Trang

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

CHỌN KHĂN MẶT HAY NẮM GIO?

Entry 15/11/2011



  Photo: Net. Ông Tùng bị công an đánh chết

Entry 15/11/2011
Phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, người đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vì không đội mũ bảo hiểm, sẽ diễn ra ngày 17/11 tới.
Báo chí Việt Nam thời gian gần đây đã đưa tin về hàng chục vụ công an đánh dân, nhiều vụ dẫn đến tử vong. Tổ chức nhân quyền Thế giới đã có hồ sơ về 15 vụ bạo hành của công an trong năm 2010 và các hồ sơ tương tự tiếp tục nối dài. Tình trạng lạm dụng quyền lực của cơ quan thi hành công vụ khiến dư luận hết sức bất bình.
Trước những vụ án nghiêm trọng gây ra bởi các cán bộ nhân viên công lực, ngành Tư pháp Việt nam đã  có những bản án làm xôn xao dư luận về sự thiếu công minh.
Trở lại Vụ thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp ở tỉnh Bắc giang gây nên cái chết đầy oan khuất cho anh Nguyễn Văn Khương dẫn đến sự phẫn nộ của nhân dân Bắc Giang làm bùng phát một cuộc biểu tình hàng nghìn người tham gia. Khi bị công an Bắc giang can thiệp bắn đạn hơi cay và dùng xe vòi rồng phun  nước giải tán, nhân dân đã chống trả tấn công lại lực lượng cảnh sát một cách quyết liệt. 
Vậy mà Tòa án đã xử 7 năm tù cho kẻ giết người. Đây một quyết định thành công trong việc khoét sâu cái hố ngăn cách giữa đảng và nhân dân, nó làm bùng lên nỗi phẫn uất đối với ngành công an đồng thời làm suy giảm lòng tin nghiêm trọng đối với đảng, nhà nước.
Án bỏ túi là một cụm từ trở nên quen thuộc với mọi người trong xã hội Việt nam, nó mô tả một cách hài hước sự chỉ đạo lộ liễu từ cấp lãnh đạo cao cấp làm biến dạng, méo mó tính công minh của các phiên tòa.
Tại sao các vụ công an bạo hành gây ra nhiều cái chết oan khuất thương tâm cho những người dân vô tội lại được các quan tòa xử nhẹ tay? Thật dễ dàng nhận ra rằng Tòa án được giật dây và các bản án đưa ra chỉ nhằm hai mục đích: quyết tâm bảo vệ tới cùng các cán bộ, nhân viên công lực bất chấp mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng của họ và xử án chiếu lệ nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng.
Nên giải bài toán hóc búa này như thế nào?
Đối với đảng, ngành công an cảnh sát là công cụ chuyên chế có chức năng bảo vệ thể chế nhà nước. Bởi vậy, trên thực tế một mặt đảng trao vào tay công an cảnh sát quyền lực gần như tuyệt đối nhằm đè bẹp bất cứ sự phản kháng nào của dân chúng mặt khác nương nhẹ, bao che các vụ vi phạm pháp luật của chính cơ quan thực thi pháp luật để họ toàn tâm toàn ý phục vụ đảng một cách mẫn cán trung thành.
Chính lối tư duy vị đảng bất vị dân đã đẻ ra một lực lượng kiêu binh dám dẫm lên lời dạy ngành công an của Hồ chủ tịch: “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép” và biến lời giáo huấn thiêng liêng đó thành một câu nói đầy vẻ bi hài.
Cũng chính vì phương châm xuyên suốt như thế, các quan tòa đảng viên cũng luồn lách trong một rừng luật để rồi xử theo luật rừng: bảo vệ công an cảnh sát bất chấp tính công lý vốn là biểu tượng của Tòa án nhân dân.
Bảo vệ đảng, bảo vệ thể chế trong tình hình hiện tại là một bài toán khó cho ngành Tư pháp Việt nam.
Nếu nương nhẹ nuông chiều ngành công an, ngành Tư pháp sẽ làm bùng lên trong các tầng lớp nhân dân sự ghê sợ, chán ghét ngành công an và mất hết sự tin tưởng đối với luật pháp nhà nước.
Nếu đảng chỉ đạo để Tòa án nêu cao tính thượng tôn pháp luật, tôn trọng tính công minh trong các phiên tòa xử án công an cảnh sát gây bạo hành chết người có thể sẽ làm thanh gươm chuyên chế này “kém sắc bén” khi đảng cần vung tay chém vào các đối tượng dám phản kháng đảng?
Dùng roi trị một đứa con hư hay biết nó hư nhưng vẫn phải tiếp tục cho kẹo để dễ sai bảo vẫn là điều nhiều thể chế đau đầu cân nhắc lựa chọn.
Vì vụ lợi bản thân và khiếp nhược, các quan chức cao nhất trong chính quyền ở I rắc hoặc Lybia lựa chọn xu nịnh, bao che các hành vi ngược ngạo của các quý tử nhà Sadam Hussen và Gaddafi. Vì ích kỉ và hèn nhát, họ cũng làm lơ cho cảnh sát an ninh mật vụ mặc sức hoành hành gây ra nhiều tội ác với nhân dân. Lịch sử đã cho thấy chính các quan chức này vô tình đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của hai chính thể độc tài, đem lại cái chết thê thảm cho hai nhà độc tài và con cái của họ.
Dù cố nhắm mắt như không biết, từ các nhà lãnh đạo cao  nhất tới những  người dân thành thị cho đến nông thôn đều cảm nhận được sự đổ vỡ niềm tin đối với đảng trước sự tha hóa biến chất, tham nhũng tràn lan, bạo lực hoành hành của các cơ quan công quyền.
Đứng trước tình thế khó khăn đó, đảng buộc phải tìm cách đổi mới, thanh lọc để tồn tại.
Hy sinh đặc quyền đặc lợi, xây dựng, cải tổ một nền Tư pháp công minh đặt quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân trên hết sẽ đem lại niềm tin cho nhân dân đối với đảng, nhà nước.
Phiên tòa ngày 17/11 sẽ là một phiên tòa rửa nhục cho tất cả cán bộ chiến sỹ công an nhân dân chân chính bị Nguyễn Văn Ninh làm vấy bẩn.
Phiên tòa ngày 17/11 nếu xét xử công minh sẽ là một hành động bồi thường nhân phẩm không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn là phiên tòa bồi thường danh dự cho đảng, nhà nước ta.
Nhân dân hy vọng trong vụ án xử tên giết người vô nhân tính, nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ngày 17/11/2011 sắp tới, ngành Tư pháp Việt nam sẽ làm một việc nên làm là chọn chiếc khăn hầu rửa mặt cho đảng, nhà nước thay vì bôi tro trát trấu lên một chính thể đã và đang đánh mất dần niềm tin của nhân dân.

Mai Xuân Dũng


4 nhận xét:

  1. Lại một phiên tòa bỏ túi nữa mà thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Thí tốt cứu đảng hay cứu tốt để cùng chết chỉm?

    Trả lờiXóa
  3. Nếu đ/c c/a ni là đảng viên thì phiên tòa ni có ngày dân sẽ xử lại cho huề.

    Trả lờiXóa
  4. Không thể đòi hỏi nhân quyền ở một phiên tòa như này hoặc giả ở đâu đó trên cõi VN vì tất cả những cơ quan đó do đảng đẻ ra với mục đích bảo vệ đảng CS !

    Trả lờiXóa