Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Mai xuân dũng 12/9/2010


Người nước ngoài học tiếng Việt hay phàn nàn rằng tiếng Việt quá rắc rối, một sự việc, sự vật có thể diễn tả theo rất nhiều cung bậc tình cảm, không gian, thời gian khác nhau không biết đâu mà lần. Nhà nọ có cô dâu tây cũng chịu khó học hỏi để trau dồi tiếng Việt lắm. Nhiều hôm thấy các cụ hàng xóm sang thăm nhà bố mẹ chồng hay dùng câu: “Bà ăn cơm chưa ạ” để thay cho tiếng chào thì dâu tây cũng thuộc lòng để đem áp dụng khi có cơ hội. Một hôm đi làm về thấy bố chồng loay hoay trong toilet cô cũng chào “bố ăn cơm chưa ạ” làm ông bố chồng băn khoăn mãi không hiểu cô con dâu nói có ý gì?


Cách đây cũng dăm sáu năm, không biết ai nghĩ ra từ “chạy” cũng rất hay. Học sinh thi, thiếu nửa điểm tìm đến nhà thầy, cô “chạy điểm”. Tùy trường hợp, tùy trường và tùy “nết ăn ở” của thầy cô, cha mẹ học sinh sẽ phải chi ra từ một nghìn đến sáu nghìn Dollar Mĩ để con đủ điểm nhập trường. Nhưng chính thầy cô nếu có nhu cầu xin việc dạy học, công tác ở một trường “ngon ăn” cũng phải chi cho ông Hiểu trưởng, hoặc trên sở, trên Bộ một khoản tiền mặt tương tự.


Người Anh, Mĩ hoặc các nước nói tiếng Anh thắc mắc từ “chạy” và được dân ta giải thích: Trong tiếng Việt, “chạy” là tiếng lóng chỉ hành vi đút lót, hoặc hối lộ mà trong tiếng Anh viết là “Bribes” hoặc “Bribery” nhằm đạt được một mục đích nào đó có lợi cho mình. Còn người Việt thì kị mấy từ đó, họ xuyên tạc và thay thế từ “Bribery” (hối lộ) bằng từ “lobby” nghĩa là “vận động hành lang” cho nó…nhẹ nhàng và hợp pháp với người Âu – Mĩ.


Được giải thích như thế nhưng người nước ngoài vẫn bị “choáng” vì ở Việt nam cái việc “chạy” được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quá, theo học không kịp. Việc “chạy” bây giờ phát triển mạnh quá, nhanh quá, rộng khắp và toàn diện đến độ trở thành một thứ Castrol – Power mà nếu thiếu nó toàn bộ hệ thống kinh tế quốc gia và chính trị có khả năng sụp đổ.


Về vấn nạn này ở ta thì từ trẻ chăn trâu đến Thủ tướng, Tổng bí thư cũng biết, nhưng người nước ngoài thì phải nghiên cứu toát mồ hôi.


Giáo sư người Nhật, ông Yoshiharu thuộc trường đại học Waseda viết rằng “chạy” (tức hối lộ, tham nhũng) ở Việt nam không chỉ là vấn đề đạo đức mà là vấn đề “Cơ cấu tổ chức”. Muốn loại bỏ tham nhũng chỉ có thể “phá bỏ cơ cấu tổ chức”. Tham nhũng là đặc quyền của giới quan chức. Quan chức có quyền ký cấp đất, phê duyệt dự án, bổ nhiệm chức vụ. Vậy, dân hoặc viên chức phải hối lộ cho quan chức chứ Dân có quyền lực gì đâu để ban phát cho ai nên dân không thể tham nhũng được. Mà đã là quan chức phải là đảng viên cộng sản. Tòa án, Viện Kiểm sát càng phải là đảng viên. Nhưng đảng độc quyền lãnh đạo, lãnh đạo cả mấy anh Tòa anh Viện thì làm gì còn ai kiểm soát công việc của đảng nữa? Tham nhũng ở đó mà ra.


Một điều hiển nhiên người ở Việt Nam đều biết là do lương cán bộ không đủ sống, nên việc người dân phải chi thêm tiền cho viên chức trong các giao dịch đã là thực tế từ nhiều năm. Việc này diễn ra trong Trường học, Bệnh viện, Ngân hàng tài chính, Bảo hiểm, Dầu khí, Hàng không, Đài Truyền hình, các ngành kinh tế, các cơ quan công quyền vv…và số lượng vụ việc quá lớn khiến như Giáo sư Yoshiharu viết “nếu toàn bộ các vụ tham nhũng bị lật tẩy thì hệ thống hành chính sẽ ngưng hoạt động, thậm chí dẫn đến khủng hoảng chính trị. Vì thế chính quyền để yên nếu khoản tiền đó không quá mức và việc phân phối lại được chia đều giữa những người dính líu và đồng nghiệp trong tổ chức. Tuy nhiên, khi ai đó tìm cách đòi hỏi khoản hối lộ vượt quá giới hạn hoặc bị báo chí tiết lộ sẽ biến thành Scandal, lúc đó vụ việc sẽ được thừa nhận là “tham nhũng” và cần đưa ra hình phat. Một cơ cấu như vậy đã góp phần “nuôi lớn” tham nhũng nhưng mặt khác hệ thống đó cũng có lợi cho chế độ chính trị”.


Tham nhũng biểu hiện ở các trường hợp “chạy học, chạy bằng, chạy dự án, chạy quyền, chạy chức, chạy tội, chạy chính sách dân ta đã biết nhiều. Cái câu “có lợi cho chế độ chính trị” chính là “Chạy dư luận” đấy.


Thế nào là có lợi cho chính trị? Để tạo lợi thế trong cuộc đua dành ghế lãnh đạo cấp cao nào đó, một mặt cần “triệt hạ đối thủ”. Khi cá nhân nào tỏ ra “cứng đầu” hoặc có biểu hiện “cạnh tranh” địa vị, một “Scandal tham nhũng” sẽ được định hướng cho báo chí tung ra công luận. Thế là xong. Vì như ai cũng biết câu: “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” đó sao. Ai mà chẳng tham nhũng, kiếm cớ đó quá dễ.


Mặt khác để dư luận “thổi” mình lên, các nhà lãnh đạo định hướng cho giới truyền thông đăng tải ảnh, tin, bài về các hoạt động bề nổi của mình để “đánh bóng” hình ảnh, tạo đà, thế của mình trong dư luận trước mỗi kì đại hội.


Thế mới thấy từ “chạy” trong tiếng Việt của ta hay quá.

Mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét