Trang

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

LÀM NGƯỜI TỐT HAY NGƯỜI CÓ ÍCH ?


Xét ở một khía cạnh nào đó thì làm người tốt chưa chắc hữu ích và ngược lại làm người hữu ích chưa chắc đã tốt.
Khái niệm "Tốt" và "Có ích" chỉ là tương đối cũng như vừa làm người tốt và hữu ích thì quá tuyệt. Chuyện viết lâu rồi nay moi lên săm soi lại.


 Mình có thói xấu ai cũng chơi từ xe ôm cho đến nghệ sỹ thứ thiệt, từ thằng lưu manh cho chí công an có cỡ. Khỉ thế.
Tất nhiên cái “chơi” ở đây cũng nhiều vẻ, người ta có là lưu manh nhưng thấy cái mặt mình họ nở nụ cười : “Đi đ... đâu mà lâu lắm mới thấy cái thớt thế?” để thay cho tiếng chào. Vậy thì cũng phải đáp lễ chứ, chẳng hạn như “thằng bố mày, đi ăn cắp chứ còn đi đâu”. Xong. Lại nhe răng ra cái.
Rồi vô tình gặp nhau ở quán bia, ông nghệ sỹ nhân dân xịn đấy, ra vỗ vai mình cái độp “thằng em dạo này khỏe quá rồi hay sao mà thấy các huynh lại lờ đi thế”. Cũng là một kiểu chào. Chẳng phải bác có ý trách móc gì mình. Cũng chả phải bác “bắt lỗi” cái tội không ra chào huynh trước. Chả phải. Quán đông như hội có thấy được nhau cũng chỉ là ngẫu nhiên nếu không hẹn trước. Nói chung mình không có khiếu làm giám đốc nhà máy đường. Nói năng  lỗ mỗ, người yêu thì ít, kẻ ghét thì...ối. Nó là do cái ách Giời quàng vào cổ thì đành mang. Ai chả muốn khéo muốn giòn, có ai thích té tỏng cho mòn lỗ trôn.
Đã thế lại còn hay nghi ngờ, ai nói gì cũng nghe chừng, chả vồ vập ngay bao giờ. Ngậm quả đắng quá nhiều rồi cũng phải sáng mắt ra chứ. Một lần ngồi bia cỏ đang vui, có một ông đi cùng với thằng bạn mình mua một lúc 20 phong kẹo cao su cho một con bé bán dạo chiều nào cũng quanh quẩn ở quán này. Ông này khách mới không biết chứ anh em ở đây lạ gì cái thằng cô hồn đứng sau gốc xà cừ "chăn" 3 đứa trẻ bán dạo ở đây. Có mua giúp thì gọi là đôi phong thôi chứ. Ông bạn mình khen đểu: "Mày đúng là người tốt cuối cùng của thành Tứ Xuyên đấy". Cha này chắc đang quắc cần câu nên lè nhè “ Cái gì mà tốt? Tao là thằng vô tích sự. Làm người tốt thì đ... có ích mà muốn làm người có ích thì đ... được phép tốt”. Ối giời ơi ông Lưu linh ơi, phàm phu tục tử của Ngài đấy phải không.
Bẵng đi một dạo, có lần ngẫu nhiên, tiện đường rẽ qua chùa Lam chơi gặp một Huynh  chuyên đi dịch chữ Hán chữ Nôm theo lời mời của các sư thầy ở Hà nội. Huynh bảo “Đệ ở đây ăn cơm với Huynh hầu chuyện Bạch thầy luôn. Về bây giờ muộn rồi nhỡ bữa ra”. Bạch thầy cũng là chỗ mình quen từ hồi chiến tranh phá hoại nên đỡ ngại, mình nhận lời.
Vào mâm Bạch thầy rót rượu mời khách và cũng nhập tửu đều đều. Ban đầu chuyện quanh quanh cái văn bia. Bạch thầy chê bản rập tồi quá rồi thì tranh luận với Huynh về dòng bia khắc Lưỡng long triều nguyệt có trước hay Lưỡng phượng triều dương có sớm hơn. Mình cứ ngồi uống. Thì biết gì mà nói chứ.
Cũng may Huynh quay sang truyện Tôn, Bàng thời Chiến quốc nghe mới thấy đỡ nhạt một chút. Đúng lúc đó Bạch thầy nói một câu y khuân cái câu hôm trước được nghe: “Làm người tốt thì đ... có ích mà muốn làm người có ích thì đ... được phép tốt”. Giật mình. 
Túm lược lại cho gòn gọn chuyện Bạch thầy kể thế này.
Tôn Tẫn là người nước Yên, cha là Tôn Tháo, mẹ là Công Chúa Yên Đơn, ông nội là Tôn Võ Tử. Tôn Tẫn lớn lên, nghe đồn Quỉ Cốc Tiên Sinh có tài cao phép lạ , nên tìm đến xin thọ giáo. Ở Dương Thành thuộc đất nhà Châu, có một chỗ gọi là Quỉ Cốc, vì nơi ấy có núi cao rừng rậm, âm khí nặng nề. Trong núi có một ẩn sĩ họ Vương tên Hủ , trước ở núi Vân Mộng cùng Mặc Địch hái thuốc, tu Tiên, sau đến ẩn nơi Quỉ Cốc, nên người ta thường gọi là Quỉ Cốc Tiên Sinh .
Quỉ Cốc Tiên Sinh có học vấn uyên thâm, tu Tiên đắc đạo, tinh thông lý số, thông hiểu lẽ huyền vi của Trời Đất, lại cũng làu làu binh thư đồ trận. Học trò của Quỉ Cốc Tiên Sinh có nhiều người tài giỏi như : Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi, vv... Tôn Tẫn và Bàng Quyên thì học về binh pháp. Còn Tô Tần và Trương Nghi thì học về du thuyết .
Bàng Quyên học được mấy năm, tự cho mình đã giỏi rồi, nên xin thầy hạ sơn đi lập công danh. 
Quỉ Cốc sai Bàng Quyên đi hái một cành hoa đem về để đoán vận mạng cho. Bàng Quyên ra khỏi động, nhằm lúc khí Trời nóng nực, cây cối không ra hoa, chỉ thấy một bông hoa cỏ, liền nhổ lên cả gốc, toan đem về, bỗng nghĩ rằng bông hoa không đẹp nên ném xuống đất, rồi đi tìm hoa khác, nhưng không tìm được cành hoa nào, đành trở lại chỗ cũ, nhặt cành hoa đã bỏ lúc nảy, bỏ vào túi áo, rồi vào trình thầy rằng :
- Trong núi mùa nầy không có hoa. 
- Không có hoa thì vật gì trong túi áo của ngươi đó ?
Bàng Quyên không giấu được, buộc phải đưa ra trình.
- Nhà ngươi có biết cái hoa nầy tên gì không ? Nó là hoa Mã Đâu Linh, mỗi lần nở 12 bông, ứng với số năm vẻ vang của ngươi. Hoa nầy hái ở Quỉ Cốc, thấy mặt Trời thì héo, bên chữ Quỉ có chữ Ủy thành chữ Ngụy, nhà ngươi xuất thân ở nước Ngụy. Sau nầy nhà ngươi vì việc lừa dối người mà bị người lừa dối lại. Vậy nên lấy điều đó mà răn mình. Ta có 8 chữ nầy, nhà ngươi khá nhớ : “ Gặp dê thì vinh, gặp ngựa thì hỏng.” 
Bàng Quyên lạy thầy 2 lạy mà rằng :
- Lời giáo huấn của sư phụ, đệ tử hết lòng ghi nhớ.
Bữa đó, Tôn Tẫn tiễn Bàng Quyên xuống núi. 
Bàng Quyên nói :
- Đệ cùng huynh kết nghĩa anh em, thề giàu sang cùng hưởng, khốn khó cùng gánh. Chuyến này nếu đệ lập được công danh thì sẽ tiến cử huynh để cùng lập nên cơ nghiệp.
Hai người chia tay, Tôn Tẫn buồn rớm nước mắt, trở lên núi. Quỉ Cốc Tiên Sinh hỏi Tôn Tẫn :
- Ngươi bảo cái tài của Bàng Quyên làm được Đại tướng không ?
- Nhờ ơn thầy dạy bảo đã lâu, lẽ nào Bàng Quyên không làm được Đại Tướng ?
- Không làm được.
Tôn Tẫn nghe thầy nói vậy thì lấy làm lạ nhưng không dám hỏi thầy lý do. Hôm sau, Quỉ Cốc bảo các học trò :
- Ban đêm, ta rất khó ngủ, ta rất ghét tiếng chuột kêu. Các trò phải luân phiên nhau thức mà đuổi chuột cho ta.
Các trò đều vâng lời, chia phiên thức gác. Tới phiên Tôn Tẫn, Tiên sinh lấy một quyển sách trao cho Tôn Tẫn nói :
- Đây là 13 thiên binh pháp của ông nội nhà ngươi tên là Tôn Võ Tử, xưa đem dâng cho vua Hạp Lư nước Ngô, nhờ đó mà Hạp Lư phá tan quân Sở. Hạp Lư giữ cuốn sách nầy làm gia bảo, bỏ vào hộp sắt, giấu vào cột Cô Tô Đài. Từ khi quân nước Việt đốt Cô Tô Đài, cuốn sách ấy mất tích luôn.Ta có chơi thân với ông nội ngươi, nên được xem sách ấy, ta nhớ và ghi lại, tự tay ta chú giải thêm nhiều điều bí mật trong cách hành binh. Ta chưa từng cẩu thả giao sách cho ai, nay thấy ngươi trung hậu, nên ta giao cho ngươi học, trong 3 ngày giao lại cho ta. Học cuốn sách nầy, khéo dùng thì làm lợi cho thiên hạ, không khéo dùng thì hại rất lớn. Bàng Quyên không là người tốt, nên ta không dạy.
Tôn Tẫn đem sách về phòng, ngày đêm nghiền ngẫm, trong 3 ngày thì nằm lòng. Ba ngày sau, Tôn Tẫn đem sách nộp cho thầy. Tiên Sinh theo từng thiên hỏi lại Tôn Tẫn, Tôn Tẫn đối đáp rất trôi chảy. Tiên Sinh mừng rỡ nói :
- Ngươi biết dung tâm như thế, Tổ phụ ngươi chắc vui lòng.
Nói về Bàng Quyên, xuống núi thẳng đến nước Ngụy, vào cầu quan Tướng quốc Vương Thác. Vương Thác tiến cử Bàng Quyên lên Ngụy Huệ Vương. Khi Bàng Quyên vào chầu vua, gặp lúc nhà bếp dâng lên món thịt dê. Bàng Quyên mừng thầm vì nhớ lời thầy dặn: “Gặp dê thì vinh” .
Bàng Quyên được Huệ Vương trọng dụng, lần lần phong lên đến chức Nguyên Soái, kiêm Quân Sư. Con trai là Bàng Anh, cháu là Bàng Thông, Bàng Mai đều được vua phong làm Tướng, cả nhà vinh hiển. 
Lúc bấy giờ có Mặc Địch ghé Quỉ Cốc thăm bạn cũ là Vương Hủ (Quỉ Cốc Tiên sinh), Mặc Địch gặp Tôn Tẫn, đàm luận rất hợp ý, bèn bảo Tôn Tẫn :
- Anh học nghệ đã thành, sao không đi lập công danh ?
- Tôi có người bạn học là Bàng Quyên, đã ra làm quan ở nước Ngụy, có hẹn khi nào đắc chí sẽ tiến cử tôi, nên tôi đợi.
- Bàng Quyên đã làm Nguyên soái nước Ngụy, để tôi vì anh mà đến đó dọ ý Bàng Quyên thế nào ?
Mặc Địch từ giã Quỉ Cốc rồi đi vào nước Ngụy, nghe Bàng Quyên cậy tài, nói quá không biết thẹn, không có ý tiến cử Tôn Tẫn. Mặc Địch vào nói cho Huệ Vương rõ các việc. Huệ Vương liền đòi Bàng Quyên đến hỏi :
- Ta nghe nói Tôn Tẫn cùng học một thầy với Nguyên soái, lại được học riêng binh pháp bí truyền của Tôn Võ Tử, tài giỏi không ai bằng, sao Nguyên soái chẳng vì Quả nhân mà tiến cử người ấy đến giúp Trẫm. 
- Tâu Bệ hạ, hạ thần không phải không biết tài của Tôn Tẫn, nhưng Tôn Tẫn là người nước Tề, nay làm quan nước Ngụy thì thế nào cũng liên lạc với Tề. Nay Bệ hạ muốn triệu Tôn Tẫn thì hạ thần xin viết thơ gọi đến.
Bàng Quyên ở vào thế buộc phải viết thơ gọi Tôn Tẫn, nhưng thâm tâm rất sợ Ngụy Vương trọng dụng Tôn Tẫn, bỏ rơi mình, nên thầm tính kế hại Tôn Tẫn. 
Bàng Quyên viết thư xong, Huệ Vương dùng xe Tứ Mã và đồ lễ long trọng, sai người đến Quỉ Cốc rước Tôn Tẫn.
Tôn Tẫn tiếp được thư Bàng Quyên, vội đem trình thầy. Tiên sinh bảo Tôn Tẫn đi hái một cành hoa để bói coi tốt xấu. Tôn Tẫn thấy bình hoa trên án có một cành hoa cúc, bèn đến bẻ lấy một nhánh đem trình thầy xong đem cắm lại bình.
Tiên sinh đoán rằng : Cành hoa này bị bẻ, không hoàn hảo, nhưng là loài chịu sương gió, dẫu có bị tàn hại cũng không hề gì. Vả cắm trong bình, mọi người đều quí trọng, mà cái bình ấy lại là loại đúc cùng một thứ với chung đỉnh, chắc rồi sẽ có tiếng tăm lừng lẫy. Nhưng cành hoa nầy 2 lần cắm vào bình, vậy sự nghiệp của ngươi chưa thể đắc ý ngay được, mà kết cuộc sẽ làm nên ở lần sau. Vậy ta đổi tên cho, có thể mong tiến thủ được. Tên ngươi là TÂN, ta thêm một chữ NHỤC ở bên tả thành chữ TẪN, vậy tên của ngươi là Tôn Tẫn. (Tân là khách, Tẫn là bị chặt xương đầu gối). Quỷ cốc tiên sinh đổi tên như thế là vì biết trước học trò mình bị cái hoạ chặt chân,nhưng không muốn tiết lộ. 
Khi Tôn Tẫn lạy thầy từ biệt, Tiên sinh trao cho một cẩm nang, dặn kỹ khi nào gặp việc nguy cấp mới mở ra xem. Tôn Tẫn lạy tạ lần nữa, rồi xuống núi, đến nước Ngụy, tạm ở trong phủ của Bàng Quyên.
Bàng Quyên biết Tôn Tẫn tài giỏi hơn mình, sợ Ngụy Vương dùng Tôn Tẫn, bỏ rơi mình, nên Bàng Quyên, ngoài mặt giả đò anh em thân thiết, nhưng ngầm lập kế ám hại Tôn Tẫn. Thời gian sau gặp dịp Bàng Quyên giả mạo chứng cớ, cáo buộc Tôn Tẫn tư thông nước Tề để hại nước Ngụy. Huệ Vương nghe lời sàm tấu của Bàng Quyên, sai quân bắt Tôn Tẫn chặt chưn và thích vào trán 4 chữ “ Tư thông ngoại bang”.
Tôn Tẫn trở thành phế nhân, mỗi ngày chỉ được Bàng Quyên cấp cho 3 bữa ăn, mong dùng thủ đoạn để gạt người bạn cũ chép cho 13 thiên binh pháp truyền lại cho mình.
Tôn Tẫn bị Bàng Quyên hãm hại quá chán nản cho tình người đen bạc, lại bị vết thương chặt chân hành hạ quá đau đớn, muốn tìm kế thoát thân, nhưng chưa biết phải làm sao, sực nhớ bức cẩm nang thầy ban cho khi trước luôn giấu trong mình, liền thừa lúc thanh vắng mở ra xem, thấy vuông lụa đề 2 chữ : Giả điên.
Buổi chiều hôm ấy, khi mâm cơm đưa tới, Tôn Tẫn cầm đủa định ăn, bỗng làm ra dáng mê man, nôn oẹ, hồi lâu nổi giận giương mắt hét to lên rằng : Mày dùng thuốc độc hại ta, rồi hất đổ mâm cơm xuống đất, miệng lảm nhảm chửi hồi lâu. 
Bàng Quyên nghe tin Tôn Tẫn bị điên thì không tin, đến tận nơi xem xét và nhốt Tôn Tẫn vào chuồng heo, tự tay đem cơm đến cho ăn. Tôn Tẫn hét : “ Mày đem thuốc độc đến hại ta ?” Nói rồi gạt mâm cơm đổ xuống đất.  Bàng Quyên ngầm sai lính lấy một cục bùn đưa Tôn Tẫn thì Tôn Tẫn liền cầm lấy ăn ngon lành. Bấy giờ Bàng Quyên mới tin Tôn Tẫn điên thật nên không lấy làm lo, dần dần thả lỏng Tôn Tẫn.
Lại nói Mặc Địch sang chơi nhà Điền Kỵ nước Tề. Có người học trò tên Cầm Hoạt ở nước Ngụy đến. Mặc Địch hỏi thăm Cầm Hoạt lúc nầy Tôn Tẫn có đắc ý không ? Cầm Hoạt thuật lại việc Tôn Tẫn bị chặt chưn và trở nên điên khùng.
Mặc Địch nói : 
- Ta muốn tiến cử hắn nào ngờ lại thành ra hại hắn.
Mặc Địch liền nói rõ tài học của Tôn Tẫn cho Điền Kỵ nghe và việc Bàng Quyên ganh tài ám hại Tôn Tẫn, khuyên Điền Kỵ tìm cách rước Tôn Tẫn sang Tề. Điền Kỵ vào tâu với vua Tề là Tề Uy Vương. Uy Vương muốn đem binh đón Tôn Tẫn thì Điền Kỵ can, nói phải lập kế mới rước Tôn Tẫn được. 
Uy Vương sai Thuần Vu Khôn sang Ngụy dâng trà, đem Cầm Hoạt đi theo giả làm kẻ hầu. Qua đến Ngụy, Cầm Hoạt bí mật đi tìm Tôn Tẫn, rước về Tề.
Thuần Vu Khôn và Cầm Hoạt đưa được Tôn Tẫn ra khỏi nước Ngụy thì đi thẳng về Lâm Tri, có Điền Kỵ thân hành ra đón. Tề Uy Vương cả mừng, muốn phong Tôn Tẫn làm Quân Sư, nhưng Tôn Tẫn tâu rằng :
- Hạ thần chưa có chút công trạng chưa dám nhận quan tước. Vả nếu Bàng Quyên biết thần làm quan cho Tề ắt lo đề phòng, chi bằng tạm giữ kín danh phận việc mới thành.
Uy Vương bằng lòng, cho Tôn Tẫn ở trong dinh Điền Kỵ, tôn là thượng khách.
Lúc đó, Ngụy Huệ Vương sai Bàng Quyên đi đánh nước Triệu để đòi đất Trung Sơn. Quân Triệu bị thua. Triệu Thành Hầu cầu Tề cứu viện. Tề Uy Vương định phong Tôn Tẫn làm Đại Tướng đem binh cứu Triệu. Tôn Tẫn can rằng :
- Hạ thần là kẻ tàn phế, nếu cho làm Đại Tướng e cho quân địch sẽ cười Tề không có tướng tài, chi bằng Đại Vương cử Điền Kỵ làm Tướng, và hạ thần mật theo giúp mưu kế.
Tề Uy Vương cử Điền Kỵ làm Đại Tướng, Tôn Tẫn làm Quân Sư bí mật ở trong xe, kéo đại binh cứu Triệu.
Điền Kỵ muốn đem quân thẳng đến Hàm Đan là kinh đô của Triệu. Tôn Tẫn nói : Tướng nước Triệu không đánh nổi Bàng Quyên, nên khi ta kéo quân đến đó thì Hàm Đan đã mất về tay quân Ngụy rồi, chi bằng ta cứ đóng quân giữa đường, rêu rao nói rằng ta đi đánh Tương Lăng của Ngụy. Huệ Vương lo sợ, ắt phải gọi Bàng Quyên trở về giữ Tương Lăng. Bấy giờ ta đón đánh Bàng Quyên thì thế nào cũng thắng.
Điền Kỵ y theo kế đó mà làm. Quả đúng như lời Quân Sư Tôn Tẫn, Bàng Quyên kéo binh về giữ Tương Lăng. Điền Kỵ bày binh theo cách của Tôn Tẫn, đánh Bàng Quyên một trận tơi bời, Bàng Quyên ban đêm chạy trốn về Ngụy.
Năm sau, Bàng Quyền cùng Thái Tử Thân đem binh đánh nước Hàn. Hàn sang cầu cứu Tề. Tề Uy Vương cử Điền Kỵ và Tôn Tẫn đi cứu Hàn.
Điền Kỵ muốn kéo quân đến nước Hàn. Tôn Tẫn lại can:
- Không nên, trước kia ta cứu Triệu mà chưa hề đến Triệu, nay cứu Hàn cũng y theo kế hoạch đó. Cái thuật giải cứu Hàn là phải đánh vào nơi yếu trọng của Ngụy thì quân Ngụy tất phải kéo về. Cái kế ngày nay là phải đem binh thẳng đến kinh đô Ngụy thì mới cứu được Hàn.
Bàng Quyên đang thắng thế ở nước Hàn, nhưng Ngụy Huệ Vương ra lịnh cho Bàng Quyên phải tức tốc rút binh về đón đánh quân Tề đang thừa cơ kéo đến đánh kinh đô của Ngụy. Tôn Tẫn bày kế lừa Bàng Quyên. Quân Tề làm như sợ hãi khi biết Bàng Quyên kéo quân trở về Ngụy. Ban đầu làm 10 vạn bếp, sau đó rút quân như bỏ chạy, hôm sau làm 6 vạn bếp, hôm sau rút chạy nữa, chỉ còn làm 3 vạn bếp.
Bàng Quyên cho quân quan sát các bếp của quân Tề, cười lớn nói với Thái Tử Thân :
- Thật là hồng phúc của Ngụy Vương, quân Tề hèn nhát, vào đất Ngụy có 3 ngày mà binh sĩ bỏ trốn quá nửa. Kỳ nầy, Quyên sẽ bắt sống bọn Điền Kỵ để rửa cái hận Tương Lăng năm trước. 
Nói xong, Bàng Quyên chọn 2 vạn tinh binh tiến gấp đánh quân Tề, còn đại binh từ từ đi sau. 
Tôn Tẫn dọ biết tin đó, tính toán và dự kiến đoàn quân của Bàng Quyên sẽ đến Mã Lăng vào lúc tối. Đường Mã Lăng ở giữa hai trái núi có cây cối um tùm, rất dễ phục binh. Tôn Tẫn sai chặt cây ngã ngang để chẹn lối đi, chỉ chừa một cây to giữa đường, cho cạo sạch một một ô vuông vỏ cây ở phía Đông, rồi dùng than viết lên đó mấy chữ : “ Quân Sư Tôn bảo : Bàng Quyên chết tại cây nầy.”
Tôn Tẫn sai bộ tướng Viên Đạt, Độc Cô Trần, kén 5000 quân cung nỏ, mai phục 2 bên tả hữu Mã Lăng, dặn kỹ hễ nơi gốc cây có ánh lửa phát ra thì nhất tề nhắm vào đó bắn.
Lại sai Điền Anh dẫn 1 vạn quân mai phục cách Mã Lăng 3 dặm chẹn đường quân Ngụy.
Tôn Tẫn trù liệu xong thì cùng Điền Kỵ dẫn binh lên đóng phía Bắc để dự bị tiếp ứng.
Bàng Quyên kéo binh đến Mã Lăng thì trời vừa tối, thấy cây cối bị đốn ngã nằm ngổn ngang, cho rằng quân Tề sợ quân Ngụy đuổi theo kịp nên đốn cây cản đường.
Bàng Quyên cho thu dọn cây cối, bỗng thấy có một cây giữa đường, có viết chữ nhưng trời tối không thấy rõ. Bàng Quyên sai một tên lính châm lửa lên xem, Bàng Quyên đọc xong mấy chữ thì la lên : 
- Ta mắc mưu thằng què rồi !
Vừa la xong thì có cả muôn mũi tên từ nỏ bắn ra, quân Ngụy chết vô số. Bàng Quyên bị trọng thương, liệu không thoát được, bèn rút kiếm đâm cổ chết.
Mệnh của Bàng Quyên đúng y như lời của Quỉ Cốc Tiên Sinh đã nói trước : Ngươi sẽ vì lừa người mà bị người lừa lại, gặp dê thì vinh, gặp ngựa thì hỏng. Bàng Quyên chết tại Mã Lăng. (Mã là ngựa).
Giết xong Bàng Quyên rồi, Tôn Tẫn xin với vua Tề cho về ẩn dật tu luyện ở núi Thạch Lư. Một năm sau, không còn ai biết Tôn Tẫn ở đâu nữa. 
Bạch thầy chuyện vãn cho rằng: chuyện xưa xem ra bây giờ vẫn vậy. Giá như Quỷ cốc đừng dạy dỗ Bàng Quyên đâu đến nỗi Bàng chết thảm, Tôn đâu đến nỗi phải chịu nhục hình mà cuối cùng có được cái gì đâu ở đời? Cũng vậy, làm gì mà Chính phủ chả biết vua Vinashin Phạm Thanh Bình làm bậy mà cứ lần lữa bao che, để đến khi chuyện vỡ lở mất toi trăm nghìn tỷ mới đem giam lỏng há chẳng phải là làm cái việc cho là “tốt” mà thành ra báo hại đó sao. Giá như Tể tướng “chảm” ngay Thanh Bình từ trước có phải nhà nước kịp vớt vát được tiền của mà danh cũng không đến nỗi liệt như bây giờ.
Trước tôi nghe đâu Tể tướng lấy lòng ba quân nói cái “tốt” của mình là mấy năm nay không phạt ai thì đã liệu ra rằng cái “tốt” này rồi có ngày báo hại. Ngẫm thế mà chẳng sai.
mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét