Trang

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

7/3 NÓI VỀ CHA TÔI.


 CHA TÔI.
Sẽ có bạn đọc cái “tai tồ” này rồi thoáng nghĩ: “Cha này vớ vẩn, ngày Quốc tế Phụ nữ lại nói về cha, sao không nói về mẹ, vợ,,,”.

Vâng tôi đang nói về mẹ tôi đấy.
Mẹ tôi trước hết là một phụ nữ nhưng quả thật bà là người cha của tôi vì mẹ là tấm gương về lòng can đảm và rất lý trí.
Nhiều chuyện để nói về mẹ nhưng tôi thích kể chuyện này:
Những năm 1972 -1978, dân mình còn quá nghèo, nghèo thảm mạt. Hàng xóm có gia đình hai ông bà già nương dựa vào nhau làm nghề cuốn hoa giấy bán kiếm sống. Ông bà ấy còn khổ hơn những người nghèo khổ nhất ở Hà nội. Những năm Mỹ cho máy bay bắn phá miền bắc, nhiều gia đình đi sơ tán và có gia đình nhập hộ khẩu ở nơi cư trú vì nghĩ rằng “chiến tranh có thể kép dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa…” .
Nhà tôi có vườn rộng 4 sào thời cụ kỵ để lại. Khi chiến tranh giặc giã hầu như có ai nghĩ chuyện giá trị đất đai nó như bây giờ. Bởi vậy khi một lần từ nơi sơ tán về thấy vườn nhà có 2 căn nhà lá không biết của ai mới dựng lên thì mẹ không lấy gì làm bức xúc cho lắm. Mẹ chỉ gặp 2 gia đình “nhảy dù” nọ để hỏi chuyện và đồng ý để họ tiếp tục ở  lại mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, kể cả giấy tờ…
Mẹ tôi là người quyết định coi họ như hàng xóm và không đòi lại đất ở cho dù các cô bác tôi phản đối rất nhiều. May là bố tôi coi ý của mẹ là …ý Chúa.
Sau này, khi nhà đất lên giá vùn vụt, nhà tôi gần công viên hò Bảy mẫu nên có giá lắm. Nhiều người trong gia đình đặt vấn đề đòi lại đất, mẹ tôi gạt đi. “Họ đâu có khá giả gì, đòi lại đất họ lấy đâu ra tiền mua nhà trong khi vườn nhà ta còn rộng chán”.
Một ngày gần tết, bà hàng xóm vào căn nhà ngang của nhà tôi lấy trộm một cái bánh chưng và cắt nửa cây giò lụa đem về. Bố tôi nhìn thấy nhưng ông vờ lảng đi vì xấu hổ. Biết chuyện, mẹ tôi “mắng” ông: “Người ta ăn trộm không thấy xấu hổ, nhà ông bị mất trộm lại thấy xấu hổ sao?” Mẹ đòi bố phải sang nhà kia làm cho ra nhẽ. Tất nhiên bố tôi từ chối. Mẹ quyết định lấy ra 2 tờ “cụ mượt” ước khoảng 200 ngìn đồng bây giờ mà anh rể lớn của tôi mới biếu hôm trước, thay áo tử tế sang nhà hàng xóm nọ. Bà biếu tiền, ông bà già nọ run cầm cập không vì mừng mà vì sợ rồi cảm ơn rối rít: “bà phúc đức quá”. Mẹ cười: “Cảm ơn ông bà, các cụ chẳng dạy có đức không có sức mà ăn đấy thôi, tôi đức cũng mỏng nên nghèo chỉ biếu ông bà chút tiền vặt mừng tuổi”.

Mẹ về nhà được một lát thấy hai ông bà đem lên một cành hoa giấy rất đẹp biếu bố mẹ tôi và xin thắp một nén nhang cho các cụ nhà. Mẹ mời ngồi, pha trà Hồng đào mời nhưng ông bà xin kiếu và rất khó nhọc mở lời: “ Thôi thì năm cũ sắp qua, bà nhà tôi có lỗi lớn với ông bà, mong ông bà bỏ quá để sang năm mới gia đình tôi ăn tết cho thanh thản. Tiền bà nhà “mừng tuổi" tôi xin và ghi lòng sống để dạ chết mang theo. Cái bánh chưng và nửa cây giò trong cái gói này tôi xin trả lại mong ông bà làm phúc nhận lại.”. Bố mẹ tôi không nhận. Ông cụ ứa nước mắt: “Đây là của nhà ông bà, tiền bà cho chúng tôi xin nhận còn của không phải của chúng tôi mà trót túng quá hóa liều xin được ông bà nhận lại. Ông bà không nhận nhỡ ra vợ chồng chúng tôi ăn vào mà nghẹn chết trong ngày tết thì lại làm phiền ông bà quá.”
Bố mẹ tôi nghe vậy cũng sợ quá đành nhận.
Tưởng thế là xong ai ngờ mẹ ra UB hành chính chất vấn cả chủ tịch về chuyện để người trong tiểu khu thiếu đói mà không quan tâm trợ giúp, lập hội phụ lão, phụ nữ để thờ sao. Nên nhớ hồi đó một anh công an viên cũng hách như một ông cai ngục chứ đừng nói đến một ông chủ tịch. Những năm đó, hành động của mẹ cũng như chuyện nổ bom giữa phố vậy.

Là con út trong một gia đình nhiều anh chị em, mẹ được ông bà ngoại cưng chiều, lớn lên mẹ lấy bố tôi  khi đó mẹ kém ông một con giáp nên vẫn được chiều chuộng. Có thể vì vậy mẹ quen với không khí “dân chủ” từ rất sớm nên tính độc lập trong tư duy của mẹ có điều kiện phát triển. Ngẫm lại điều đó và suy xét dưới góc nhìn hiện đại thì môi trường tự do và được tôn trọng giúp cho con người phát huy tính thẳng thắn, cương trực, còn môi trường đầy đe dọa và xấu xa dễ biến con người ta trở nên nhu nhược hèn yếu không dám làm gì, nói gì đúng với điều mình suy nghĩ. Bảo sao các cụ nói :”Nghèo thì hèn” là có lý lắm.
Từ nhỏ, thể lực tôi vốn yếu, tính khí thiên về nhu. Mẹ là người luôn nêu cho tôi tấm gương nói thẳng, dám nói những điều nghịch nhĩ. Mẹ cho rằng chẳng gì xấu hơn là a dua. Kể cả khi chưa chắc ta đúng nhưng nói thật điều ta nghĩ còn hơn nghe ngóng dựa dẫm ý tứ người khác, nhất là những người có quyền, ăn nói có gang có thép.
Năm nay mẹ 86 tuổi, nếm trải 50 năm vị chát đắng ngắt dưới chế độ “thiên đường” XHCN. Mẹ đã yếu nhiều nhưng kể cả đi không vững mẹ vẫn không muốn ai dìu Người mà luôn gắng gỏi trên đôi chân của mình.

Mẹ tôi là một người Cha can đảm.
7/3/2013
MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét