Trang

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

ĐỒNG CHÍ


“Đồng chí” là lối xưng hô của tất cả những cán bộ đảng viên trong đảng, trong bộ máy nhà nước ở Việt nam, Trung quốc, Bắc Triều tiên, Cu ba, Lào, Campuchia và khối Đông Âu trước đây.
Từ “Đồng chí” được dùng phổ biến trong các nước theo chủ nghĩa Cộng sản từ những năm 1917. Đến nay, sau khi Liên xô và khối Đông Âu sụp đổ cách xưng hô “Đồng chí” bị mai một cùng với sự co cụm teo tóp dần của các quốc gia cộng sản.
Trung hoa thời Xuân Thu (-770 đến - 403). Tả Khâu Minh đã giải nghĩa từ "đồng chí" như sau: "Đồng đức tài phải đồng lòng, đồng lòng ắt phải đồng chí".
Trịnh Huyền đời Đông Hán (khoảng từ năm 25 đến năm 220) nói rõ: "Đồng chí là bạn bè".
 Cùng thời với Trịnh Huyền là Vương Sung trong tập "Luận hành" vẫn thường nói: “Hảo hữu đồng chí" (bạn tốt cùng chí hướng).
Trong thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc, từ "đồng chí" thường dùng nhiều trong nội bộ đảng.
Năm 1920, Mao Trạch Đông đã nói và viết từ "đồng chí" khi trao đổi với bạn bè, cộng sự.
Nắm 1923, các văn bản giao dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng từ "đồng chí thân mến".
Năm 1959, Mao Trạch Đông ra chỉ thị phải dùng từ "đồng chí" để xưng hô giữa các đảng viên.
Ngày 14 tháng 12 năm 1965, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông tri chính thức yêu cầu các đảng viên phải xứng hô với nhau là "đồng chí"
Năm 1918, Chính quyền Xô viết ở Liên xô đã dùng từ “đồng chí” để xưng hô với nhau. Lê nin trong Bài giảng đọc tại trường đại học xvéc-lốp ngày 11 tháng bảy 1919 về vấn đề khái niệm “Nhà nước” đã nói: Các đồng chí. Chúng ta sẽ vứt bỏ tất cả những thành kiến cũ kỹ cho rằng nhà nước là sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Đó chỉ là một sự lừa bịp.
Ở Việt nam, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một tổ chức cách mạng của Việt Nam hoạt động chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương và tuyên truyền chủ nghĩa Marx Lenin. Tên của Hội ghi trong điều lệ của mình là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhưng trong các tài liệu về sau thường ghi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Hội được thành lập tháng 6 năm 1925 trụ sở ở Quảng Châu Trung quốc. Từ “đồng chí” được gọi từ thời kì này.
Ngày đi học phổ thông đọc bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, từ “Đồng chí” là hai tiếng rất thiêng liêng.
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay…
Trong thơ Tố Hữu từ “Đồng chí” được thi vị với tình yêu nam nữ cùng chung lý tưởng cộng sản.
…Như buổi đầu hò hẹn, say mê
Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
Mà nói vậy: "Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu..."
Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay.
Tuy nhiều người cho rằng thời ấy trai gái mới hò hẹn buổi đầu mà đã dắt nhau qua đêm thì có vẻ không hợp thuần phong mĩ tục cho lắm nhưng thật ra không có gì là nghiêm trọng lắm nếu xét về bản chất của từ “Đồng chí”.
Đã có thời chỉ có một số người được đặc ân xưng hô với nhau là “Đồng chí”. Hai từ đó là dấu chỉ đẳng cấp, dấu chỉ đó là thể hiện vai trò quyền lực khác biệt với số đông quần chúng.
Cùng với sự tiến bộ của nhân loại và sự suy đồi của các “Đồng chí”, từ “Đồng chí” mất dần tính cao đẹp, tính lý tưởng của nó và tự nhiên mất đi phẩm chất đẳng cấp từng có. Điều đó thể hiện trong việc mất tính phổ biến trong cách xưng hô, mất tính thiêng liêng của chữ “Đồng chí”. Ngày nay xã hội nhìn nhận từ  “Đồng chí” đượm vẻ khôi hài:
…Quê hương anh thuốc phiện cần sa
Làng tui nghèo chỉ vài viên thuốc lắc
Tôi với anh đôi người buôn lậu
Ở trong tù ko hẹn lại quen nhau
Thuốc bên thuốc đầu lắc bên đầu
Hương thuốc phê ta là đôi tri kỉ
Đồng chí!
Người yêu anh gửi tạm tui xài
Gian nhà ko mặc kệ trộm ra tay
Uống thuốc lắc vô thấy người ra cớm
Tôi với anh nhớ từng nơi chém lộn
Máu tuôn trào bọn cớm chết vài tên
Áo anh dính đao
Mình tôi vài vệt máu…
Trong giới học sinh sinh viên, hai từ “Đồng chí” bị bôi bác hơn cả sự khôi hài.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tại chung phòng mà phải quen nhau
Giấy bên giấy, bài sát bên bài
Cùng chép chung phao thành đôi tri kỉ
Đồng chí
Bị nhắc! Bài thi anh để mình tôi làm
Còn bài tôi mặc kệ đúng hay sai
Giấy trắng mực đen nhớ người bị bắt.
Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Giám thị nhìn, vầng trán ướt mồ hôi
Giấy anh xé hai, bài tôi chia đôi điểm số
Kiểu này chắc chắn cấm thi rồi.
Thương nhau giấy nháp cứ chuyền tay
Hôm nay, đề thi khó quá.
Ngồi cạnh bên nhau,chờ bạn nhắc.
Đầu gối in phao…
Ở các nước cộng sản các “đồng chí” thẳng tay tiêu diệt nhau như từng thấy trong các cuộc thanh trừng nội bộ tàn bạo. Thời Đại cách mạng văn hóa ở bên nước XHCN Trung quốc anh em, vừa hôm nay thấy đồng chí Mao chủ tịch bắt tay đồng chí Lưu Thiếu kỳ Chủ tịch nước, vài hôm sau đồng chí Lưu Thiếu kỳ đã trở thành tên đại xét lại rồi tiếp theo đồng chí Mao cho đồng chí Kỳ vào tù chết mục xác. Hôm nay đồng chí Mao gọi đồng chí Lâm Bưu là bạn thân thiết nhất của người nhưng chẳng bao lâu sau đồng chí Mao đã gọi đồng chí Lâm Bưu là tên phản bội…v.v và v.v…
Năm 1975 Việt nam còn là đồng chí với Trung quốc thì năm 1979 các đồng chí Trung quốc đem quân xâm lược nước đồng chí Việt nam. Năm 1988 các đồng chí Trung quốc lại đánh các đồng chí Việt nam một trận ở đảo Trường sa, bắn giết thẳng tay các đồng chí Việt nam.
Thế mà đến nay Trung quốc với Việt nam ta vẫn là Đồng chí, hai chữ Đồng chí sao mà  quái gở như vậy?.
Trước đây, đất nước Campuchia có 6 triệu dân mà các đồng chí cộng sản Pôn pốt đã đập chết hai triệu người.
Ở Bắc Triều tiên, các đồng chí lãnh đạo tối cao cha truyền con nối y như các triều đại phong kiến cổ xưa đầy đọa nhân dân mình trong cảnh chết đói về thể xác, mù lòa về thông tin đến tận ngày nay.
Các đồng chí đó vẫn đang là đồng chí của Việt nam chúng ta.
Đồng chí, Đồng chí, Đồng chí….Thiêng liêng nhưng thật là Liêng thiêng.
Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét