Trang

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

TRÍ THỨC ? – KHÔNG CÓ TRÍ THỨC


Nhà văn Nhật Tuấn

 Không hiểu sao nhắc tới “trí thức” tôi lại nhớ tới trò chơi “ Chiếc nón kỳ diệu” trên tivi. Khi người chơi đoán :” chữ T”, anh Long Vũ lắc đầu : không có chữ T”. Chắc vì mới đây trên facebook, một “nữ trí thức tây học ”  về nước cả vài chục năm nay  đã viết một câu “xanh rờn ” :” Ông Vươn hay nhà nước sai thì có người trách nhiệm lo…” tôi phải thốt lên :” Hóa ra bác Mao rất sáng suốt :” Trí thức là…”. Nếu là “còm” trên trang  Anh Ba Sàm thì chắc no “ đòn hội chợ” , may thay, trên facebook chỉ có một ý kiến của Dạ Thảo Phương :” Cục” nào mà nói… đúng thế ạ? Đã là người không có trách nhiệm, thì còn lo cái gì?”


Xin bắt đầu từ các bậc cha chú thường được gọi bằng các nhà văn tiền chiến. May mắn cho họ thoát được nguy cơ “để trống nền giáo dục phổ thông sẽ tạo thành cái lỗ hổng cả đời chẳng bao giờ lấp nổi” mà nhà giáo dục học Liên xô Makarencô đã khẳng định rất chí lý. Vâng, thật may mắn  cho những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… thời mài ghế nhà trường phổ thông còn được tiếp xúc với các nhà Ánh Sáng, với Hugo, Balzac, Apollinaire, Rimbaud… và cũng bất hạnh thay cho họ vào độ tuổi chín nhất của ngòi bút lại theo Đảng kéo hết nhau lên rừng chém tre, đẵn gỗ, học tập, kiểm thảo và đổi bầu sữa mẹ, từ nay trong cái nhà trẻ của thời đại công nông – Diên An, Lêninít, Xtalinnít… sẽ là nguồn sữa mới, cách ly với cả một thời “phục hưng” sau Thế chiến 2 bùng nổ những trào lưu hiện sinh, cấu trúc , hiện đại chủ nghĩa…
Sau 9 năm kháng chiến, các nhà văn “con nuôi” của Đảng vốn nặng mặc cảm “ăn theo cách mạng” trở về Hà Nội choáng ngợp trước  sách vở, tạp chí mới chất đầy trong “Thư Viện Quốc Gia”; nhưng than ôi từ nay trong mắt họ đã được gắn tròng kính mới để thấy “Picasso là nấm độc mọc trên cây gỗ mục của chủ nghĩa tư bản” ( câu nói đã đi vào sử xanh của nhà thơ Sóng Hồng tức đồng chí Trường Chinh kính mến), di truyền học và phân tâm học là sản phẩm của tư sản đế quốc.
Để hỗ trợ cho các “trí thức” hàng đầu đứng vững trên lập trường Mác-Lênin, cuốn sách của P. S. Tơ-rô-phi-mốp, Phê phán những khuynh hướng chủ yếu trong nghệ thuật và mỹ học phản động tư sản hiện đại, được dịch “khẩn trương” và xuất bản “khẩn trưuơng” tại Nxb. Sự thật, Hà Nội năm  1960. Ở San Jose (Mỹ) có nhà văn VK Vũ Huy Quang , nổi tiếng “mọt sách”, tới căn hộ của ông chỉ thấy toàn sách Anh, Pháp, Đức đến mức bay cả hồn bạt cả vía vì…sách. Có lần ông hỏi tôi :
” Ở Việt Nam có ai đọc từ đầu đến cuối bộ “Tư bản” của Mác ?
Tôi cười nhăn :
“ Có chớ…có người đọc từ A tới Z chớ ?”
Nhà văn Vũ Huy Quang tròn mắt :
“ Ai thế ? Ai mà ham học thế ?”
“ Dạ…ông ấy là người sửa…morasse của NXB Sự thật đấy ạ “
VHQ cười hô hố. Quả thực nếu tôi không nhầm, hiếm ai có gan đọc đến đầu đến đũa toàn văn pho tàng kinh điển Mác- Lênin, phần lớn chỉ đọc qua bản thuật lại hay tóm tắt như của Pulitzer.
Sự thiếu hụt trong tiếp nhận các trào lưu hiện đại đã gây ra lắm chuyện cười…ra nước mắt. Vào một lần lâu rồi khi còn làm biên tập NXB Văn học, tôi trao đổi với nhà thơ Chế Lan Viên về một bài viết dài của ông :
“ Thưa anh, theo em Hàn Mặc Tử chỉ có “yếu tố siêu thực “ thôi ạ. Anh viết “ Hàn Mặc tử” đi đầu trong chủ nghĩa siêu  thực  ở Việt nam là chưa thoả đáng”.
Nhà thơ nổi nóng :
“ Cậu nên nhớ tôi đã sang Pháp nhiều lần nói về thơ Hàn Mặc tử…”
“ Dạ vâng, nhưng cũng không vì thế mà làm cho chủ nghĩa siêu thực xuất hiện ở Việt Nam vốn chỉ nảy nòi ở các nước hậu công nghiệp khi con người đã quá quen với không gian ba chiều , muốn tìm tới những mê cung, những không gian khác , còn ở ta thì vẫn nông nghiệp lạc hậu ạ, thơ may lắm chỉ có “yếu tố siêu thực” chứ chưa thành hẳn một “chủ nghĩa” ạ…”
Tất nhiên để  sách được in  ông nhà thơ đành phải sửa theo ý kiến biên tập, chứ cãi làm sao ?
 Các bậc đàn anh đã “lỗ mỗ” thế, các thế hệ sau ra sao ? Các nhà văn thế hệ hai lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, cậy thế con đẻ cách mạng, giáo dục phổ thông chưa mất căn bản, dám “nghĩ ra ngoài những điều Đảng nghĩ”, sục sạo vào tinh thần dân chủ mới sau thế chiến 2 nhờ thế ta có được những Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… Nhưng tiếc thay, chẳng tới được tầm cỡ như Andre Gide đã khẳng định, “lạ thay trong thời kỳ bị câu thúc và kiềm tỏa nhất , trí óc con người lại đạt tới hiệu năng cao nhất”. Trong thời kỳ bị cấm bút gắt gao nhất, trí tuệ của họ cũng chẳng đạt tới mức cao nhất, bởi thế khi được “cởi trói”, những gì mà các “thiên tài trong bóng tối” trình làng thượng số cũng chỉ tới mức “Men Đá Vàng” của Hoàng Cầm, “Những Ngã tư Và Những Cột Đèn” của Trần Dần,”36 Bài Thơ Tình” của Lê Đạt và Dương Tường, “Ô Mai” của Đặng Đình Hưng, “Porcinovani” của Nguyễn Xuân Khánh… không mấy gây được tiếng nổ nào.
Sự “mất căn bản” trong thế hệ trí thức thứ ba những người cầm bút mới kinh hoàng, lớn lên dưới mái trường XHCN, học kiến thức phổ thông thì ít, chính trị Mác-Lê thì nhiều, bởi thế những cây bút thời chống Mỹ như Đỗ Chu , Lê Lựu, Phạm Tiến Duật… một thời chỉ cần đọc hai tập “trói voi bỏ rọ” “Phương Tây Văn Học Và Con Người” của giáo sư Hoàng Tôn Trinh (tiếc thay cuốn sách đầy rẫy sai sót) là họ đã yên trí nắm được “phần còn lại của thế giới” bên ngoài các nước XHCN. Một thời, các nhà văn, nhà phê bình xúm vào chửi “Chủ Nghĩa Hiện Thực Không Bờ Bến” của Garaudy (Pháp) mà chưa đọc ông ta nổi lấy một trang mà chỉ “hóng chuyện ” qua các bài tóm tắt.
Ây thế nhưng đến cái thế hệ thứ tư, học hành loạng quạng đèn dầu nơi sơ tán, ngắt quãng vì tiếng còi báo động, đầu óc bị phân tán và chia cắt tới từng phân vuông vải, từng gam mỳ chính trong các ô tem phiếu và khi dứt chiến tranh ngay lập tức họ được đi Liên Xô, đi Đức… học hành với hành trang rỗng tuếch của một tuổi thơ thực sự là thất học. Từ vùng sơ tán nông thôn Việt Nam họ nhảy dù xuống những trung tâm văn minh Mạc Tư Khoa, Béclin… choáng ngợp trước tiện nghi và văn hóa trước đó họ mới chỉ thấy trên phim ảnh, họ nốc vội nốc vàng mọi thứ vào bao tử thành bội thực, “tẩu hỏa nhập ma”. Và than ôi đại đa số các tiến sĩ, phó tiến sĩ, những nòng cốt làm nên trí thức hiện đại là phần lớn thuộc đám này. Họ thu nhận thông tin ở dạng “cấp 2″ thường dẫn tới tiêu hóa một cách sống sít, mất căn bản các kiến thức thâu lượm được, khó bề tránh khỏi trạng huống “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Còn nhớ cách nay khoảng chục năm, một nữ tiến sĩ nghê thuật học du học ở Nga về viết bài lia lịa trên các báo. Tôi hỏi :” sao chị mới về nước mà đã rành về các cây bút trẻ thế ?”. Chị ta trả lời tỉnh bơ:”Thì đã có thời gian đọc cô cậu nào đâu, cứ đọc báo Tuổi Trẻ mà …viết.” . Thế rồi cứ hớt váng báo chí sau này chị cũng nổi tiếng, nhẩy lên tivi dậy dỗ thiên hạ dài dài. Có lần chị nói với tôi :” Tôi sắp in tập sách mà đang còn mỏng quá. Ông có bài nào cho tôi…”. Tưởng chị nói đùa, ai ngờ là thật. Chỉ có điều khi sách ra chị lờ tịt không trả nhuận bút và cũng không biếu sách tôi.
Vậy thì trí thức Việt Nam – người ở đâu ?
Hồi mồ ma Giáo sư Cao Xuân Hạo, tác giả hai tác phẩm nổi tiếng “Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng” và “Tiếng Việt – Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa của tôi”, một trong hai người nghiên cứu tiếng Việt sáng giá nhất một thời : Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, người đầu tiên mang về Việt Nam lý thuyết âm tiết – hình vị (slogomorpherma),  tôi có  cuộc trò chuyện ngắn  vào  khoảng giữa năm 2001 với GS về đề tài “trí thức”
NT : Anh Hạo ơi, theo anh “trí thức là gì ?”!”
CXH : Tôi.. không biết, nhưng tôi biết một người chắc chắn là trí thức. Đó là ông Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng. Ông này khi làm Bộ trưởng thấy tình trạng quá ưu đãi con em công nông trong thi cử sợ chất lượng tuyển sinh không cao nên đã đề nghị công khai hóa số điểm thi, lập tức Bí thư Đảng đoàn lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tống, chụp ngay cho cái mũ là “đâm dao vào sau lưng giai cấp công nông”. Từ đó ông Tạ Quang Bửu bị cách chức.
NT : Vậy còn ai là trí thức nữa ?
CXH : Còn nhiều chứ ? Ông Phan Đình Diệu, ông Nguyễn Tài Cẩn, ông Hoàng Tuệ, ông Lê Mạnh Thát, ông Tuệ Sỹ…
NT : Và cả Giáo sư Cao Xuân Hạo nữa chứ…
CXH : Tôi chỉ là một người làm nghề chuyên môn của mình đề phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc…
NT : Đó cũng là một định nghĩa về trí thức rồi . Anh có thể nói một câu thật tâm đắc về trí thức không?
CXH : “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri,thị tri dã…” Ngài Khổng Tử đã nói như thế . Câu này tưởng dễ mà rất khó…
NT : Vừa rồi có người đưa ra khái niệm “Trí thức quốc doanh” – anh có coi là vơ đũa cả nắm không?
CXH : “Trí thức quốc doanh” – một cụm từ rất haỵ Tôi hiểu đó là những người thuộc thành phần công-nông được nhà nước đưa đi đào tạo, không cần học giỏi,chỉ cần có bằng để mai mốt về… lãnh đạo, bởi thế càng ngu càng… tốt. Vừa rồi, Giáo sư Phan Đình Diệu có nói trong một cuộc hội thảo: “Tất cả nhũng gì Nhà nước đã công nhận đều là… đồ rởm”. Ông nói vậy nhưng không ai nghĩ rằng ông “vơ đũa cả nắm” cả.
Tôi cũng không dám vơ đũa cả nắm, đành xin sửa lại cái tựa :
“ Trí thức – có trí thức, nhưng mà là trí thức “quốc doanh”.
N.T.
1-2-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét