “cứu” trợ do nhà nước bơm ra bằng ngân sách để bây giờ, khi toàn bộ hệ thống ngân hàng có nguy cơ vỡ thì nhà nước có thể phải tính đến chuyện đổi tiền để quỵt nợ tiền gửi với cách nói văn hoa là “để làm lành mạnh hóa nền kinh tế”. 
Tuy nhiên thời điểm đổi tiền là chưa tới. Vì sao? Câu trả lời là chuyến tàu vét còn có thời gian để hốt tiếp mẻ cuối trước khi chìm nghỉm. Chính vì thế mới có chuyện giá vàng leo vù vù vượt qua giá vàng thế giới tới 5 triệu/ một lượng như hiện nay. Giá vàng trong nước cao như vậy có lợi gì cho nhà nước? Giá vàng cao có mang tiếng xấu cho nhà nước nhưng họ bất cần vì sao và nó liên quan thế nào đến chuyện đồn thổi về đổi tiền?
Việc giá vàng cao bị dư luận cho là sự mất điểm của nhà nước về năng lực điều tiết vĩ mô. Tuy nhiên nhiều người có lẽ không hiểu rằng quan chức nhà nước nhăn nhó vậy nhưng đang mừng rỡ múa tay trong bị đấy. 
Có câu chuyện xưa thế này. Ngày xưa một gia đình sống trong thành Thăng long có một kiều nữ xinh đẹp nôm na ví như Lý Nhã Kỳ bi giờ. Tài tử giai nhân dập dìu suốt ngày. Bỗng một hôm nhà ấy cửa đóng then cài, hỏi đến gia chủ úp mở cho hay “Lý Nhã Kỳ” bị bệnh…phong. (Thời ấy chứng phong bị kinh sợ, xa lánh hơn là căn bệnh “ết” bây giờ).
Khi giặc Minh đem quân tràn vào kinh thành, đàn bà con gái đẹp bị cưỡng hiếp không biết bao nhiêu mà kể. Riêng gái “Nhã Kỳ” nhà nọ vẫn giữ được trinh vì “mắc bện phong”.
Mãi sau người ta mới ngã người ra vì biết kiều nữ chẳng phong gì hết. Để tránh “hàng quý” rơi vào tay  quân cướp, nhà nọ đã sớm tính được phải mua lấy “cái xấu” cho mình nhằm bảo toàn “vốn”. Chuyện đó tương tự chuyện đồn thổi đổi tiền. 
Ai cũng biết hiện nay nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng nên giá vàng càng tăng cao lời của nhà nước càng lớn. Nhà nước tự cho mình độc quyền để các doanh nghiệp sân sau (trong nhà) nhập vàng thế giới về bán kiếm lời. Vậy là các bạn hiểu tại sao truyền thông nhà nước cứ úp mở chuyện đổi tiền và “cải chính” để mối ngờ trong dân càng lớn hơn. Và dĩ nhiên vàng buôn về càng quay vòng nhanh hơn.
Chính vì vậy chuyện đồn thổi đổi tiền ầm lên trên mạng cũng có thể do các doanh nghiệp nhà nước chủ động thổi lên để đẩy nhanh việc bán vàng và cư dân mạng như FB chẳng hạn cũng góp phần giúp nhà nước tăng nhanh doanh số buôn bán vàng.
Tất nhiên mánh này chỉ là tiểu xảo phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn chứ chưa phải nước cờ lớn sau này. Cú đánh ngoạn mục phải là cú đánh như ông chú tôi đã tiên đoán.
Hiện trạng Kinh tế Việt nam đang hấp hối thế nào?
Mọi người đều biết rằng, nền kinh tế chủ yếu được nhà nước định hướng trong những năm qua là đóng tàu và Bất động sản. Ngành Đóng tàu đã bị Vinashin và Vinaline cho ngóm hẳn và làm kiệt quệ đất nước, chỉ còn Bất động sản là ngành được nhà nước nuôi hy vọng cứu kinhh tế nhà nước. Nhưng chính Bất động sản hiện  nay đang dở sống dở chết nên cần phải được cấp cứu bằng mọi giá nhưng khó khăn nhất là Bất động sản đang mắc kẹt vì nợ ngân hàng.

Thật ra dư nợ  Bất động sản cho đầu tư chỉ chiếm khoảng 200.000 tỷ, còn 1 triệu tỷ đồng dư nợ khác là nợ thế chấp cũng chính là Bất động sản. Nếu giảm giá tồn kho Bất động sản sẽ kéo thị trường đi xuống. Khi giá trị tài sản thế chấp nhỏ hơn giá trị món tiền vay, ngân hàng sẽ kiệt quệ thanh khoản, không có tiền để trả cho người gửi thì hệ thống ngân hàng vỡ nợ. 

Hiện nay các quan chức tài chính ước vàng trong dân có thể đến 400 tấn, trị giá 500 ngàn tỷ đồng theo số liệu nhập-xuất vàng vài năm nhưng theo một số chuyên gia, nếu tính cả số vàng tích lũy từ quá khứ và nhập lậu trong dân, tổng số vàng có thể lên tới 40 triệu lượng khoảng 1.600 tấn. Kinh không?
Vạy số vàng trong dân là cứu cánh gần như duy nhất cho nền kinh tế nhà nước. Bởi vậy nhà nước không thể không nhòm vào cái kho đó. Nhưng làm thế nào để "huy động" được số vàng này đưa vào kinh doanh là bài toán mà ông Bình ruồi cùng bộ sậu phải tính. Dĩ nhiên dân bây giờ không tin nhà nước có vàng để trả lại sau thời gian "huy động". Vậy gải pháp “huy động” vàng có thể đi theo kịch bản cũ là dùng….”chuyên chính”. Trong quá khứ Nhiều gia đình đã ngậm đắng nuốt cay vì bị nhà nước “mượn nhà đất” rồi xù. Nhiều gia đình bị “kiểm tra hành chính”, bao nhiêu vàng, tiền đột nhiên bị nhà nước biến thành “tư liệu sản xuất” XHCN (thực ra là vào kho nhà nước). 

Thời gian mới đây, nhà nước ra nhiều mệnh lệnh hành chính rất ư là vô lý như cấm các hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ. Lệnh ban ra, không ít người bị hốt trọn gói tiền đô lẫn tiền Việt trong quá trình giao dịch. Rồi như đã nói ở trên là nhà nước quyết định độc quyền kinh doanh vàng miếng để  độc quyền thu lợi. 
Nhưng điều hết sức lưu ý cho bà con là phải nhớ một điều, mua vàng tích trữ cũng có nguy cơ bị “kiểm tra hành chính” có ngày. Và đó là điều tiên đoán của một ông nghiện thông thái đã nói và được kiểm chứng mà tôi chép lại hầu bà con.

Mai Xuân Dũng

4 nhận xét:

  1. Một bài viết mà thấy từ cái tiêu đề đã thực sự phản bội lại chính tác giả. Chính họ hàng tôi cũng là kiều bào nước ngoài về nước hồi hương thời đó, những sự việc mà tác giả bài viết nêu trên là hoàn toàn bốc phét. Mọi người đều được đoàn tụ gia đình. Ở đây, thậm chí họ hàng của tác giả còn trữ cả thuốc phiện. Điều này chứng tỏ tác giả cũng chả phải con người tốt đẹp gì vì trong bài viết, tác giả có phần tự hào về việc này. Những con số, những luận điệu của tác giả nghe có vẻ rất thuyết phục nhưng lại không có nguồn, dẫn chứng cụ thể. Vậy thì cái tiêu đề bài viết chẳng phải khuyên người đọc như tôi là đừng nghe những gì tác giả viết. Vì những gì tác giả viết là rất hay, dẫn chứng có vẻ rất thuyết phục nhưng lại chẳng có gì đáng tin cả. Vậy thì "con nghiện" với "cave" ở đây khiến người đọc liên tưởng đến là tác giả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi hoàn toàn đồng ý với bình luận của bạn Đoan Trang. Một bài viết mà khó có thể tin được. Căn cứ theo bài viết thì chú của tác giả lại là buôn thuốc phiện. Một hình ảnh không tốt đẹp gì mà tác giả lại tự hào. Không thể nghe "con nghiện" với "cave" như tác giả trình bày được thật

      Xóa
  2. Bài viết này nghe buồn cười quá, không biết tác giả viết bài này cho trẻ con hay sao ấy nhỉ, chứ người lớn mà đọc bài này thì thấy buồn cười lắm, làm gì có chuyện đấy chứ, toàn là bịa đặt hết. Các người sống ở nước ngoài chắc chắn có tham gia tổ chức địch nhằm chống phá nhà nước Việt Nam thì cán bộ ta mới có hành động như vậy để hạn chế hoạt động chống phá của các người chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Nhà nước ta luôn có những chính sách hợp lý đối với những kiều bào nước ta về nước. Tác giả bài viết này nói như vậy có nghĩa là tự nhận cả gia đình mình là bọn phản động hết nên cơ quan an ninh mới làm như vậy để hạn chế sự hoạt động chống phá của bọn chúng. Những lời lẽ trong bài viết này đều mang tính chất phản động, đúng là bọn bán nước.

    Trả lờiXóa