Trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

DẪU BIẾT

29/8/2011
                                       “Thủa trời đất nổi cơn gió bụi"
                                                               
                                                  Chinh phụ ngâm



Ngày chưa kịp hồng đã vội héo

Vì yêu
.
Dẫu biết vài ngọn đuốc không sao thay hai vầng nhật  nguyệt

Vì đêm

Đen quá.

Dẫu biết chẳng sưởi ấm được mùa đông băng giá,

Đuốc yêu-rồi tắt…

Nguội lạnh

Sao vẫn đốt mình, đau đớn hóa tro than ?

Ngày chưa kịp hồng đã héo ?

MXD

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

TUY HAI MÀ MỘT

Entry 19/8/11
Tin từ VOA ngày hôm nay:
Cuộc tranh tài bóng rổ thiện chí giữa một câu lạc bộ bóng rổ Trung Quốc và đội thuộc trường đại học Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã trở nên hỗn loạn khi cầu thủ của cả hai đội đấm đá nhau và khán giả thì ném những chai đầy nước vào đội Mỹ, buộc họ ngưng đấu và rút lui vào phòng thay quần áo.
Xô xát giữa đấu thủ 2 đội bóng rổ Mỹ và Trung Quốc


Một tấm hình đăng trên tờ China Daily cho thấy 3 cầu thủ mặc đồng phục của Trung Quốc và một người nữa xúm vào đá môt cầu thủ đại học Georgetown đang té dưới đất khi anh này đang cố gắng đứng dậy để rời khỏi sân.
Theo các nhân chứng, công an Trung Quốc đã không tìm cách can những va chạm nhỏ trước khi xảy ra hỗn loạn làm trận đấu chấm dứt. 
Việc này làm người đọc lại phải nhớ đến cú đạp của đại úy công an "nhân dân", đội phó công an quận Hoàn Kiếm Nguyễn Văn Minh" nhằm vào anh Nguyễn Trí Đức dù rằng muốn quên đi điều mà người nước ngoài gọi đó là "cú đạp mang nỗi nhục Việt nam".




Hai lối hành xử sao mà giống nhau đến thế.

MXD

DA CAM VÀ ĐỎ

Entry 19/8/11
Chất độc màu Da cam mà người Mĩ cho rải lên đất nước Việt nam gây nên nhiều nỗi đau cho nhân dân ta thì đã rõ và chính phủ nhiều lần nhắc tới.
Thế còn chất độc Đỏ thì sao?
Việc ký với Trung quốc xây dựng các nhà máy khai thác bauxite ở Tây nguyên còn có nguy cơ tiềm tàng lớn hơn nhiều. Chất độc đỏ này đe dọa tính mạng người dân và hủy hoại môi sinh là nguy cơ rõ ràng nhưng chính phủ có vẻ muốn đưa nó vào "quên" lãng.







Năm 1974, cơn sóng Đỏ phương Bắc nhấn chìm đảo Hoàng sa. 74 binh sỹ Việt nam đã hy sinh để bảo vệ đảo. Điều nhạy cảm này thì chính phủ cố tình "quên" vì Trung quốc và chúng ta đều là cộng sản đỏ. Và còn vì gì nữa ?



 Năm 1979, Đặng Tiểu Bình phát lệnh cho quân đội ném 100.000 lính tiến đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta cướp đi sinh mạng hàng nghìn thường dân. Cuộc chiến đấu vệ quốc này đã làm 30.000 chiến sỹ của chúng ta hy sinh. Người ta không muốn ai nhắc tới những cái chết mang mầu đỏ đó. Tại sao ? người ta muốn giữ cho sóng yên biển lặng ư ? vì nhân dân ư hay muốn giữ yên cái gì ? 





Và đây, hãy xem cái lưỡi bò Đỏ tham lam của Trung quốc.


 


Nếu là một chính phủ chân chính, các vị hãy nên để dân tự do nói về những cái chết Đỏ và thảm họa Đỏ, đừng vì lo sợ Màu Cam mà cấm đoán dân. Cấm đoán chưa và không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp cả.
MXD

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

TỚ KHOÁI LÃO GA ĐA PHI.


Entry 15/8/11
Muamar Gaddafi không phải là “tổng thống” như báo, đài VTV của ta vẫn gọi mà ông ta đã, và hiện vẫn là "Lãnh tụ Anh cả và là Người hướng dẫn Cách mạng" theo cách gọi chính thức của chính phủ và báo chí Libya. ( Nói về cái dở, cái sai, bé cái nhầm của VTV hoặc TTX Việt nam thì  nhiều nhiều cái phải xem lại lắm).
Gaddafi xuất thân là con trai của một lão chăn dê, ông ta không được học hành đến nơi đến chốn nhưng là người thông minh can đảm, ta quen  gọi là thành phần gia đình “bần cố nông” kiên định theo đảng.
Khi mới 28 tuổi Gaddafi lãnh đạo binh  lính dưới quyền làm đảo chính thành công lật đổ nhà vua Libya. ( Bác Phi ở Cu ba cũng một thời hùng như thế).
Gaddafi trở thành nhà lãnh đạo có phong cách “minh chủ”  độc đáo. Tuy có tài sản khổng lồ và là một trong những nguyên thủ quốc gia  giầu có, nhiều dinh thự xa hoa bậc nhất nhưng ông vẫn cho tổ chức các buổi tiếp khách quốc tế trong nước và thậm chí cả khi ở nước ngoài trong chiếc lều du mục truyền thống.( Chiêu này xứng làm Tổ cha của bác ba xạo, mấy cụ chăn dê Libya xem truyền hình thích mê cái lối chơi đậm đà bản sắc dân tộc này ).
Ảnh Internet

Là người ngang tàng, Gaddafi thoải mái phì phèo nhả khói thuốc lá vào mũi các quý bà cùng dự hội nghị cấp quốc tế cũng như dám xé cả cuốn Hiến chương Liên hợp quốc tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2010. Ai dám bảo Libya là nước nhược tiểu ? mấy cha nguyên thủ cuốc za rất cần xem lại miềng khi đối mặt với mấy thằng nước lớn.
Là người dám “cưỡi” trên các dị nghị quốc tế, Gaddafi tuyển một đội “cận vệ đồng trinh” tới bốn chục cô gái xinh tơ để phục vụ riêng cho mình. (Vụ này, các bác gái bức nghe đâu xúc lắm, đàn ông chúng ta (ngoài mặt) không nên tỏ ra bênh vực ông này ).
Ảnh Internet

Gaddafi cũng là người thứ ba trên thế giới sau Đặng Tiểu Bình và Mubarak dám dùng đến xe bọc thép và quân đội đàn áp xả đạn vào dân chúng biểu tình ( Suỵt-liệu sắp tới chính phủ Hà nội có định bắt chước mấy ông kẹ này ? tớ đánh cuộc các ổng chả dại đâu, quan nhất thời, tranh thủ đương chức làm “một mớ” gửi nhà băng nước ngoài rồi về vui thú điền viên ngon hơn chứ.
Hiện giờ Gaddafi vẫn quyết tâm chơi lại NATO một cách cứng cỏi. Thấy thế mấy bác cộng sản thích lắm, hết lòng khuyến khích, bênh vực. Các bác sợ nhất là dân nổi loạn kéo sập ghế sa lông của các bác nên bất chấp phải trái, thấy mấy thằng dân biểu tình là gét mặt . Nhưng cỗ máy lịch sử văn minh nhân loại vẫn tiến về phía trước, Gaddafi đang bị Tòa án quốc tế La Hay phán quyết lệnh truy nã tội danh giết người. (Ước gì giải tán cái Tòa này đi, lấy người bên Tòa của ta vô cho dễ chỉ đạo, hỷ ? ).
Nhưng bây giờ tớ lại khoái Gaddafi. Lý do Gaddafi làm cho tớ thích là lão này đúng là một nhà lãnh đạo  can đảm trong khi các nhà lãnh đạo nước mình thấy Trung quốc hù một cái là xanh mặt, dân đi biểu tình cũng không dám nói là dân biểu tình, Trung quốc sắp đánh Việt nam rồi, quân đội Tàu tập kết đầy biên giới rồi mà vẫn  im thin thít, chỉ giỏi bắt nạt dân. Chán.
MXD

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

BIỂU TÌNH VÀ CON XẤU HỔ


Entry 14/8/11
Cuộc biểu tình yêu nước sáng chủ nhật 14/8/2011 tại Hà nội đã kết thúc lúc 10 giờ 50. Mọi người tham gia đã an toàn trở về nhà và tiếp tục đối mặt với các đe dọa của con thú lạm phát.
Ở Hà nội, đây là cuộc biểu tình lần thứ 10 phản đối nhà cầm quyền Bắc kinh gây hấn ở Biển Đông, đe dọa xâm lược Việt nam ở biên giới phía Bắc và là một trong ba cuộc biểu tình gần nhất diễn ra trong không khí “trong sạch”, không có kịch tính như những lần trước. Người ta thấy chỉ có bốn “chốt phòng ngừa bạo loạn” của công an, dân phòng  quanh bờ hồ, một xe cảnh sát cơ động 113, một xe cảnh sát giao thông, một xe thùng với vài chục côn an chạy bộ và cưỡi mô tô “hộ tống” đoàn biểu tình. Tất nhiên phải kể đến một xe thu phát tín hiệu vệ tinh, gây nhiễu sóng đồ sộ, ăng ten 15 mét rất ấn tượng được di chuyển theo bán kính hoạt động của đoàn biểu tình. Các anh an ninh vận thường phục thì khỏi nói, dĩ nhiên không ít. Vẻ mặt của các anh hôm nay chỉ thể hiện sự khẩn trương thôi chứ không hằm hằm căng thẳng như những lần trước.
Tâm trạng bất an của chính quyền từ 100 độ trong những ngày đầu nay đã rút xuống 30 độ C. (Hí hí…, đấy là cảm nhận chứ có thiết bị đo được thì hay quá). Chính phủ mãi cũng hiểu ra rằng nhân dân chỉ muốn thể hiện và đánh thức tinh thần yêu nước của đồng bào thôi chứ họ không định “diễn biến” với nhà nước đâu. (Thật là chậm hiểu lòng dân quá).
Tuy thấy các anh Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, bác Nguyên Ngọc có vẻ khá thỏa mãn thì tôi lại không vui vì đang day dứt với những suy nghĩ về các cuộc biểu tình trong tương lai.
Về phía chính phủ, các bộ não ở “đỉnh cao trí tuệ” đã nhận thức cũng như đã thừa nhận rằng đây là những cuộc biểu tình ôn hòa không có nguy cơ đe dọa an ninh xã hội, không có biểu hiện sự phẫn nộ của quần chúng hướng về phía những chiếc “sa lông êm ấm” các vị đang ngồi, vậy mà không hề thấy bóng dáng một quan chức nào, một đại biều Quốc hội nào tham gia biểu tình. Tất nhiên, không phải cứ đi biểu tình mới là yêu nước, nhưng trong khi ngày 08/8/2011 trước việc Trung quốc cho tàu Tan Bao Hao xâm phạm vùng biển của Việt nam từ Hoàng sa đến Trường sa, nhà nước Việt nam đã có tuyên bố phản đối các hành động đó vậy cớ gì các vị không bỏ ra một giờ để đi biểu tình cùng nhân dân hay các vị cho rằng biểu thị lòng yêu nước là việc của dân còn Trung quốc xâm phạm chủ quyền Quốc gia chẳng liên quan gì đến chính phủ ?
Điều dễ thấy, số người tham gia biểu tình không tăng nhiều, chưa tạo ra được một lực lượng thực sự ấn tượng mặc dù nguy cơ bị bạo hành, bắt bớ từ phía lực lượng công an đã tạm chấm dứt. Như vậy các cuộc biểu tình đã có dấu hiệu “cũ mòn” thiếu tính “sáng tạo” ?
Tới đây nếu chưa có dấu hiệu nhà cầm quyền Trung quốc tỏ ra “hiểu biết” hơn thì chắc rằng các nhân sỹ trí thức, nhân dân còn biểu tình phản đối. Nhưng cần thiết phải có các nhân tố mới hơn. Khẩu hiệu cần được in (hoặc viết cũng được) bằng cả tiếng Anh, tiếng Hoa để những người nước ngoài kể cả người dân Trung quốc (trên đường phố, trên internet…) đọc được, hiểu được vấn đề, nhận thức được sự sai trái của chính phủ Bắc kinh. Nếu có thể, nên tổ chức nói chuyện, phát biểu 15-20 phút về mục đích biểu tình cho đông đảo đồng bào nghe…
Xin phép Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đăng lại vài tấm hình đồng bào ta biểu tình ở Đức chống Trung quốc để tham khảo.
Ðoàn biểu tình trước nhà ga Potsdamer Platz
Đoàn biểu tình.
Lãnh đạo đoàn biểu tình.
Diễn thuyết.

Bạn người Đức lên tiếng ủng hộ đoàn biểu tình phản đối Trung quốc.


Tất nhiên những hoạt động ôn hòa như vậy cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị công an khủng bố, bắt bớ tù đày nhưng vì đất nước, vì chủ quyền lãnh thổ và danh dự Quốc gia dân tộc, nhân sỹ trí thức và anh chị em phải dấn thân tiếp tục can đảm xuống đường để đánh thức “con xấu hổ” đang ngủ say trong đầu các ông bà “công bộc của dân”.
MXD 

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

BÁNH BAO HAY GÀ RÁN KENTUCKY

Entry 13/8/11
Người phương Đông vốn tự hào về sự tinh tế của mình trong cách biểu đạt các thông điệp. Một minh chứng là khi cần nói về vấn đề A họ lòng vòng chuyện BCD. Người  Việt nam có câu: Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo. Để hiểu được cái đích nhắm tới của người nói, phải “đào bới” mửa mật. Thực ra không phải chỉ người phương Đông mới tinh tế cũng như không phải dân phương Tây chỉ biết nói huỵch toẹt, đặc biệt là các chính trị gia. Người Mỹ không là một ngoại lệ. Chàng cao bồi Texas đâu chỉ biết cưỡi ngựa bắn súng đòm đòm khắp nơi để bảo vệ dân chủ mà còn biết bày tỏ thái độ cho bạn hoặc thù theo cách nhã nhặn nhất nhưng có trọng lượng. Cách đây chưa lâu, Washington đề nghị châu Âu tăng ngân sách dành cho quốc phòng ở một mức hợp lý hơn nữa nhưng các ông bạn ở đại lục địa đã tỏ ra lạnh nhạt trước đề xuất của người Mĩ trong đó có Pháp. Sau biến cố Libya, Điện Elize bất ngờ muốn khẳng định vị trí thủ lĩnh châu Âu của mình với việc sắm vai chủ trò trong việc trị đứa con lai cứng đầu ở Bắc phi thì người Mĩ điềm đạm thông báo chỉ tham gia chiến dịch ở mức hạn chế. Đúng như người ta dự đoán, thiếu Mĩ, liên minh châu Âu tỏ ra lỏng lẻo và không đủ sức mạnh để nhanh chóng khuất phục con chiến mã sa mạc Gaddafi. Đó là cách trả lời không thể hay hơn của Obama. Có lẽ hiện nay châu Âu đang thấm thía bài học đắt giá đó.
Người Mĩ đã từng đứng khoanh tay mặc kệ Gaddafi đứng ở diễn đàn Liên hợp quốc xỉ vả Mĩ, xé cuốn Hiến chương Liên hợp quốc trong 1 giờ 36 phút mà không hề có các cử chỉ can thiệp dù, rằng theo quy định mỗi nước chỉ được phép phát biểu 10 phút. Bằng cái cách đứng khoanh tay lặng lẽ, người Mĩ đã tỏ ra rất đáng mặt “người lớn” và tự Gaddafi vô tình biến mình thành “tên du đãng” trước mắt 192 quốc gia tham gia phiên họp. Chứng kiến sự kiện đó, đại biểu của Việt nam không thể không liên hệ đến phiên tòa nổi tiếng xử linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý- khi ông tố cáo chính quyền, công an đã dùng tay bịt mồm ông lại. Tuy nhiên việc chính phủ Việt nam có biết rút ra bài học hay không lại là chuyện khác.
Trải qua một thời kỳ khá dài là kẻ thù và hơn  ba chục năm đối thoại sau khi rút khỏi Việt nam, người Mỹ cũng như người Việt không lạ gì nhau. Trước tham vọng quá đáng của Trung quốc về Biển Đông, trước các động thái gây chiến bằng các cuộc điều động binh lực khổng lồ tại Quảng tây gần biên giới Việt nam trong những ngày qua, trước thái độ ép rệp của chính phủ Hà nội với Trung quốc, có lẽ người Mĩ cần một câu trả lời rõ ràng từ phía Hà nội là: Thưa các ngài, các ngài thực sự muốn “bánh bao hay gà rán kiểu Kentucky”, nếu các ngài đặt lợi ích dân tộc dưới món bánh bao thì chúng tôi cũng sẽ “chiều”. Người Pháp cũng đã hợp tác với Bắc kinh thăm dò tài nguyên ở quần đảo Trường sa, Hoàng sa mới đây  thay cho việc nói với Hà nội rằng: Chúng tôi không thể chờ đợi các ngài. Chúng tôi không thích ú tim.   
Sắp tới đây Jim Webb-Thượng nghị sỹ Mĩ sẽ sang bên ngoại ( Jim kết hôn với cô Hồng Lê Webb ) và chương trình làm việc với chính phủ Việt nam chắc sẽ rất thú vị. Người ta đoán được, Jim đến theo sự chuẩn thuận của hai chính phủ mà phía Hà nội, vấn đề nhân quyền sẽ là con bài mặc cả giống như Bắc hàn dùng vũ khí nhiệt hạch thay cho chiếc bơm kim tiêm vấy máu của con nghiện HIV cò tiền viện trợ. Hãy chờ xem.
MXD   

XIN THỦ TƯỚNG ĐỪNG LÀM "CÔNG BỘC"


Entry 12/8/11
Ảnh: VTV

Năm 2006, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng thời là trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hứa:
"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." (Lễ nhậm chức Thủ Tướng Ngày 27 thán 6 năm 2006).
Bảng xếp hạng Nhận thức về Tham nhũng 2010 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Việt Nam được 2.7 trên 10 điểm. (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao). Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 chỉ có 20 cán bộ nộp lại quà tặng. Trong khi con số của năm 2009 nhiều gấp 10 lần. Những vụ án tham nhũng như vụ PMU18 do các cơ quan trong nước phát hiện nhưng cho đến nay các vụ khác vỡ lở là do nước ngoài công bố như các vụ ở dự án Đại lộ Đông Tây, Vụ Nexus Technologies của công ty Mỹ, Vụ Công ty của Úc Securency hối lộ quan chức Việt nam in tiền Polome ở Việt nam dính dáng đến ông Lê Đức Thúy...Toàn quan chức cao cấp của chính phủ.
Rất mừng là ông Tấn Dũng lại được cử giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa để hiện thực hóa lời hứa mấy năm trước nay vẫn đang chỉ là promising.
Không biết có phải là rút kinh nghiệm nhiệm kì trước hay không, nhiệm kỳ hai này ông Thủ tướng lại hứa nhưng rất chung chung:  Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh,thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.
Dân chúng đang rất xôn xao về chữ “công bộc” mà thủ tướng dùng ở đây.
Có một điều không ai không biết rằng, hiện nay dân rất sợ các ông “công bộc”. Ở nhà dột, muốn làm lại nhà sợ ông “công bộc” xin…mét đất (!) (ai lại lấy tiền, mang tiếng chết xin mét đất thôi). Dân làm ăn trên đường (lái xe…) không biết điều với “công bộc” áo vàng thì coi như mất nghiệp. Dân ra đường nhỡ không đội mũ bảo hiểm, chưa thấy ngã què đã bị “công bộc” đánh gãy cổ hoặc rút súng đòm luôn. Phát biểu trái tai với “công bộc” là có ngày bị ném vào phòng ngủ 2 bao cao su là bỏ mẹ…
Lạy các ông “công bộc” 3 lạy.
Xin Thủ tướng nhiệm kỳ này làm luôn ông chủ đừng làm “công bộc” dân sợ lắm.
MXD



Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

BUÔNG ÁO EM RA...

Entry 07/8/11
“Buông áo em ra hỡi người ơi,
buông áo em ra hỡi người ơi
để em đi chợ kẻo mà chợ trưa,
chợ trưa người thưa vắng lắm người ơi”…
Câu hát này trong CD vol 9 của Thu Hiền. Nghe, rồi mường tượng về một thời xa lắm những thân cò lặn lội đầu chợ, mom sông với biết bao sắc thái tình cảm thầm kín, kìm nén của cô với đời, với tình và chợt nhận ra rằng những người con gái xứ mình, trong cái đáng yêu nhuốm nhiều vị chua chát đắng cay của tình thương.
Lời của một cô gái quê bảo rằng “buông áo em ra” nhưng cái đuôi câu (the last sentence)  “hỡi người ơi” nghe nó mâu thuẫn lắm. Hỡi em, hỡi anh, người yêu dấu hỡi. Cái từ “hỡi” làm cho các chàng đang định buông vạt áo nàng nên xem xét lại. Các cô gái chính chuyên đáng thương ơi, để có huân chương “chính chuyên”, các cô buộc phải tự thắt cổ giết chết “nỗi lòng” mình.
Á đông huyền bí không là thiên đường cho phụ nữ. Bọn đàn ông trăng hoa học lỏm tây cái mỹ từ “phái đẹp” để chỉ một nửa thế giới theo lối thời thượng thôi. Thực tế chưa bao giờ người phụ nữ được đánh giá đúng cả. Đừng nói ở nông thôn khó nghèo mà ngay cả ở đô thị giầu có cả chữ lẫn tiền, phụ nữ vẫn bị trói buộc bởi các tư tưởng Khổng nho đỉa đói. Khi yêu họ gói lửa tình tạo bộ mặt băng đá để…giữ giá vì sợ chàng cho là thiếu nết na. Rất nhiều cơ hội cho hạnh phúc được khai sinh lại chết từ trong trứng. Các ông chồng đòi vợ giữ gìn phẩm hạnh cực đoan không được giao tiếp thân mật với bạn bè khác giới trong khi chính họ nào khác gì những phi công chuyên nghiệp thường xuyên thực hiện các “phi vụ oanh tạc tại các quốc gia khác” nhiều đến độ không đếm xuể.
Thật là thiếu công  bằng khi ở các nước có trình độ phát triển cao, phụ nữ được hưởng nhiều ưu đãi, được tôn trọng xứng đáng thì ở các nước chậm phát triển, phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi và hy sinh trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Trong nhóm những công việc của phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi là việc “bán hoa” mà ngôn ngữ chính thức gọi là bán dâm.
Nếu căn cứ trên “doanh số” có thể nhiều người cho rằng họ còn có thu nhập cao hơn cả người có công việc tốt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không thể chối cãi được là có cô thu nhập vài triệu đồng một ngày nhưng môi trường “lao động” khắc nghiệt, các hiểm họa phải gánh chịu từ bệnh truyền nhiễm, từ giới “chăn dắt” lưu manh là rất lớn và phải nhận rằng nguyên nhân thúc đẩy họ bước vào “nghề” đến 90% là do hoàn cảnh gia đình nghèo đói, thất học. Một cái giá quá đắt.
Hiện tại, đây là vấn đề gây tranh luận sôi nổi mang tính nhà nước, đó là việc chính phủ có nên thừa nhận bán dâm là một nghề hay không.
Trên thế giới, một số nước phát triển, mặt bằng học vấn rất cao (Hà lan, Đức…) dịch vụ “sung sướng” được nhà nước thừa nhận và bảo hộ về mặt pháp lý. Nhân viên ở đây được đảm bảo an toàn, rất hiếm có trường hợp bị bọn cò mồi dẫn gái hoặc khách hàng thô bạo đe dọa, đánh đập ăn chặn tiền công-điều diễn ra phổ biến ở các quốc gia coi việc bán dâm là vi phạm luật pháp.
Mặc dù chính phủ các quốc gia “trọng đạo đức” coi việc bán dâm và mua dâm là bất hợp pháp nhưng trên thực tế “nghề” này vẫn phát triển tốt đến mức ở vài tỉnh thành nó là thu nhập quan trọng hơn cả xuất khẩu gạo hoặc thực phẩm, trong đó có sự đóng góp không hề nhỏ của  “công nhân”  trong “ngành” này. Đương nhiên việc “đóng thuế” ngoài sổ sách cho địa phương là chuyện ai cũng hiểu chỉ chính phủ… chưa dám hiểu.
Ở các quốc gia hô hào cổ súy mạnh mẽ cho thuần phong mỹ tục của mình, nhiều vấn đề nhỏ được coi là lớn và ngược lại, nhiều vấn đề to đùng bị bóp lại bằng hòn bi. Vì thói giả dối này mà nhiều chuyện ai cũng biết nhưng không ai dại gì mà nói bởi rất nhiều lý do tế nhị. Ở đây cũng vậy, bênh vực các cô “công nhân” lao động ở ngành này thường bị mọi người, đặc biệt là chính những người cùng phái la ó phản đối dữ dội. Các bà các chị lo rằng việc hợp pháp hóa mua bán dâm sẽ đem tới nhiều cơ hội hư hỏng cho các ông chồng…hiền lành của mình. Không thể trách sự thiếu hiểu biết của các bà các chị vì các lang quân của họ thừa ranh mãnh trong quản lý cơ quan, doanh nghiệp thì cũng không ngọng nghịu chút nào trong việc xây dựng một ”nhân cách nhớn” trong con mắt gia đình. Nhưng cũng nên công bằng mà nói, họ là các lang quân ngoan ngoãn đáng kính vì họ đủ tỉnh táo để chỉ mua một “gói cước” ngắn hạn hơn là mất thì giờ, mất khá tiền, thậm chí mất sự nghiệp vì rước cho mình một “dịch vụ yêu đương” nhảm nhí mà thực chất đầy yếu tố hoang tưởng. Cũng không loại trừ một số trường hợp khách hàng ban đầu chỉ chủ trương mua gói cước ngắn hạn nhưng do nhân viên “siêu thị” quá hấp dẫn, môi trường công tác quá thuận lợi nên khách “sử dụng” nhiều đâm ra nghiện. Ở trường hợp đó, một số chị thiếu hiểu biết, không phân biệt được hai khái niệm Sinh lý và sự Phản bội dẫn đến quy kết chàng vào tội đại nghịch và kết án thật nặng nề. Mặt khác, do các chị đánh giá thấp “địch” trong tương quan lực lượng cộng thêm thiếu kiềm chế, dẫn đến cách ứng xử dở ẹc, làm to chuyện cho bể tung ra, dồn “địch” vào chân tường, cuối cùng như các cụ bảo là “chó cùng dứt dậu”, chàng trở nên chí phèo, chấp hết, quyết chí đập bỏ, xây mới căn nhà khác cùng “nàng Kiều” của mình. Tuy nhiên, đó là các trường hợp khá hy hữu, thực tế cho thấy, so với căn bệnh trăng hoa công sở đang phổ biến thì “dịch vụ” loại này đem đến ít hiểm họa cho gia đình và xã hội hơn người ta vẫn tưởng.
Lào cai, nơi có khá nhiều nữ “công nhân” xuất khẩu sang các tỉnh thành khác làm việc ở các “siêu thị sung sướng” là một trong những tỉnh nghèo. Việc có “xuất khẩu” đã cải thiện đáng kể cho các gia đình khó khăn ở đây. Tuy nhiên do nhiều lẽ, các ông bố bà mẹ không thể biết được rằng các tiện nghi sinh hoạt khá đắt tiền con gái họ mua sắm trong nhà là thu nhập “phi pháp” của con mình. Nhiều gia đình khác, với thu nhập bình quân 7 triệu /năm, khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận cấp và các chứng nan y khác thì khả năng trả tiền thuốc men, dịch vụ y tế là không thể cho dù có bảo hiểm y tế đi chăng nữa. Tất cả gánh nặng này được đặt lên vai cô con gái của họ.
Một điều may mắn cho xã hội và cho các “nữ công nhân”  là tại các địa phương có “siêu thị sung sướng” nơi họ làm việc, gần đây đã hình thành “quy chế” kinh doanh, trong đó có những văn bản nước bọt được tôn trọng và thực hiện tự giác trong các lĩnh vực đảm bảo sức khỏe cộng đồng, chống lây nhiễm các căn bệnh tình dục, nhất là căn bệnh HIV. Điều kì lạ là với một mặt bằng học vấn thấp, cả các “nhà quản lý” và “công nhân” khá am hiểu luật “chống bán phá giá” của Mỹ, biểu tính giá được thực hiện nghiêm, không mè nheo chẳng cần sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Đúng là quy luật thị trường, tự nó biết điều chỉnh bảo vệ sự ổn định để tồn tại và phát triển lâu dài. Trong quy luật thị trường, tất cả các hoạt động chủ yếu xoay quanh yếu tố giải phóng triệt để các nguồn lực, kể cả dịch vụ bán dâm, dù muốn hay không nó cũng vẫn là một phần của nguồn lực đó.
Những yếu tố trên có thể đang dần là động lực góp phần thúc đẩy những chính phủ “trọng đạo đức” dám nhìn nhận thẳng vào thực tế, tiến tới trong tương lai đưa loại hình dịch vụ này vào danh mục đánh thuế.
MXD

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

VÔ THẦN

Entry 05/8/11
Sau cơn bão trời Tĩnh gia xanh biếc. Biển nhẹ nhàng từng đợt sóng âu yếm liếm bờ cát say mê, lai láng bọt nước. Hiển hiện trước mắt là Hòn Mê, hòn đảo khá nổi tiếng, có lẽ một phần vì được đặt tên cho một loại thuốc lá Việt nam được ưa chuộng một thời: thuốc lá Hòn Mê. Giá như có thuốc lá Hoàng sa hay Trường sa thì dù đã cai nhưng ta sẽ quyết định làm một điếu. Hòn Mê nhìn gần đến mức một anh bạn cho rằng chỉ bơi một hơi là ra đến nơi. Tôi bảo rằng đảo cách bờ khoảng 13,14 cây số, anh dứt khoát không tin cãi bằng được rằng không thể có chuyện đó và dứt khoát ra đi…tìm chân lý. Chiều muộn về gặp tôi anh cười với vẻ ngượng ngùng, thừa nhận: Ờ, cậu đúng. Hòn Mê trông gần thế mà xa thật. Thuê thuyền “thổ dân” ra đấy người ta lấy 2 triệu ông ạ. Tôi cười: Không sao, nghi ngờ đẻ ra chân lý mà.
Phần mải chơi, phần bữa trưa chén nhiều hải sản quá, tối mịt mới tính kiếm gì đó nhậu thay bữa chiều. Bốn anh em ngồi bên bờ cát sóng vỗ ỳ oạp vào mạn chiếc mảng tre gắn máy Bông sen. Một chai vodka Putinka trong vắt với mực nướng thơm lừng quyện mùi tanh ngái đặc trưng của biển xứ Thanh đủ làm say cả sóng. Ngồi ở biển, không hiểu sao cái kiểu ăn đêm thế này đưa đẩy cái liên tưởng trôi dạt tới tận vùng sa mạc Libya vào tháng ăn chay Ramadan năm nào. Ăn chay, với nhiều người hiểu là kiêng thức ăn có nguồn gốc động vật. Thật ra nhà Phật còn khuyến cáo kiêng cả các gia vị trong ngũ vị tân (hành, kiệu, tiêu…) vì các món này kích động dục giới. Đấy là luật, còn thực tế người ta có kiêng hay không là chuyện khác. Còn các bác theo đạo Hồi trong tháng Ramadan (năm nay tháng Ramadan bắt đầu từ 1/8) còn kiêng dữ hơn. Đạo Hồi buộc tín đồ tháng này, vào ban ngày không được đưa vào miệng bất kì thức gì, thậm chí đến nước uống cũng bị cấm. Tuy nhiên theo thống kê ở các nước Hồi giáo, lượng thực phẩm tiêu thụ trong tháng Ramadan nhiều gấp đôi các tháng khác. Có lẽ người ta ăn bù chăng?
Đề tài tôn giáo vốn “nhạy cảm” không kém đề tài đa nguyên, đa đảng ở Việt nam. Tất nhiên, nói chuyện về tôn giáo có thể gây cãi vã, tệ hơn là cạch mặt không đến nhà nhau chứ không dẫn đến  nhà…tù như chuyện đa nguyên đa đảng. Vậy là nói chuyện tôn giáo không đến nỗi sợ lắm. Có anh bạn là Giám đốc một công ty nhà nước kha khá ở Hà nội bảo: Tao đi tây nhiều thấy dân Âu châu chúng nó sống rất văn minh nhưng đạo Công giáo của họ cấm ăn thịt chó, cấm thờ cúng ông bà tổ tiên là điều rất dở.
Tôi suýt chết sặc, cười đau cả bụng về sự “hiểu biết” của ông giám đốc. Tại sao một tay học hành đỗ đạt khá, chức vụ cao lại thiếu hiểu biết xã hội đến thế. Đạo Công giáo còn gọi là đạo Thiên chúa không có giáo điều nào cấm người ta ăn thịt chó hoặc thịt động vật nói chung. Ở châu Âu, người ta yêu quý con chó như một người bạn vì truyền thống lâu đời của các nước đó như vậy nên họ không ăn thịt chó có thế thôi.  Các nước Á châu, những người theo đạo Thiên chúa ở Việt nam, Nhật, Hàn quốc… vẫn xơi thịt chó như thường vì từ xửa xừa xưa dân các xứ này coi con chó đơn giản chỉ là…con chó hoặc khá hơn là con…cầy mà thôi. Ăn chay lại là chuyện khác. Giáo luật của đạo Thiên chúa quy định buộc  giáo hữu (trừ trẻ con và người ốm) ăn chay một năm hai lần vào các ngày thứ Tư lễ tro và ngày thứ Sáu tuần Thánh. Còn cái chuyện cho rằng họ “không thờ cúng ông bà tổ tiên” cũng là một hiểu lầm kỳ lạ. Người theo đạo Thiên chúa tổ chức làm giỗ cho ông bà tổ tiên hoặc cha mẹ, anh em…của họ rất nghiêm trang thành kính như mọi gia đình thuộc các tôn giáo khác chỉ có điều Nghi thức thì khác thôi. Người theo một số tôn giáo có lệ làm cỗ giỗ bày lên bàn thờ thắp hương mời các cụ về “xơi”, tàn hương thì lễ tạ, xong đưa xuống “thụ lộc”. Người bên đạo Thiên chúa đặt lên bàn thờ ông bà, cha mẹ hoa tươi, thắp nến, thắp hương hoặc đốt trầm thơm, họp nhau đọc kinh nguyện, hát Thánh ca tưởng nhớ những người đã khuất và nhân dịp họp mặt thì làm cơm để mọi người ruột thịt và bạn hữu đánh chén. Sự khác nhau giữa các tôn giáo thực chất chỉ khác về nghi thức, cũng giống như việc bày tỏ tình cảm mỗi người mỗi khác theo cá tính, theo phong tục địa phương. Ví dụ như dân Exkimo chào nhau mỗi lần gặp gỡ bằng cách cọ mũi vào khách. Ở ta có thể là bắt tay theo lối Âu châu hoặc gật đầu. Quý ông nào bắt chước dân Exkimo cọ mũi mình vào mũi của bà vợ ông bạn nóng tính chắc chắn cái mũi của quý ông sẽ có dịp đổ ra cả…bát tiết. Nôm na là như vậy.Nhưng tại sao các tôn giáo nhiều khi kỵ nhau đến mức từ xa xưa đã xảy ra các cuộc chiến tranh tôn giáo? Tìm hiểu kĩ lịch sử, người ta hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của các tỵ hiềm tôn giáo, thủ phạm không có gì khác là những kẻ có thế lực trong xã hội kể cả Thần quyền lẫn Thế quyền. Các nhà cầm quyền ở thời nào và ở đâu cũng vậy, họ xuyên tạc giáo điều các tôn giáo, khoét sâu những dị biệt dân tộc để chia rẽ nhằm dễ cai trị. Đó là phép tách bó đũa ra từng chiếc cho dễ bẻ. Muôn năm các nhà lãnh đạo.
Trước đây ở ta do thái độ kỳ thị Công giáo, trong các bản lý lịch có mục phải khai tôn giáo ( hầu hết các nước không có mục khai này), người ta thường ghi là tôn giáo: Không (cho dù có theo đạo nào đó) để phù hợp với chính sách Vô thần của đảng ta. Người cộng sản không tin vào bất kì tôn giáo nào, tất cả các tôn giáo đều là “thuốc phiện”. Cụ KarMak, Lê nin dạy thế. Tất cả là thực tại. Với triết lý đó, chết là hết cho nên khi sống cố làm sao kiếm được thật bộn tiền, ăn cho sướng, chơi cho đã đời và để lại tài sản cho con cái…hút hít. Cách sống chỉ biết hiện tại khuyến khích, thúc dục con người phấn đấu ngoi lên cũng nhằm thu lợi lộc cho cá nhân bằng mọi giá, mọi thủ đoạn kể cả tiêu diệt đối thủ cạnh tranh. Khôn sống mống chết, không cần đạo lý gì ráo trọi vì làm gì có đời sau, tu nhân tích đức mà làm gì?
Nói zậy nhưng không phải zậy. Nói là theo chủ thuyết vô thần nhưng thật ra ngày nay các bác vô thần cao cấp chịu khó cúng vái hương khói lắm, tất nhiên là cố che giấu sự thật (các pác này cái gì cũng che giấu tuốt). Người mỏng vốn sắm lễ cầu cúng ở khắp các đền miếu còn quan chức lớn ẵm bộn tiền thuế, tiền “cúng cụ” dư dật không biết tiêu gì thì tính đầu tư xây cất các chùa thật lớn, quảng bá rầm rĩ, vừa được tiếng tự do tín ngưỡng vừa lãnh nhiều ơn huệ của thánh thần (nhỡ ra có thánh thần thật) và thu lại được khối lãi ròng từ các tín đồ và…đồ đệ muốn có tín.Thật là nhất cử tam tứ tiện. Tuyệt, thế mới là biết cách Vô thần theo định hướng XHCN.
MXD                                              

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

NUDE

Entry 4/8/11
Cái video clip quay cảnh anh Nguyễn Chí Đức, người tham gia biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn hôm vừa rồi bị các lực lượng an ninh thủ đô khiêng như khiêng một con lợn quẳng lên xe bus trong khi đó một đồng chí công an “nhân dân” đứng sẵn trên xe đạp vào mặt nạn nhân đã trở thành một clip hot nhất của tháng. Số lượng truy cập lên tới hàng triệu người trên khắp thế giới.
Khoan hãy nói đến hành động bắt bớ đàn áp người biểu tình yêu nước một cách ôn hòa như anh Nguyễn Chí Đức là hành động vô nhân tính tệ hại ra sao mà hãy nói đến chuyện công an Hà nội xử lý giải quyết việc này thế nào.
Như mọi người đã biết, sau sự kiện “trần truồng” đó công an Hà nội đã ra thông báo “ Căn cứ vào các tài liệu điều tra, xác minh thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Hà Nội kết luận: không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ngày 17-7-2011”
Thông  báo đó thực sự gây sốc cho người đọc hơn cả khi xem cái clip bạo lực nói trên. Tại sao người ta có thể phủ nhận trơn tuột sự thật hiển nhiên rành rành như vậy?
Theo logic thông thường, nếu “không có chủ trương đàn áp” nhưng khi cấp dưới “trót” hung hãn đàn áp người dân, lại có cả bằng chứng như đoạn clip quay được, những người lãnh đạo cấp trên ngành công an chỉ cần nhanh chóng tuyên bố sẽ xử lý những cá nhân có hành động bạo lực với dân, xin lỗi nhẹ nhàng là xong, êm như ru lại được tiếng là minh bạch, đầy tinh thần trách nhiệm. Nhưng công an Hà nội không làm thế, họ phủi tay chối bay một cách ráo hoảnh. Những người đã xem clip lắc đầu tỏ ra không hiểu nổi tại sao họ lại xử lý sự việc “trần truồng” đến như vậy, ngu đến như vậy. Việc nói có thành không kiểu “chợ” như thế không thể dùng từ gì khác được nữa. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: họ liệu có ngu như thế không hay đằng sau sự việc này có một bàn tay vô hình sắp xếp ? Việc tổ chức họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy thông báo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà nội để chính thức hóa một tuyên bố theo kiểu “phủi tay” biến có thành không làm cho người ta nghi ngại rằng đây là âm mưu của một thế lực rất lớn trong đảng cố tình làm mất uy tín của ngành công an, gây dư luận bức xúc trong nhân dân và dư luận Quốc tế.
Việc cố tình “nude” của công an Hà nội trong hành xử và ra thông báo rõ ràng là vấn đề cần nghiêm túc xem xét, mổ xẻ một cách khoa học và hết sức tỉnh táo.
MXD

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

KHÔNG CÓ GÌ...

Entry 02/8/11
Đại hội đảng Nói dối bầu ra Tổng bí rì mới
Quốc hội khóa mới  “nhai lại” quyết định đã cũ của 14 ông vua nói chung là cũ.
Người dân cố nuôi niềm hy vọng cũ mèm: đổi mới
Nhưng
1.   Trung quốc cướp đất cướp biển, bắn giết ngư dân Việt nam. Bọn họ ra tuyên bố: Không có gì mới.
2.   Dân chúng yêu nước biểu tình phản đối Trung quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải, gây hấn với tàu thuyền Việt nam. Bọn họ Đàn áp, bắt bớ, đánh đập, đạp vào mặt những người yêu nước. Họ họp báo tuyên bố: không có chuyện đàn áp.
Không có gì mới.
Đã chết niềm hy vọng mới với một chính phủ KHÔNG CÓ GÌ MỚI VÀ TIẾP TỤC CHÍNH SÁCH KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN TIỀN.
MXD

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

MÃI MÃI LÀ CU TÝ

Entry 01/8/11
Cô con gái đọc blog của chồng mẹ rồi bảo: Bố nên thi thoảng cho người đọc “giải lao” chứ blog của bố xem đau đầu lắm. Giật mình vì cái nhận xét này, tớ bụng bảo dạ không khéo nó đúng.
Thôi thì thi thoảng xả xì trét nhể ? Bắt đầu là vài chiện tầm phào thế này.
Ông mặt trời.
Ở lớp mẫu giáo, các cháu đã được làm quen với ông Mặt trời trong các truyện tranh. Đó là một khuân mặt đàn ông tròn trịa, đôn hậu với bộ râu dài và mái tóc hình các lưỡi lửa bao quanh. Cô hỏi: Các cháu có yêu ông Mặt trời không? Có ạ, chúng cháu yêu ông Mặt trời ạ. Thật ra chẳng có đứa nào yêu ông Mặt trời, chẳng đứa nào dám ngắm ông Mặt trời thật cả. Một tình yêu khiên cưỡng hàm chứa sự áp đặt.
Giờ học vẽ, Tý vẽ ông mặt trời rồi tô màu xanh biếc (nó thích thế). Khi trả bài, thầy giáo cho cháu điểm 1 vì đã vẽ ông Mặt trời màu xanh. Việc ước ao ông Mặt trời có màu xanh dịu dàng là không thể. Trong trường sư phạm của chúng ta không đào tạo ra những giáo viên có thể chấp nhận ông mặt trời màu xanh. Các thày không thể hiểu hoặc không muốn hiểu mơ ước của con trẻ cũng nhưng cố đòi hỏi con trẻ phải nghĩ như người lớn nghĩ. Đó là ám ảnh dai dẳng thủa ấu thơ của Tý về thày cô.
Ngộ nhận.
Lên lớp 4, Tý “để ý” con Cúc. Con này nhỏ như cái kẹo nhưng xinh xắn, đặc biệt là có đôi mắt ướt rượt. Nó xao lòng mỗi khi thấy con này nhìn mình, cái nhìn có thể gọi là zì nhể ? à phải gọi là âu yếm. Có đêm, Tý nằm mơ đi chơi với Cúc còi.
Bọn học trò có kiểu gán ghép bạn trai này với bạn gái nọ. Cúc còi được các bạn gán ghép với thằng Đắc phệ. Bề ngoài Tý tỏ ra hưởng ứng với các bạn nhưng bên trong “xót” lắm, nó thầm ước được các bạn ghép nó với Cúc. Không biết  có phải mong ước của Tý động lòng Bụt không mà sau đó các bạn lại quay ra gán ghép Tý với Cúc còi. Thực lòng mà nói là Tý thích chí lắm. Nhưng khi được như ý, Tý ta đâm ra xấu hổ không biết tiến thoái ra sao trong chuyện này, trong bụng rất nhớ nhung mà bên ngoài cố tỏ ra xa lánh. Nó không dám thể hiện mình…phải lòng Cúc. Mãi sau, như người ta thường văn hoa là khi phượng đỏ trường, phượng héo rồi phượng có trái, Tý mới biết Cúc còi đâu có mê nó. Cái nhìn “âu yếm” của Cúc là do đôi mắt ướt đó thôi. Con này nhìn ai mà chẳng vậy. Việc này khiến Tý buồn nhớ đến…mấy tuần.
Cái hôn đầu tiên.
Lớn lên đi làm ở xí nghiệp Điện cơ, anh (Cu Tý) lại mê cái Linh cùng tổ bảo trì máy phát điện. Anh tự hỏi hàng nghìn lần hằng đêm rằng không biết Linh có thích anh không? Nụ cười chúm chím hoa đại, cái nhìn sâu thẳm, những cái phát vào lưng khi vui đùa có đủ để cho rằng Linh có cảm tình đặc biệt với Tý ? Kinh nghiệm về mối tình đơn phương hồi lớp 3 với Cúc còi dạy cho anh rằng phải cảnh giác và nên tỉnh táo thủ thế tránh cho mình khỏi bị ngộ nhận mà chuốc lấy khổ đau.
Một lần ca đêm, trong khi cùng Linh bảo trì phần ắc quy của bộ ATS thì mất điện lưới, buồng máy tối om. Tý lập tức nghĩ đến Linh, nghĩ đến nụ cười hoa đại (thực ra là đôi môi mòng mọng) của em Linh đang kề bên trong bóng tối. Tý đứng bất động và tưởng tượng được ôm xiết Linh trong vòng tay. Tý vừa muốn mất điện mãi mãi như thế này và lại muốn có điện ngay đi cho khỏi rơi vào tình trạng lúng túng. Đột nhiên Linh vít cổ anh hôn như muốn nuốt chửng cả đôi môi Tý. Cu cậu chưa kịp định thần để đón nhận và đáp lại nụ hôn nồng nhiệt nên cứ ngay đơ cả người thì Linh đã biến ra ngoài cửa.
Hôm sau, Linh nhìn anh bằng ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng như chưa từng quen biết. Cô chẳng vui đùa với anh như mọi bận và những cái phát vào lưng cũng chẳng bao giờ có nữa.
Chiếc giỏ hàng mỹ phẩm.
Thùy Chi là một cô nàng xinh xắn ăn mặc khá mốt, gắn mi giả cong veo, bán đồ trang trí nội thất ở Thương xá TAX quận Nhất. Ban đầu Tý không có ý làm quen mà chỉ định mua cái bể cá cảnh nhỏ đem về Hà nội làm quà. Tý đặt tiền rồi tiếp tục thăm thú chỗ này chỗ nọ. Cô bán hàng nhắn tin qua lại với Tý vài lần, chỉ dẫn việc này nọ cho một chàng trai Hà nội vốn lạ lẫm với Sài gòn, một thành phố sôi sùng sục suốt ngày đêm. Bất ngờ, Tý được cô đề nghị làm “gai” ( travel guides ) cho anh vài buổi sau giờ làm, hướng dẫn anh thăm chơi Xè goòng. Một cô gái trẻ xinh xắn, một giọng nói phương Nam đầy âm sắc dịu ngọt làm Tý như uống vài ly rượu mạnh. Anh thấy Sài gòn đẹp quá…Sài gòn đẹp lắm Sài gòn ơi…
3 buổi tối ở thành phố này, Tý thấy mau qua như một giấc mơ.
Tối đầu họ dòng dòng đây đó. Tý chở Thùy Chi bằng chiếc xe máy của cô còn cô ngồi sau líu ríu giới thiệu cho anh phố nầy hẻm nọ, các quán xá đậm đặc hương vị Nam bộ của thành phố.  Cô rủ anh vô Nnice Café ở 6 Mạc Đĩnh Chi, bày cho anh cách uống bạc sỉu. Tuy nhiên món cà phê này nhiều sữa ngọt quá làm anh không thấy thú lắm. Khuya, trước khi chia tay cô dẫn anh đi ăn mì Quảng bên Lý Chính Thắng quận 3, vai kề vai rất tình củm. Ở Hà nội, người ta gọi việc đó là yêu đương còn ở đây đơn giản là đi chơi thôi. Họ hẹn gặp tối sau.
Tối thứ 2 họ đi chơi tiếp. Cô dẫn Tý đi quanh quanh rồi rẽ vào thương xá Đại quang minh bên quận 5 mua vài thứ lặt vặt. Anh  giành trả tiền hết.
Tối đó về khách sạn, Tý thấy thật vui và lòng nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm một phần vì như đã “trả công” cho cô gái đã giúp anh tìm thấy niềm vui trong những ngày công tác ở đây. Tất cả thật hoàn hảo trừ việc cô gái tỏ ra chê bai chiếc alô lỗi mốt của Tý.
Tối thứ 3 trước hôm ra phi trường Tân Sơn Nhất họ gặp nhau. Ngồi bên ly cà phê xế bên Diamond Plazza, Tý thử nhìn sâu vào mắt cô gái, không phải để đọc suy nghĩ của cô mà là tìm trong đó sự bí ẩn lạ lùng của tình cảm một cô gái phương Nam. Cô luôn cười và bây giờ cũng vậy, lúc nào cũng vui như miễn nhiễm với mọi nỗi buồn. Đã dạn dĩ hơn cái ngày xưa vụng dại, Tý chủ động hôn cô. Có lẽ chưa có cái hôn nào để lại một dư vị lạ lùng như thế trong đời anh.
Tối đó Thùy Chi đưa Tý vào trung tâm thương mại Diamond.
Cô dung dẻ khắp các quầy hàng và như tất cả các cô gái khác khi vô siêu thị, cô xà vào các quầy mỹ phẩm và lựa một mớ tú lụ cho vô giỏ. Liếc cái bảng giá nhỏ nhắn nhưng có cái đuôi nhiều con số không rất bự thì Tý ngất ngây…như bị cảm nắng. Anh thầm kiểm xem cái bóp trong túi quần mình có chừng bao nhiêu và hoảng lên khi chắc chắn rằng nó chỉ thỏa mãn được chừng 1/10 cái giỏ hàng kia.
Việc sau đấy rất khó nói nhưng chỉ biết rằng Tý đã kiếm cớ ra khỏi siêu thị trong trạng thái tinh thần rất là…khủng hoảng.
Là một chàng trai tử tế được nuôi dạy trong một gia đình tử tế và sống trong một môi trường xã hội ở Thủ đô nói chung là khá…tử tế, Tý luôn muốn sống sao cho tròn trịa. Dù không nhiều tiền nhưng ở đâu cũng vậy, anh giành phần thanh toán khi đi cùng bạn gái một cách vô điều kiện. Với anh việc móc ví trả tiền là điều dĩ nhiên. Cách hành xử ấy làm cô gái Xè goòng rất chịu. Nhưng lần này…e hèm…
Thoát ra phố, Tý kêu Taxi về và làm một giấc mà không bị cái hôn hồi tối dằn vặt. Anh cũng không quên tắt nguồn chiếc alô.
Sớm hôm sau đang ăn bánh mì bít tết quán Hỏa Diệm Sơn, 41 Võ Văn Tần và chờ xe cơ quan đón ra phi trường Tân Sơn Nhất, Tý giật nảy mình tá hỏa khi thấy cô nàng Thùy Chi xuất hiện. Chưa kịp định thần để ứng phó, anh đã thấy cô líu ríu cười nói hồ hởi như chưa từng biết đến “sự kiện” ở Diamond Plaza tối qua. Cô nói đến chia tay anh sớm để còn kịp giờ làm. Trước khi nhảy lên con DD đỏ cổ lỗ, cô đưa cho anh gói quà và dặn nhớ “Đừng bao giờ quên sạc pin để mất liên lạc anh nhé”.
Trong gói quà nhỏ là một chiếc điện thoại đời mới khá to tiền. Có nhẽ nó còn to tiền bằng cả cái giỏ hàng mỹ phẩm tối qua.
MXD