Trang

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nhân phát biểu của hai đại biểu Quốc hội, nghĩ về hai “lề dân”


Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6)

Nhân phát biểu của hai đại biểu Quốc hội,
nghĩ về hai “lề dân”

Đào Tiến Thi

Tính cho đến thời điểm này, ai cũng cảm thấy Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ ba) nhạt hơn Quốc hội khóa XII. Nhưng theo tôi, nếu lọc lựa ra, không phải là không có những ý kiến mạnh mẽ, xác đáng. Lấy ví dụ như phát biểu của ông Lê Như Tiến và ông Dương Trung Quốc ngày 7-6-2012.
Khi đề cập hiện tượng bức xúc nhất hiện nay – nạn tham nhũng (gắn liền với vấn đề đất đai) – ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói:
“Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực gây bức xúc trong xã hội là thách thức lớn đối với sự quản lý của nhà nước. Tham nhũng có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương phép nước. Các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở phát triển và lũng đoạn đó là lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản (...) Chỉ riêng lĩnh vực đất đai với trên 365.000 ha đất bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ của trên 10.796 tổ chức, cá nhân, đơn vị trong toàn quốc là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai...”. (
Còn ông Dương Trung Quốc, nhà sử học, đại biểu tỉnh Đồng Nai, lại muốn nói đến cái nguyên nhân gây ra tham nhũng – đó là quan hệ xin cho dẫn đến lạm quyền, tùy tiện, phe nhóm:
“Nhìn bản đồ quốc gia, chúng ta sẽ thấy không ít sự bất hợp lý và lãng phí, hệ quả của mối quan hệ giữa Chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương bị chi phối bởi tầm nhìn cục bộ cũng như sự thỏa hiệp của mối quan hệ xin - cho. Cần nhấn mạnh rằng mối quan hệ xin - cho đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn nhất cho việc điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội, đã tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là các vụ tham nhũng và thất thoát lớn đã được phát hiện hay không thể phát hiện, mà còn là hiện tượng đã được thừa nhận là “tham nhũng vặt”. (
Trong bài này chúng tôi không bàn về vấn đề chống tham nhũng nói chung mà chỉ bàn đến tinh thần chống tham nhũng, đặc biệt trong vấn đề đất đai, và từ đó đề cập đến vai trò của nhân dânnhân dân đại biểu và nhân dân trực tiếp – qua 4 con người cụ thể: hai đại biểu Quốc hội nói trên, cụ Lê Hiền Đức và anh Nguyễn Xuân Diện.  
Cụ Lê Hiền Đức là công dân số một chống tham nhũng và bênh vực dân oan về đất đai trong nhiều năm qua, từng được Giải thưởng Liêm chính (2007) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) mà mọi người dân Việt Nam hiện nay đều ngưỡng mộ.
Anh Nguyễn Xuân Diện, có blog thường đăng tin, bài về cưỡng chế đất đai, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng gần đây: Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định). Anh cũng từng đứng ra vận động quyên góp giúp đỡ, động viên các nạn nhân (của cả hai bên, công an – bộ đội lẫn gia đình anh Đoàn Văn Vươn) của vụ cưỡng chế Tiên Lãng.
Động cơ, mục đích, tấm lòng và nội dung phát ngôn cũng như việc làm của cụ Đức và anh Diện như vậy không khác gì hai đại biểu Quốc hội – ông Lê Như Tiến và ông Dương Trung Quốc.
Còn lại, khác chăng ở chỗ, hai đại biểu Quốc hội bằng hoạt động nghị trường (phát biểu), còn cụ Đức, anh Diện thì bằng các hành động cụ thể: cụ Đức giúp dân oan khiếu kiện, anh Diện đưa tin, bài về việc cưỡng chế trái luật, dân oan khiếu kiện và cả hai người khi cần đã thăm hỏi, an ủi những người dân oan.
Thế nhưng ý kiến hai đại biểu Quốc hội thì được coi là hợp thức, bởi đó là diễn đàn quan phương, chính thống, là “lề phải”, “lề Đảng”, còn cụ Đức, anh Diện thì không được coi là hợp thức (nhưng không hề phạm pháp) và diễn đàn của họ thì phi quan phương, phi chính thống, thường gọi là “lề trái”, “lề dân” như cách gọi hiện nay.
Về mặt danh nghĩa, các đại biểu Quốc hội là đại biểu của nhân dân, cho nên tiếng nói của các vị ấy cũng là tiếng nói của nhân dân. Vậy nên phải xếp cả 4 tiếng nói trên vào “lề dân” nhưng chia 2 loại: “lề dân chính thống” và “lề dân phi chính thống”.
Hai ‘lề dân” này hóa ra lại được/ bị đối xử rất khác nhau.
Cách đại biểu Quốc hội, nếu có những phát biểu mạnh mẽ, xác đáng thì được (hoặc buộc phải) hoan nghênh, nếu có bị phiền toái thì, theo tôi nghĩ, chắc cũng chỉ bị “nhắc nhở”. Tôi được biết ngay cả GS. Nguyễn Minh Thuyết, người có những ý kiến mạnh mẽ hơn cả hai ông nói trên tại Quốc hội XII cũng không bị “xử lý” gì cả.
 Thế nhưng “lề dân phi chính thống” – cụ Lê Hiền Đức và anh Nguyễn Xuân Diện thì bị khốn khổ và hiện đang bị đe dọa bởi những cái tội treo lơ lửng.
Anh Diện bị các thương binh đến tận Viện Hán Nôm đe dọa, bắt phải gỡ bài trên blog và sau đó báo Quân đội nhân dân, báo Cựu chiến binh dựng thành sự việc “cán bộ Viện Hán Nôm hành hung thương binh nặng” và người ta yêu cầu “phải xử lý nghiêm”. Tiếp đó, anh Diện bị Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội gọi làm việc và công bố Quyết định thanh tra blog (sự việc vẫn đang tiếp diễn). Blog của anh sau đó cũng bị đánh sập. Có tờ báo còn xông vào bôi nhọ và vu cáo anh. Xem:
Đã có nhiều bài báo tường thuật và phân tích, bác bỏ những sự xuyên tạc trên. Ví dụ:
Cụ Lê Hiền Đức thì từ lâu đã bị nhiều tin nhắn đe dọa, bị kẻ xấu đem cả vòng hoa tang đặt trước cổng và đặc biệt mới đây cụ bị người ta dàn dựng để tạo ra vụ “gây rối và phá hoại tài sản” tại Sở TT-TT.
Xem chương trình thời sự của VTV tối 5-6-2012 và các bài dưới đây:
Tuy nhiên sự thực được nhiều nhân chứng kể lại đã bác bỏ sự bịa đặt trên. Ví dụ:
Xin nói thêm về “lề dân phi chính thống”. Anh Diện, nếu trong việc đưa tin bài cần rút kinh nghiệm thì chỉ cần một cán bộ Ban Tuyên giáo (trung ương hoặc thành phố) gặp gỡ, trao đổi là đủ. Nói phải củ cải cũng nghe, có gì mà phải đao to búa lớn? Còn cụ Đức là một nhân sỹ đáng kính trọng, nếu có một vài lời nói và hành vi không hay thì chẳng qua vì chính cách đối xử của cán bộ cơ quan nhà nước gây ra, chứ đâu phải cụ chủ trương “gây rối và phá hoại”?
Thứ nhất, việc cụ Đức đi cùng anh Diện đến Sở TT-TT Hà Nội có ảnh hưởng gì đến quá trình làm việc mà họ phải kiên quyết đuổi cụ ra ngoài? Việc khiêng cụ ra càng quá đáng. Mà giả sử không có việc khiêng cụ như lời của Sở TT-TT thì việc bằng mọi giá đuổi cụ ra ngoài cũng là sai cả về pháp luật lẫn đạo lý. Về mặt pháp luật, “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân” (Điều 53, Hiến pháp 1992). Về mặt đạo lý, cụ Đức là lão thành cách mạng, năm nay đã 81 tuổi, đặc biệt cụ là người chiến đấu không mệt mỏi chống nạn lạm quyền và tham nhũng nhiều năm qua; cuộc làm việc của Sở TT-TT Hà Nội với anh Diện, nếu được cụ chứng kiến về sự minh bạch, đàng hoàng thì càng tốt cho Sở TT-TT Hà Nội, vậy sao phải kiên quyết đuổi cụ? Chính điều đó đã gây cho cụ tổn thương tinh thần dẫn đến sự phản kháng mà họ gọi là “gây rối”.
Thứ hai, có phải nhân hành vi phản kháng của cụ mà người ta cố ý bẫy cụ? Sự phản kháng ban đầu rất đơn giản, chỉ là yêu cầu Sở TT-TT Hà Nội lập một cái biên bản về hành động khiêng cụ ra ngoài và “đánh rơi” cụ xuống sàn, nhưng vì Sở TT-TT Hà Nội kiên quyết không làm, do đó cụ phải ở lại đấu tranh cho bằng được. Tuy vậy, đến khuya, vì tuổi già sức yếu lại đói khát (cụ Đức không bao giờ dùng những thức người “nhà nước” đưa, trong khi anh em bên ngoài đưa đồ ăn uống vào thì họ không cho) và đặc biệt, thần kinh cụ bị căng thẳng (ở trong vòng vây hãm của kẻ đang muốn hại cụ - hãy tạm nói là dưới mắt cụ Đức), trong tình trạng ấy, con người không rơi vào hoảng loạn mới là lạ. Cho nên cụ phải đập cửa kêu cứu là lẽ thường tình. Nhưng chính hành động này, cụ bị quy luôn là “gây rối và phá hoại tài sản”. Bản thân việc quy tội này cũng hết sức tùy tiện, áp đặt. Cứ cho rằng cái miếng kính vỡ do cụ Đức gây ra thì cũng chưa cấu thành tội phạm “gây rối và phá hoại tài sản” được. Bởi vì theo định nghĩa “tội phạm” trong chương III, điều 8 của Bộ luật Hình sự thì “tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội...”. Mục 4 của điều này còn ghi rõ: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất gây nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Trên thực tế, cụ Đức là một cụ già 81 tuổi, nhỏ thó, chân tập tễnh, đi còn phải có người dìu, thì cái việc khống chế cụ với cả chục con người (trong đó có cả công an), dễ hơn cả việc bóp một con chim sẻ trong lồng. Nếu giả sử cụ Đức phạm tội thật, thì chính những kẻ thừa sức ngăn chặn nhưng đã không ngăn chặn hành vi phạm tội đó mới là kẻ có tội.
Ấy thế mà họ dựng thành phóng sự và kết luận: “Hiện cơ quan chức năng đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng có hoạt động cản trở hoạt động thanh tra, gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản xảy ra ngày 1/6 vừa qua tại trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội”. (Báo Điện tử ĐCSVN 6-6-2012).
Nghị quyết T.Ư IV là một nghị quyết đặt hàng đầu nhiệm vụ chống “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” của cán bộ, đảng viên. Cụ Đức, anh Diện chính là những công dân tích cực nhất, đi đầu chống sự suy thoái trong lĩnh vực đất đai. Thế nhưng họ không những chẳng được biểu dương mà còn bị đe dọa, bị bôi nhọ danh dự và có thể còn bị khép tội nữa.
Đây là điều hết sức lạ lùng chỉ có ở nước ta. Nó cho thấy nói và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nó cho thấy người dân không có  chức quyền có thể bị chơi ác bằng bất cứ giá nào nếu nhà cầm quyền muốn. Chính ông ĐBQH Dương Trung Quốc, sau khi phê phán việc xử nhẹ với quan (tham nhũng), đã so sánh với việc xử nặng với dân như sau:
“Đối với dân, chính bộ máy công quyền ấy lại phải chăng quá khắt khe, cảnh giác để rồi hành xử có phần vụng về, thô bạo đối với bộ phận nhân dân, làm phương hại đến hình ảnh của một nhà nước của dân, do dân vì dân mà chúng ta đang phấn đấu. Chỉ số lòng tin đối với Chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đến, nhưng chắc chắn không như chúng ta mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, nhưng theo tôi nguyên nhân đáng quan ngại nhất là năng lực lắng nghe của Chính phủ. (Thanhnien online này 8-6-2012)
Kể từ Nghị quyết T.Ư IV ra đời đến nay (16/1/2012) chưa thấy có một chuyển biến nào trong xã hội, chưa có vụ việc, cá nhân sai phạm nghiêm trọng nào bị xử lý ngoài ông chủ tịch Tiên Lãng Lê Văn Hiền từ chức chủ tịch huyện bị/được “đá hất” lên làm chuyên viên sở nội vụ. Trong một kỳ họp QH cách đây 2 năm, ông Nguyễn Sinh Hùng có nói (đại ý) cứ chặt chém hết (cán bộ hư hỏng) thì lấy ai làm việc. Cán bộ hư hỏng khi đưa ra “chặt chém” còn phải cân nhắc, không nỡ chặt chém hết. Vậy thì những công dân tốt, ra sức ủng hộ Đảng và Chính phủ trong việc chống tham nhũng và lạm quyền, giả sử có gì chưa hay trong cách làm thì cũng chỉ nên nhắc nhở, góp ý, cớ sao họ bị đánh tơi tả và hiện nay như trường hợp cụ Đức, anh Diện đang trong tình thế “Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”?
Phải chăng “lề dân phi chính thống” ăn nói bốp chát, không biết “uốn lưỡi” (muốn nói một câu trung cần đến 3 câu nịnh như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói) nên khó lọt tai? Có phần như thế nhưng không phải hoàn toàn như thế. Có lẽ “lề dân phi chính thống” do đánh vào những vụ việc sai trái cụ thể, những con người cụ thể. Chính những cá nhân sai phạm cụ thể đã mượn bộ máy công quyền vào việc bao che tội lỗi cho mình và trừng trị những người dám đấu tranh. Để đập chết một người dân, bộ máy công quyền khổng lồ bao gồm bộ máy hành chính, công an, truyền thông,... cùng lúc ra đòn, đó là một việc quá dễ dàng và tất nhiên là họ “thắng”.
Nhưng cái thắng “ba đánh một chả chột thì què” là cái thắng chẳng vẻ vang gì. Chưa kể, đó là cái thắng chứa chất mầm họa. Và đất nước sẽ suy yếu không thể nào cứu vãn được. Đến đây lại xin dẫn bác Dương Trung Quốc (“lề dân chính thống”) để kết luận bài này:
“Tôi xin nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước. Đó là câu đối của một viên quan thời Hậu Lê (Hoàng Ngũ Phúc) vào một thời kỳ lịch sử rối ren đã nhắc nhở: “Nước lấy dân làm gốc, lúc bình yên, nước hãy để dân yên/ Dân lấy nước làm lòng, khi hữu sự, dân sẽ ra gánh vác”. Thử đặt ra một câu hỏi, vào thời điểm này “khi hữu sự” liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử hào hùng hay không? (Thanhnien online này 8-6-2012)
Nhưng cũng cần nói thêm rằng cái “lề dân phi chính thống” – “lề dân” đích thực này có một sức sống kỳ diệu, không một sức mạnh bạo tàn nào tiêu diệt được. Nó như văn học dân gian, càng vùi dập thì nó càng phát triển. 
Đ.T.T
Tác giả gửi trực tiếp cho chủ Blog Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét