Trang

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG

Mai xuân dũng 22/10/2010
              
              Chị Nguyễn Thị Lý (Ảnh Net) 
Đúng 3 giờ chiều ngày 20/10 mấy mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã phát hiện được chiếc xe khách dưới đáy sông Lam cùng với các nạn nhân xấu số.Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ đã triển khai việc trục vớt chiếc xe, cho đến chiều ngày 21/10, chiếc xe khách và 14 thi thể đã được đưa lên bờ.Trong khi 100 người của lực lượng cứu hộ, có cả các thợ lặn chuyên nghiệp với đầy đủ tàu thuyền lớn nhỏ và khí tài dò tìm, quần đảo trên một đoạn sông thuộc Xuân Lam, Nghi Xuân mà không phát hiện nổi chiếc xe khách chìm, thì hai mẹ con người phụ nữ thôn quê, trong tay chỉ có chiếc lưới bằng dây thừng bện lấy, kéo rê trên sông lại phát hiện, tìm được là một câu hỏi lớn về tính hiểu quả của các đội cứu hộ nhà nước.
Việc mẹ con chị Nguyệt tìm được chiếc xe chìm không phải là sự tình cờ. Lập luận và phương pháp của chị rất đơn giản: dùng dây thừng đan, tết thành một chiếc lưới thưa, buộc gạch cho nặng rồi buộc vào đuôi thuyền cho chạy dọc sông như kiểu lưới vét. Khi thấy lưới bị kéo căng ra có nghĩa là lưới vướng vật cản thì lặn xuống kiểm tra. Bằng cách giản dị nhất này, mẹ con chị Nguyệt đã thành công.Tại sao việc đơn giản như thế mà lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp trang bị tận răng không làm nổi?Đây là vấn đề cần bàn nghiêm túc và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác cứu hộ và công tác quản lý nhà nước.
Công việc dò tìm, vớt thi thể các nạn nhân có tính nhân đạo và không thể tính bằng tiền nhưng các cấp lãnh đạo cũng nên nhìn vào đó để thấy một bài toán: hàng trăm người cùng các phương tiện chuyên dùng rồi tàu xe cứu hộ phải chi tiêu bao nhiêu tiền ngân sách? Và cần làm gì để việc cứu hộ tương tự như thế có tính hiệu quả hơn.
    
   Chị Trần Thị Bình (Ảnh Net)
Viết đến đây tôi chợt nhớ lại, Hà nội cũng có một người đàn bà nhân đức, có khuân mặt hao hao như chị Nguyệt đó là chị Trần Thị Bình nay đã ngót 60 tuổi đời ở xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà nội cũng làm công việc này, hàng năm mỗi mùa lũ. Chị Bình đã vớt xác và cứu sống được hàng chục người lâm nạn. Các chị vẫn sống cuộc đời nghèo khó, giản dị bao nhiêu năm trời và gắn bó với sông nước với công việc hiểm nguy, vất vả nhưng thật là nhân đức.Có phải bất kể là việc gì, tính hiệu quả trước hết là cần phải có một tấm lòng?
Mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét