Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

THƯƠNG THAY DÂN MÌNH

Mai xuân dũng 26/9/2010
                        
Cuối cùng thì ngài Naoto Kan không chịu được nhiệt do Ôn Gia Bảo đốt liên tục và phải trả tự do cho gã Chiêm Kỳ Hùng, thuyền trưởng tầu Mấn Tấn Ngư Trung Quốc.
Mặc dù là thuyền trưởng tàu đánh cá, nhưng Mấn Tấn Ngư là một tàu loại lớn, gắn động cơ mạnh và được trang bị ngư cụ, ra đa và hệ thống viễn thám hiện đại để tránh xảy ra các va chạm thông thường trên biển. Vậy mà tàu Tấn Ngư vẫn cứ đâm bẹp tàu tuần tra của Nhật đấy. Lúc đó gã thuyền trưởng tầu Trung Quốc Kỳ Hùng ngủ gật chăng? Hay là Hoa tiêu đột nhiên say sóng? Hoặc giả, tài công nhân lúc biển đẹp sóng yên nên say rượu chăng? Chắc chắn là không rồi. Chỉ có thể có một câu trả lời: Chiêm Kỳ Hùng đã ra lệnh cho lái tầu đâm vào tầu Nhật để gây ra một sự kiện trên biển Hoa Đông mà thôi. Nguyên nhân sâu xa ai cũng rõ: giữa Trung Quốc và Nhật vẫn đang tranh chấp chủ quyền đối với đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật) hoặc Điếu Ngư Đài (theo cách gọi của Trung Quốc). Theo Tuyên bố Cairo năm 1943 và Hòa ước Francisco 1951 thì Nhật sẽ từ bỏ chủ quyền đảo Đài Loan và quần đỏa Bành Hồ. Đảo Senkaku hoàn toàn không ai nhắc đến trong các tuyên bố, hòa ước này. Tiếp đó Hòa ước giữa chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và Nhật năm 1952 kí tại Đài Bắc cũng không có vấn đề Điếu Ngư Đài. Lịch sử như vậy đã dẫn đến việc tranh chấp chủ quyền của Nhật và Trung Quốc đối với hòn đảo này.
Bỏ qua một bên việc hòn đảo, xét riêng việc mũi tàu Trung Quốc đâm vào sườn tàu Nhật cho thấy sự chủ động của gã Chiêm Kỳ Hùng thuyền trưởng tàu Mấn Tấn Ngư. Việc tàu tuần duyên Nhật bắt thuyền trưởng và thủy thủ tàu gây ra sự cố là đúng thông lệ Quốc tế về Luật biển. Trong việc này dư luận thế giới đã bắt đầu nhận ra đây là một kịch bản đã được Trung Quốc hoạch định và người Nhật, với một Thủ tướng mới nhận chức còn non tay đã mắc lỡm anh ba Tàu. Hoặc nói đúng hơn, Ôn Gia Bảo khá cao tay khi chọn đúng thời điểm chính trường Nhật đang có đổi thay. Hơn nữa, Thủ tướng Ôn xem ra còn bắt mạch được Naoto Kan là người yếu bóng vía. Dân Nhật với truyền thống võ sỹ đạo Samurai đã từng dám tự mổ bụng moi gan thì cảm thấy bị sỷ nhục trước việc Chính phủ của ngài Kan vội vã thả gã đầu trò gây tai nạn là thuyền trưởng Kỳ Hùng trước sức ép của người Trung Quốc. Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh cũng điêu đứng một phen khi trong một ngày bị Chính phủ Trung Quốc tống đạt triệu tập tới năm lần! (có lẽ đi toilet không nổi nữa chứ đừng nói đến chuyện ngồi trong tòa Đại sứ để chén món Sushi.)
Ấy vậy mà đã xong đâu. Thả người rồi mà Trung Quốc còn bắt Nhật phải xin lỗi và bồi thường. Đâm người ta xong lại bắt người ta bồi thường?. Nhớ lại trước đây tầu cá của ngư dân Việt nam bị tầu Trung Quốc đâm vỡ gây chết người thì Thủ tướng Ôn lờ đi. A ha, thì ra chỉ có Trung Quốc mới có lối chơi trịch thượng như vậy.
Nghe đâu trong hội nghị mới đây tại Mĩ, ngài Ô bá mà có nhỏ to với ngài Kan rằng: “thôi, ông nhịn nó đi một tí cho yên”. Việt nam cũng nên xem đó làm một việc để suy ngẫm về cách hành xử của chính phủ Obama. Nên nhớ, Mĩ và Nhật là đồng minh chiến lược chứ không phải như ta với Mĩ. Ta với Mĩ chơi với nhau cũng thường thôi, chưa thân thiện gì, bác Triết nhà mình lần trước sang Mĩ mà còn về tuyên bố muốn “phân hóa nội bộ” bọn Mĩ kia mà!
Nhưng nói gì thì nói phải nể cách hành xử của cả anh Nhật với anh ba Tàu vì thái độ hết sức có trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân. Khi nhân dân của họ gặp nạn ở bất cứ đâu, họ lập tức lên tiếng ngay không chậm trễ và kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá. Tất nhiên đó cũng là bảo vệ thể diện của quốc gia và uy tín Lãnh đạo nữa.
Thấy người mà ngẫm buồn cho ta. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm, chết người thì phát ngôn Nhà nước gọi là “tàu lạ”, còn không dám gọi thẳng luôn là tàu Trung Quốc. Họ bắt bớ dân chài ta, bắn chết, đánh đập, giam giữ mà Nhà nước mãi mới dám lên tiếng một cách rụt rè. Thương thay dân mình.
mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét