Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

CÓ MA HAY KHÔNG

Mai xuân dũng 4/9/2010

Hồi đó thị trấn Điện biên phủ trên Tây bắc bị máy bay Mĩ ném bom tan hoang. Đó là thời kì chiến tranh phá hoại lần thứ nhất do tổng thống Mĩ Jhonson tiến hành sau sự kiện Vịnh Bắc bộ 15/8/1965. Dạo ấy, khu vực lòng chảo Mường Thanh, bộ đội ta hầu như không có lực lượng cao xạ pháo 37 hay 100 chứ chưa nói gì đến tên lửa SAM2. Vì vậy phi công Mĩ hoành hành gớm lắm. Chúng cho máy bay bay rất thấp, nhiều khi lượn giữa khe các đỉnh núi. Đi trên đỉnh đèo nhìn rõ lưng máy bay to như cái thuyền, rõ cả đầu thằng phi công đội mũ lái trắng xóa ngọ nguậy bên nọ bên kia mà không làm gì được.
Khu chợ, khu bách hóa, kho gạo...bị trúng bom cháy hết. Dân thị trấn lánh hết lên núi. Lại đào bếp Hoàng cầm cứ như làm cuộc kháng chiến đánh Pháp năm xưa.
Người Thái Tây Bắc trồng nếp nương, quanh năm ăn xôi đồ trong những nồi đồng, nén vào giỏ đan gọi là coóng khẩu. Còn người kinh ở đây vẫn không quen ăn xôi nếp như người Thái nên chỉ trông chờ vào gạo tẻ chở từ Hòa Bình lên. Ăn xôi thay cơm tẻ không quen xót ruột lắm. Nhiều đứa trẻ không chịu ăn, đói lả người rất tội.
Đường quốc lộ 6 lên Tây bắc bị đánh bom nhiều nơi, việc vận chuyển lương thực, hàng hóa rất cam go. Bố con anh Thành quyết định đi Mường Phăng cách xa 2 ngày đường mua gạo tẻ và muối đem về.
Để tránh máy bay địch, hai bố con lên đường vào lúc xẩm tối.
Hồi đó, Đường xá vắng lắm, đi cả ngày có khi chả gặp bóng người nữa là đi đêm. Gió núi từ dưới khe sâu hun hút thổi lên lạnh buốt. Gió lại xiết vào vách đá tạo ra các thanh âm quái đản. Lúc thì rít lên như tiếng sói rừng, lúc lại như tiếng người già than van não nuột. Không biết bố thế nào chứ Thành sợ lắm. Sợ ma. Lắm lúc, giật mình, rợn người khi tự nhiên từ trong bụi cây đen ngòm bên đường có con gì chạy xoẹt qua kêu khẹc khẹc. Bố bảo "kệ nó, con lợn hoang đấy". Thấy bố nói vậy, nó vững tâm hơn nhưng không dám đi sau bố nữa vì luôn có cảm giác ai đó lẽo đẽo đi theo mình.

Nửa đêm, hai bố con ngủ nhờ ở một bản người Thái đen. Gọi là bản chứ thật ra bản ấy chỉ có 3 nóc nhà sàn lợp tranh. Người dân tộc vốn ít nói. Cả chủ và khách chả ai nói với ai câu nào.Một phần có lẽ do ông chủ nhà bận ngồi hầu lão thầy mo đang cúng vái rì rầm trong góc nhà. Trên vách gỗ là một miếng tre đan mắt cáo dán giấy hồng điều viết chữ loằng ngoằng chả ra chữ nho chả ra chữ Thái. Một cành lá rừng còn tươi rủ xuống con gà luộc với đĩa đèn đốt bằng mỡ chài leo lét đặt trên một khúc gỗ dài bằng đòn gánh, tròn to như cột nhà đặt sát vách.
Nó rất mệt nhưng không tài nào nhắm mắt được phần vì muỗi vo ve phần vì luẩn quẩn trong nhà một mùi khăm khẳm rất khó chịu cứ xộc vào mũi. Nó ghé tai bố hỏi "mùi gì đấy bố, khó chịu quá". Bố nói nhỏ " ngủ đi, phân lợn phân trâu dưới gầm sàn chứ còn gì nữa".
Giở mình, trằn trọc mãi mới ngủ được. Trong cơn mộng mị nó cứ thấy bóng ông chủ nhà và lão thầy mo chập chờn lúc to lúc nhỏ trong ánh sáng vàng vọt của đĩa đèn mỡ chài leo lét.
Sáng hôm sau, bố từ biệt ông chủ nhà lên đường vì có mưa máy bay không hoạt động. Hơn nữa trời mưa, đi đường mát mẻ khỏe hơn. Vừa đi bố vừa thủng thẳng cho nó biết đêm qua lão thầy cúng đang cúng "ma xó" cho đứa trẻ mới chết có 3 tuổi. Cái khúc gỗ kể ở trên là quan tài bằng thân cây đục rỗng. Đứa bé được cho vào đó, để hở một đầu, cúng 5 đêm ngày thì nút kín lại bằng cánh kiến để góc nhà làm ma xó. Người Thái tin rằng có con ma thiêng trong nhà, mọi việc sẽ được con ma trông coi là tốt lắm. Cái mùi khăm khắm chính là mùi xác đứa bé đang phân hủy". Thành nghe mà phát khiếp, may quá, bố nó giấu không nói cho nó biết lúc đêm qua.

Lên đường được vài giờ mưa nặng hạt. Mưa quất ràn rạt nhòe cả mắt. Gió lồng lộn, vặn cây răng rắc mà không biết trú vào đâu. Rồi hai bố con nhận ra là đi lạc đường từ rất lâu rồi. Càng đi càng có cảm giác vào sâu hơn trong rừng. Loanh quanh mãi cứ như có người bịt mắt vậy. Mãi rồi mưa cũng ngớt. Gió đêm thổi u u trên đèo hoang vắng làm kẻ táo gan cũng phải rợn người. Không biết vì sao một nỗi lo lắng mơ hồ, len lỏi trong não làm đầu óc mụ mị tê dại trong một giấc mơ bóng đè . Loanh quanh mãi đến đêm vẫn chưa tìm được đường ra. Có lẽ đã khuya, không khéo hai bố con phải tìm một cây to nào đó trèo lên ngủ tạm để tránh thú dữ.
Đi cố đoạn nữa thì mưa tạnh. Trăng thượng tuần như lưỡi liềm đỏ đòng đọc hiện ra trên đỉnh núi. Giun dế, côn trùng tự nhiên im bặt cả. Bố bắt đầu lo lắng thì tự nhiên thoáng nghe có tiếng người đâu đó phía trước. Mừng quá, hai bố con liền rảo bước độ một chốc thì thấy một cái nhà sàn ngay trên đỉnh dốc. Nhẹ cả người. Hạ mấy tải gạo xuống ngồi thở dốc. Dưới ánh trăng Thành thấy ngồi trên sân ngoài là một cô gái đang quay xa kéo sợi. Nó leo lên cầu thang đằng hắng nhưng cô gái mải hát nên không quay lại. Cô hát một điệu dân ca Thái có âm hưởng rừng núi buồn tủi, ủ ê.
...Anh à.
Cây bông có cây gai bên cạnh
Nắm bông có cái xa làm bạn
Cây sáo vui vì nó ở trong túi anh, trên môi anh
Em muốn làm cây gai để về nhà anh
Em muốn làm cái sáo để nằm trong tay anh
Em nhớ cái áo của ai phơi trên nương
Em nhớ cái vòng của ai đeo nơi cổ
Ước gì em được làm cái vòng mãi...Anh à...Số em không được như ước mong đâu
Em chỉ là cây gai trên nương
Em ăn gạo sống quanh năm
Ơ à...anh à...
Cô gái còn trẻ, đúng ra là khá xinh. Mỗi tội nước da nhợt nhạt, xanh quá quá...Có lẽ tại ánh trăng. Mà tiếng hát não nùng mỗi lúc mỗi eo éo như người chết than van vậy chứ ?
Thành đằng hắng và chào to hơn. Cô gái luống cuống giật mình quay lại ấp úng điều gì không rõ.
- Em à, em hát hay quá
- Em hát không hay đâu mà, không hay.
- Anh nghe thấy hay lắm
- ......
- Anh đi chở gạo qua đây, bây giờ muộn quá muốn ngủ nhờ được không?
- Được mà, cái người kinh thì được, không sao.
- Thế mọi người đâu hết cả chỉ có mình em thôi à?
- Ừ, có em ở đây thôi.
Thành nhìn về phía xa xa một chút có cái nhà mồ. Người Thái thường dựng một cái nhà nhỏ trên ngôi mộ người chết. Quanh nhà mồ cắm nhiều cây sào tre treo áo quần của người chết lên trên, ban đêm áo quần đung đưa theo gió cứ như các bóng ma hiện hình vậy.
Thấy thế Thành bỗng rờn rợn. Nó run run hỏi cô gái
- Em à cái nhà mồ kia là của ai đấy?
- Của em đấy mà, em chết 3 hôm nay rồi...
Thành điếng người, hốt hoảng gọi "Bố ơi" mấy tiếng, quay lại thì không thấy cô gái đâu cả. Trên sàn vẫn còn nguyên cái xa đang quay dở, các quả bông vẫn còn vương vãi.
MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét