Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhận diện công an đánh đập anh Trương Văn Dũng trong trại Lộc Hà



CTV Danlambao - Một hình ảnh được chia sẻ trên facebook xác định một viên công an to béo, tóc đầu đinh chính là kẻ đã hành hung, tra tấn anh Trương Văn Dũng - người biểu tình chống Trung Quốc bị bắt đưa về trại Lộc Hà hôm 9/12.

                       

Ngay sau khi bức ảnh được phổ biến, một số nạn nhân cho biết cũng đã từng bị người này hành hung khi đi biểu tình. Tên của viên công an này được xác định là Nguyễn Tiến Thắng, khoảng dưới 30 tuổi.

Một bài viết trên blog Xuân Việt Nam tường thuật về cuộc biểu tình trước đó, hôm 5/8, có đăng hình ảnh của viên CA này, kèm theo lời chú thích: "Tên béo ị này nói với bà con rất vô lễ, mày tao, con nhỏ này..."

Ngoài ra, chính Nguyễn Tiến Thắng là kẻ đã hành hung, tra tấn chị Bùi Thị Minh Hằng khi chị bị giam giữ ở CA Hoàn Kiếm.

Trong đoạn video phỏng vấn do nhà văn Nguyễn Tường Thụy thực hiện, anh Trương Văn Dũng tường thuật lại việc bị viên công an tên Nguyễn Tiếng Thắng hành hung như sau:


Nguyễn Tiến Thắng
"Khi nó thọc vào nó đè người tôi ra nó mới khám moi hết cả điện thoại, cả máy ảnh, cả ví của tôi ra, nó dùng đầu gối huých vào mạng sườn. Tôi uất ức quá không kiềm chế được nữa tôi nhìn thẳng vào cái thằng huých vào bụng tôi tôi chửi:  - Đ. mẹ mày! 

Nó mới ghé sát, nó bảo: - Mày chửi tao à? 

Tôi bảo: - Tao chửi mày. 

Nó ghé sát vào tai tôi cho tôi đủ nghe và mọi người kia nghe thấy. Nó bảo: - Mày có giỏi thì nói lại một lần nữa. 

Sau khi nó hỏi mày có giỏi chửi lại tao một câu nữa tao nghe xem. Trong thâm tâm tôi nghĩ, nếu tiếp tục chửi nó thì sẽ tiếp tục bị ăn đòn. Nếu không dám chửi nó nữa thì nó coi mình là thằng hèn. Hai phương án lựa chọn, chấp nhận phương án thứ nhất: chấp nhận đau đớn. 

Tôi nhìn vào nó, tôi chửi: - Đ. mẹ mày! 

Thì nó nhằm đúng mạng sườn tôi nó đấm. Tôi ưỡn người ra như thế này nên nó đấm vào thành ghế. Chắc nó đau. Sau đó nó giơ chân, đạp tôi túi bụi. Một thằng nhảy vào can: "Thôi đừng đánh nữa". Theo tôi chắc là nó nghĩ nếu nó quá tay không phải là đơn giản, là phiền to. Đấy là cái lúc nó đánh."

Bài phỏng vấn Trương Văn Dũng đấu tranh trong trại Lộc Hà và bị đánh ra sao? do nhà văn Nguyễn Tường Thụy thực hiện đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên Danlambao, với hơn 60 phản hồi được đăng.


Nguồn: danlambaovn.blogspot.com

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

CHẠY TỘI




Trước những sai phạm việc quy hoạch giải tỏa dự án đường 2,5. Ông Nguyễn Đức Hải phó chủ tịch UBND quận Hoàng mai, có công văn 545 gửi chủ tịch UBND thành phố Hà nội, hòng chạy tội.
Những sai phạm đã được thanh tra bộ xây dựng chỉ rõ. 
Trích công văn: 
- Phần B - Kết quả kiểm tra, Mục IV - Trả lời đơn khiếu nại, Khoản 4.1 - Về quy hoạch tuyến đường vành đai 2.5, đối với nội dung thứ 4 của đơn khiếu nại, tại trang 13,14 dự thảo khẳng định: (Như vậy, UBND thành phố Hà nội vi phạm quy định tại Khoản1, Điều 36; Khoản 1, Điều 37 Khoản 2, Điều 38 nghị định số 52/1999/NĐ-CP của chính phủ về việc trước khi hê duyệt thiết kế chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 tuyến đường vành đai 2.5 ( tại quyết định số 104/2002/QĐ-UB) 
UBND thành phố Hà nội phải có văn bản thỏa thuận với Tổng cục đường sắt Việt nam và bộ Giao thông vận tải. Theo bản đồ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 2.5 đi qua phía bắc ga Giáp bát cắt ngang 04 đôi ray đường sắt, vi phạm điều 22 Nghị định 39/NĐ-CP của chính phủ về an toàn giao thông đường sắt. Việc này công dân khiếu nại là đúng).

Sai phạm tiếp theo về tái định cư. Trích từ công văn:
(UBND quận Hoàng mai báo cáo: số căn hộ để bố trí TĐC vào lô đất HH1 là quá ít so với nhu cầu GPMB của dự án, UBND quận đề nghị Thành phố cho phép bán đấu giá lô đất HH1 cho Ngân hàng công thương để lấy kinh phí thực hiện dự án và được UBND Thành phố chấp thuận tại Quyết định số 4560/QĐ-UBND ngày 13/11/2007; Việc làm trên dã gay bất bình và bức xúc cho các công dân trong diện phải di dời GPMB. 

Về dự thảo kết luận thanh tra: Trích - (Đoàn thanh tra yêu cầu UBND Thành phố Hà nội và UBND quận Hoàng mai bố trí TĐC cho dân theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 81/2003/QĐ-UB của UBND thành phố Hà nội, trả lại lô đất HH1 đã đấu giá bán cho ngân hàng Công thương để xây nhà TĐC cho dân). Tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra UBND quận Hoàng mai đã đề nghị đoàn Thanh tra vẫn bảo lưu ý kến giữ hai nội dung trong kết luận. Đoàn thanh tra dự kiến công bố kết luận với nhân dân vào ngaỳ 08 hoặc 09/6/2011.

Và ông Nguyễn Đức Hải có đề nghị UBND Thành phố Hà nội can thiệp với đoàn thanh tra như sau:

Trích: Để có cơ sở thống nhất nội dung kết luận thanh tra tuyến đường 2.5 trước khi Đoàn thanh tra công bố chính thức với nhân dân, UBND quận Hoàng mai kính đề nghị UBND Thành phố xem xét có ý kiến với Bộ xây dựng và Thanh tra bộ về hai nội dung đã báo cáo nêu trên (UBND quận xin gửi kèm theo dự thảo kết luận thanh tra của đoàn thanh tra Bộ xây dựng).

(Nguồn: Facebook)

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Lê Hiếu Đằng: Tố cáo và đòi hỏi bí thư Lê Thanh Hải, chủ tịch Lê Hoàng Quân phải trả lời về hành động trấn áp, bắt bớ các nhân sĩ trí thức


Posted by basamvietnam on 10/12/2012

TÔI TỐ CÁO …

Tôi là Lê Hiếu Đằng, trước1977 là Phó tổngthư ký Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN, sau 1975 là phó chủ tịch Ủy ban MTTQVNTPHCM, đại biểu HĐNPTPHCM khóa 4, khóa 5, hiện là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc UBTU7 MTTQVN tố cáo trước công luận trong và ngoài nước hành động bắt bớ, trấn áp, bao vây các thành viên đứng tên trong thông báo tổ chức cuộc mitting vào sáng ngày Chủ nhật 9 -12 -2012 trước nhà hát lớn TPHCM.


Cụ thể là GS Tương Lai, một trí thức tên tuổi, mặc tuổi cao sức yếu, đang bị bạo bệnh, trên đường đi đã bị công an phường Tân Phong, Q7 dùng vũ lực cưỡng ép bắt về phường và sau đó truy đuổi đến tận nhà. Đây là một hành động trấn áp vô nhân đạo đối với một trí thức đã có nhiều cống hiến như GS Tương Lai, lại đang bị bạo bệnh.

Riêng các anh Hồ ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Cao Lập và tôi đã bị lực lượng công an chìm nổi bao vây không cho ra khỏi nhà. Trường hợp tôi, công an vây nhà từ 4h sáng.

Các anh Huỳnh kiêm Báu, nguyên Tổng thư ký Hội trí thức yêu nước TPHCM, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà văn Nguyễn Viện và nhiều người nữa trên đường đi đều bị công an chặn lại, dùng vũ lực khống chế “áp tải” về đến tận nhà dù nhà ở mãi Thủ đức.

Bất chấp những hành động trấn áp, bắt bớ nói trên, cuộc mitting vẫn diễn ra với sự tham dự của đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên và nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ, kể cả đại biểu Quốc hội khóa này, như: GS Chu Hảo, các dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Đôn Phước, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, nhà thơ Lưu Trọng Văn (con nhà thơ Lưu Trọng Lư), nhà báo Thế Thanh, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, Hồ Hiếu, nguyên Chánh văn phòng Ban dân vận Thành ủy, nhà báo Minh Hiền, nguyên phó TBT báo Phụ nữ TPHCM, nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, các cán bộ đã từng công tác tại các ban của Trung ương Cục miền Nam, như Nguyễn Hữu Phước (con LS Nguyễn Hữu Thọ], Dương Hồng Lam,Trần Thị Tuyết Nga, Hồ Phương v.v…

Đặt biệt anh Huỳnh Tấn Mẫm, bằng kinh nghiệm của mình, đã thoát khỏi vòng vây của công an, chủ trì cuộc mitting và cùng các diễn giả khác lên tiếng tố cáo dã tâm xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc và hát vang những bài ca đấu tranh trong phong trào SVHS trước đây, vô cùng lay động lòng người, như Dậy mà đi, Tự nguyện …

Tôi xin hỏi ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBNDTP: những hành động trấn áp, bắt bớ nói trên là như thế nào, ai chủ trương và ai chịu trách nhiệm?

Chúng tôi những người đứng ra tổ chức và tham gia cuộc mitting sáng ngày 9 -12 – 2012 đang chờ câu trả lời của các ông.

TP Hồ Chí Minh, ngày 10-12-2012

Lê Hiếu Đằng

Nguồn: AnhBaSam

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

TUYÊN BỐ PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG TRẤN ÁP THÔ BẠO VI PHẠM QUYỀN TỰ DO CÔNG DÂN CỦA Ô.TƯƠNG LAI



Tương Lai
09-12-2012


Tôi, Tương Lai, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam từ năm 1983 đến nay, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Xã hội của Uỷ Ban Trung Ương MTTQVN, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên thành viên của Viện IDS, Huân chương Kháng Chiến Hạng Nhất, Huân chương Lao Động hạng Nhất.

Ra Tuyên bố phản đối hành động trấn áp thô bạo của Công An và Chính quyền phường Tân Phong, Quận 7, TPHCM đối với cá nhân tôi sáng nay, 9.2.2012, vi phạm nghiêm trọng quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định ở Chương 5, Điều 68 và Điều 71.

Sáng nay, tôi đi sớm để đến viếng một người bạn, sau đó sẽ đến dự cuộc Mit-tinh tại quảng trường Nhà Hát thành phố như đã thông báo với các cơ quan hữu quan và với ông Phó Chủ tịch UBNDTPHCM chiều ngày 8.12.2012 thì bị Công An mặc sắc phục và thường phục chặn đường không cho tôi thuê taxi, tiếp đó các vị chính quyền Phường Tân Phong mà tôi không biết tên đòi tôi phải về trụ sở Phường.

Tôi không đồng ý vì như thế là làm hỏng kế hoạch công việc sáng nay của tôi. Mặc dầu vậy, lực lượng Công An, mặc sắc phục và thường phục vây chặt lấy tôi, không cho tôi lên xe taxi. Tôi đành đi bộ, vừa đi vừa phản đối hành vi thô bạo, vi phạm quyền công dân của Công An và chính quyền địa phương. Đến ngả tư đông người, tôi tiếp tục lên tiếng phản đối quyết liệt hành động thô bạo cưỡng ép tôi phải theo họ về Phường. Tôi kiên quyết không đi. Cùng lúc ấy, hai người bạn tôi đi taxi ngang qua dừng lại hỏi chuyện rồi mời tôi lên xe. Tôi vừa lên xe thì mấy xe của Công An áp sát ra lệnh cho tài xế taxi phải cho xe theo họ. Tôi phản đối, mở cửa xe liền bị công an dập cửa, sau đó dùng xe môtô ép chặt cửa, nhốt chúng tôi ở trong. Ngột ngạt quá, tôi đành phải bảo lái xe theo họ áp tải về trụ sở Phường.

Đến phường, chắc vì chưa có người đến làm việc, họ nhốt chặt chúng tôi trong xe. Mãi sau mới áp tải xe đưa thẳng vào khuôn viên trụ sở, kéo rào chắn lại rồi mới mở cửa xe đưa chúng tôi vào phòng, tôi hiểu họ phải cẩn thận như thế vì sợ tôi vọt ra đường chỗ đông người để lên tiếng phản đối, thì sẽ phơi bày sự trấn áp thô bạo của họ. 

Vì thế, để lẩn tránh hành vi phạm pháp, vi phạm quyền công dân của họ, họ vụng về dàn dựng “màn kịch” đón tiếp với cà phê, bánh ngọt v.v… Tôi phản đối bỏ ra ngoài và gọi điện chất vấn ông Phó Chủ tịch UBNDTPHCM, người đã đón tiếp và trao đổi thân tình với nhiều thiện chí chiều ngày 8,12.2012. Thừa lúc tôi đang dàn xếp cuộc nói chuyện, họ đẩy tôi vào phòng, đóng sập cổng lại và tiếp tục “mời trà nước”.

Tôi tiếp tục phản đối, đòi phải để tôi về, họ quyết liệt không cho và ra sức đấu khẩu. Tôi giữ yên lặng không nói nữa vì cũng đã quá mệt.

Cuối cùng, sau 8h30 [chắc là đã đúng kịch bản được chỉ đạo] họ mới buông tha cho tôi về có xe công an áp tải hai bên đến tận nhà. Vừa vào nhà, ngồi xuống ghế để lấy thuốc ra uống, vì tôi dự cảm thấy có triệu chứng nguy hiểm như bác sĩ đã chỉ dẫn, thì một nhóm người lại bấm chuông ập vào, tôi phải đẩy họ ra, lúc ấy mắt tôi đã hoa lên, đầu ong ong nhức buốt, không nhận rõ ai với ai trong số người này. Họ lại tiếp tục bấm chuông, tôi phải lết ra thét to “Tôi đang phải uống thuốc chữa đột quỵ đây, các người muốn tôi chết sao“. Tôi chìa viên thuốc tôi đang uống một nửa ra trước mặt họ [ viên An cung ngưu hoàng hoàn] rồi đành phải bất lịch sự đóng sập cửa lại để có thể nằm yên bất động theo hướng dẫn trước đây của bác sĩ.

Kể lại vắn tắt diễn biến nói trên, tôi phẫn nộ lên án hành vi phạm luật của những người trấn áp tôi trước công luận.

Là Ủy viên UBTƯMTTQVN, qua báo Đại Đoàn Kết, tôi gửi TUYÊN BỐ này yêu cầu ông Chủ tịch UBTƯMTTQVN Huỳnh Đảm và các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN lên tiếng phản đối hành vi phạm pháp nói trên đối với một Ủy viên UBT ƯMT, nhất là khi mà Báo Đại Đoàn Kết hôm qua, 8.12.2012 đã đăng tin về “chuẩn bị lực lượng, làm tốt hơn vì sứ mệnh giám sát và phản biện xã hội đã cận kề”.

Là một công dân, tôi đề nghị các cơ quan hữu quan tại TPHCM cần kiểm tra và có giải pháp thích đáng đối với những cán bộ phạm pháp, vi phạm quyền công dân đối với tôi, một cán bộ về hưu đã gần kề tuổi 80.

Tôi kêu gọi công luận trên cả nước hãy lên án hành động trấn áp người biểu tình khi họ thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp biểu tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động gây hấn lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải thuộc chủ quyền của ta của nhà cầm quyền Bắc Kinh, tiếp tục biểu thị thái độ bằng việc ký tên vào bản TUYÊN BỐ CỰC LỰC PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG KHIÊU KHÍCH CỦA NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC IN HÌNH “LƯỠI BÒ” LÊN HỘ CHIẾU ĐIỆN TỬ ngày 25.11.2012.

Tp. Hồ Chí Minh, 18h ngày 9.12.2012

Nguồn: AnhBaSam

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

THÔNG BÁO TỔ CHỨC MÍT TINH PHẢN ĐỐI NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC



06-12-2012
                          
Trong những ngày gần đây, nhân dân Thành phố cũng như nhân dân cả nước rất phẫn nộ trước những hành động gây hấn, khiêu khích trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc :  cho thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, trong đó có cả huyện Hoàng Sa thuộc Thành phố Đà Nẵng, và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam; cho in hình lưỡi bò phi pháp lên hộ chiếu; đe dọa chận bắt, kiểm soát các tàu bè trên Biển Đông, trong đó có cả vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; và mới nhất là ngày 30 tháng 11 năm 2012, trắng trợn cho các tàu cá mà thực chất là các tàu hải giám có vũ trang làm đứt cáp tàu Bình Minh 2 của ta.

Trước tình hình nghiêm trọng nói trên, thực hiện quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp và đã được nhắc lại trong văn bản gởi Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi 42 công dân của Thành phố sẽ tổ chức mít tinh tại Nhà hát lớn Thành phố vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày Chủ nhật 9 tháng 12 năm 2012 để biểu thị ý chí và thái độ của nhân dân Thành phố trước những hành động gây hấn ngang ngược, phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong cuộc mít tinh này, các khẩu hiệu sau đây được sử dụng:

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam 

Cực lực phản đối những hành động gây hấn gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc 

Cần có những biện pháp hiệu quả bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo Việt Nam

Chúng tôi đề nghị chính quyền Thành phố có biện pháp giữ gìn an ninh trật tự cho hoạt động yêu nước này.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào, nhân sĩ, trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh hưởng ứng và tham gia hoạt động được tổ chức sáng 9.12.2012 để phản đối những hành động gây hấn, khiêu khích trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2012

Thay mặt 42 người đã ký tên vào Đề nghị gửi đến Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhngày 27.7.2012 *                        
                                                                                                                               
Huỳnh Tấn Mẫm
Hồ Ngọc Nhuận
Lê Công Giàu
Lê Hiếu Đằng
Tương Lai
      
                        1

 Nơi nhận :
- Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy [để thông báo và hỗ trợ]
-Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBNDTP [để thông báo và hỗ trợ]
- 42 vị công dân đã ký tên vào văn bản ngày 27.7.2012 [để biết và tham gia]
-Các trang mạng và báo chí thành phố [để thông tin và vận động quần chúng tham gia]
——-
Mời tham khảo thêm: 42 công dân đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc (Boxitvn/31-07-2012)

Nguồn: AnhBaSam


CHIA BUỒN VỚI NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO




Được tin thân phụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo:

Cụ Thomas Trần Văn Hiền
Sinh năm 1926 tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Tạ thế hồi 19h32 ngày 5-12-2012, hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng và an táng hồi 7h30 ngày 7-12-2012
tại nhà thờ giáo xứ Bình Hải, Nghĩa Hưng, Nam Định.

Gia đình chúng em xin dâng lời cầu nguyện cho linh hồn cụ Cụ Thomas Trần Văn Hiền
Sớm hưởng nhan Thánh Chúa

Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhà thơ Trần Mạnh Hảo cùng toàn thể gia quyến.



Kính
Phero Mai Xuân Dũng và gia đình kính viếng

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

QUÝ THANH HAY QUỶ THANH?



Đọc bài: “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách” của tác giả Quý Thanh trên báo CAND Online tôi thật buồn cho tác giả. 
Buồn vì câu chữ trong bài viết cho thấy người viết là người có chữ nghĩa nhưng xét ở góc độ nội dung bài viết này, thứ chữ nghĩa kia không dấu đi đâu được vẻ hằn học là thuộc tính tâm lý của những kẻ dưới cơ, cay cú vì những lý do vặt vãnh được che đậy bằng vẻ cao đạo của người quan tâm thời cuộc vốn rất xa lạ với phong cách văn chương.
Ngay trong phần khai mở bài viết, tác giả Quý Thanh đã tỏ ra lúng túng trongg việc vừa phải bất đắc dĩ ngầm thừa nhận nhân vật mà mình đang công kích là “Không thể phủ nhận được rằng mỗi quốc gia đều cần những nhân cách lớn” vừa phải bôi nhọ NHÂN CÁCH LỚN đó là: “ những kẻ tầm thường và những kẻ vô đạo đức nhân danh những tín điều cao cả để phục vụ những mục đích ích kỷ”.
Quý Thanh lúng túng là phải vì dù có nhắm mắt, bưng tai thì ngay cả những người hiện đang đứng ở bờ bên kia đối mặt với sự thật cũng phải cảm thấy mình nhỏ bé, ty tiện đến thảm hại khi ngước nhìn cái bóng rất rộng của Cù Huy Hà Vũ.
 Những tưởng Tác giả sẽ đưa ra được các lập luận thuyết phục để chứng minh sự “vô đạo đức nhân danh những tín điều cao cả” thì Quý Thanh lại dẫn dắt độc giả tới chỗ luẩn quẩn của những vụn vặt đời thường để đưa ra các “bằng chứng” bất khả chứng minh trên vài tờ báo “ có định hướng” mà người đọc đã từng biết  là mang đầy mầu sắc chợ búa trong quá khứ.
Quý Thanh không có phương cách nào khả thi hơn đành mượn lại các tư liệu không mấy xác thực để tấn công vào đời tư của Hà Vũ bằng thứ ngôn ngữ hoàn toàn thiếu vắng tính văn minh và liêm sỷ của người cầm bút.

Tôi không biết bút danh Quý Thanh là ai và viết với động cơ gì nhưng những gì phơi bày lên mặt chữ cho thấy tác giả đã tự đặt mình xuống hố chôn tử thi cùng với một vài cái xác chết “văn chương” đã và đang thối rữa bởi bởi chính cái ung bướu MA QUỶ mà họ tự chuốc lấy.

Mai Xuân Dũng

Dưới đây là nguyên văn bài viết của tác giả Quý Thanh đăng lại để rộng đường dư luận.


Sự kiện - Bình luận 
Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách
14:44:00 04/08/2011
Cù Huy Hà Vũ đã phản bội lại những tín điều thiêng liêng khi coi đó là phương tiện, đã phản bội lại gia đình khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, đã phản bội lại học thức khi hành xử bất chấp pháp luật. Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Vũ phản bội lại cả đất nước và dân tộc.
Không thể phủ nhận được rằng mỗi quốc gia đều cần những nhân cách lớn để tạo ra những động lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đó không thể trở thành áp lực để mỗi chúng ta và cả xã hội trở nên dễ dãi trong việc đánh giá một con người. Sự nhầm lẫn về nhân cách sẽ tạo ra những hệ lụy trầm trọng đối với những giá trị đạo đức chung cũng như đối với nhận thức của mỗi cá nhân. Nó tạo ra cơ hội cho những kẻ tầm thường và những kẻ vô đạo đức nhân danh những tín điều cao cả để phục vụ những mục đích ích kỷ, mặt khác, có người vô tình, có người hữu ý tạo nên sự hỗn loạn trong dư luận. Trong sự hỗn loạn đó, sự thật về nhân cách Cù Huy Hà Vũ đã bị làm ngơ.

Với những mục đích khác nhau, một số cá nhân đã muốn đặt Cù Huy Hà Vũ vào vị trí của một người hùng. Bằng việc kích động tâm lý thần tượng cá nhân, bằng việc khoác lên Vũ sự lấp lánh của lý tưởng và sự xả thân, bằng các xảo thuật để gọt đẽo một hình tượng, họ đã quên mất việc trả lời một câu hỏi cơ bản. Đó là câu hỏi về nhân cách thật sự của Cù Huy Hà Vũ.

Trước năm 2005, không nhiều người biết đến Vũ. Nhưng đối với phần lớn cán bộ Học viện Quan hệ quốc tế thời ấy, Vũ không phải là cái tên xa lạ. Con người này được biết tới bởi sự vô trách nhiệm và vô kỷ luật trong công việc. Sau một thời gian dài đi du học, dù đã báo cáo bảo vệ luận án tiến sỹ nhưng Vũ không hề có một đóng góp dù nhỏ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ở trong hay ngoài Học viện. Suốt 25 năm, từ 1979 đến 2004, Vũ không đi du học thì cũng chỉ đến cơ quan để lĩnh lương.

Bỗng nhiên năm 2005, người ta thấy Vũ xuất hiện trong dư luận với một bộ quần áo mới: một người bảo vệ những giá trị văn hóa nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trong vụ kiện đồi Vọng Cảnh. Từ một tiến sỹ không lao động, không cống hiến nhưng chưa bao giờ để sót một đồng lương thoắt đã mang bộ mặt của một người yêu nước. Từ đó trở đi, Vũ xuất hiện nhiều hơn trước công luận. Vũ tự ý bỏ việc và chăm chỉ đi kiện. Và những vụ kiện của Vũ hầu như đều đóng một vai là "bảo vệ văn hóa". Năm 2006, Vũ tiếp tục kiện album Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Dương Thụ vì cho rằng việc đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của các tác giả nhạc cổ điển trong album này đã "vi phạm quyền nhân thân" của họ.

                     
                    Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/8/2011. Ảnh: TTXVN

Phải chăng mơ ước cống hiến vì đất nước, vì dân tộc đã đột ngột đến với Vũ sau 25 năm câm lặng? Nếu câu trả lời là có, tại sao Vũ không đến Học viện Ngoại giao làm việc mà chỉ ở nhà, mở văn phòng luật nhưng vẫn lĩnh lương đều? Lẽ nào một người đang cố gắng để cống hiến cho xã hội lại có thể vui vẻ nhận những đồng lương từ ngân sách nhà nước mà không hề lao động?

Mọi chuyện bỗng trở nên dễ hiểu khi sau những vụ kiện đó, năm 2006, Vũ đã nộp đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin. Vũ đi kiện về những vấn đề văn hóa không phải vì văn hóa hay vì đất nước. Đó chỉ là một sự chuẩn bị cho việc thực hiện một tính toán cá nhân: làm Bộ trưởng. Và tính toán cá nhân này càng trở nên rõ ràng hơn khi năm 2007, Vũ tiếp tục ứng cử đại biểu quốc hội. Như thế, văn hoá dân tộc, di sản của đất nước hay tinh hoa văn hoá nhân loại...  đều bị Vũ biến thành con bài cho cuộc chơi vì những toan tính cá nhân.

Cho đến giai đoạn này, con đường Vũ đi chỉ là con đường của tham vọng về quyền lực và danh vọng. Những cố gắng hết mình của Vũ dường như chỉ nhằm mục đích tạo nên sức ép dư luận để tìm một chỗ đứng trong bộ máy. Nhưng khi không đạt được mục đích đó, Vũ trở thành kẻ chống phá chính bộ máy mà mình đã mơ ước được đứng vào. Từ đây, Vũ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, nói năng về lý tưởng một cách hoa mỹ hơn và thực hiện những vụ kiện ầm ĩ hơn.

Và trước khi đi kiện, Vũ cũng từng là người bị kiện. Mà đặc biệt hơn, Vũ bị kiện bởi chính bác mình, em ruột mình, và bố đẻ mình. Ngày 28/10/2003, đích thân cố nhà thơ Cù Huy Cận đã có đơn gửi chính quyền UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên và các cơ quan báo chí- truyền thông kiện Vũ cấu kết với gia đình nhà vợ nhằm gây khó khăn cho chính gia đình mình.

Nguyên văn ông viết: "Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi được biết ông Nguyễn Bá Phụng (bố chị Nguyễn Thị Dương Hà) với sự giúp sức của vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ và chị Nguyễn Thị Dương Hà đứng tên ra kinh doanh giải khát trên miếng đất có cổng 24B Điện Biên Phủ (sát liền với số 26 Điện Biên Phủ nhìn ra đường Điện Biên Phủ) thuộc chủ quyền của tôi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 474/TTG ngày 16/7/1996. Mặc dù tôi đã bố trí cho vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ và chị Nguyễn Thị Dương Hà sử dụng làm chỗ ở căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 28m2 có khoảng không bên trên, mặt phố Trần Phú giáp với khu nhà 21 Trần Phú và nhà ông Vũ Quang Triệu và bảo ban, khuyên răn vợ chồng anh Hà Vũ không được cản trở, gây khó khăn cho tôi và gia đình trong việc sử dụng miếng đất có cổng 24B Điện Biên Phủ nói trên làm lối đi vào nhà nhưng vợ chồng anh Hà Vũ phối hợp với ông Nguyễn Bá Phụng vẫn cố tình chống đối, bất chấp".

Nực cười thay, và cũng chua xót thay, khi con người ấy với những toan tính ấy bỗng trở thành điển hình của lý tưởng và hy sinh trong những mỹ từ lấp lánh của một số cá nhân tự nhận mình "học theo Cù Huy Hà Vũ". Sau khi đặt mục đích cá nhân lên trên mọi hiểu biết và danh dự, Vũ trở thành Cù tiên sinh, trở thành vầng dương, trở thành trái tim Đankô…

Nhóm người đang tung hô Vũ thừa hiểu rằng một kẻ phản bội lại chính bố mình thì có gì mà không dám phản bội? Thế nhưng kẻ bỏ đi ấy vẫn có những giá trị để lợi dụng. Thứ nhất, Vũ là kẻ có đầy đủ bằng cấp. Thứ hai, Vũ là con của một nhà cách mạng lão thành. Thứ ba, Vũ là kẻ hoạt ngôn. Thứ tư, Vũ là kẻ điên cuồng vì tham vọng. Thứ năm, Vũ không có cơ hội để làm chính trị một cách tử tế. Trong bối cảnh ấy, không khó để nhận thấy rằng nếu bơm vào đầu Vũ những tham vọng và vuốt ve bởi những lời tung hô, Vũ sẽ trở thành kẻ bất chấp tất cả để thỏa mãn ảo tưởng vĩ cuồng của mình.

Theo một kịch bản được tính toán kỹ lưỡng dựa trên logique tâm lý Vũ, từ năm 2007, Vũ xuất hiện nhiều hơn trên các diễn đàn. Những vụ kiện và phát ngôn của Vũ vẫn dựa trên chiêu bài vì văn hóa, vì đất nước nhưng thực chất là chĩa thẳng mũi nhọn vào bộ máy lãnh đạo, nơi Vũ đã mơ ước được tham dự. Vào ngày 19/6/2010, trong bài phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, Vũ đã nêu ra yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày 29/4/2010, Vũ đã bình luận về Chiến tranh Việt Nam. Trả lời phỏng vấn đài VOA về cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Vũ cho rằng đồng hành quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là "mệnh lệnh của thời đại".

Sự chuyển biến trong nội dung, đối tượng đề cập và thông điệp của các phát ngôn qua miệng Cù Huy Hà Vũ cho thấy Vũ đã nhắm tới một mục tiêu lớn hơn cương vị Bộ trưởng. BBC tiếng Việt, Đài châu Á tự do và RFI chào đón Vũ với một mật độ thường xuyên và những lời bình trịnh trọng. Vũ đã chính thức trở thành một quân cờ trên bàn cờ chính trị mà mỗi nước đi được tính toán từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thừa hiểu rằng Vũ chẳng có tư cách gì về trí tuệ cũng như phẩm giá để nói về những vấn đề trọng đại của đất nước, những kẻ đứng sau Vũ cũng ráo riết chuẩn bị cho Vũ một nhân cách "vĩ đại" nhằm tạo ra một sự tương xứng "danh chính ngôn thuận". Sự "tụng ca" gây tiếng vang bằng những ngôn từ lấp lánh "Anh nguyện hiến dâng. Anh nguyện dấn thân. Anh nguyện làm bó đuốc soi đường. Anh là vầng dương, là bình minh sẽ xua tan bóng đêm lọc lừa. Anh ngời sáng hào quang công lý…". Cùng theo chiều hướng suy tư đó, Vũ đã trở thành "anh hùng dân tộc", "người phi thường", "kẻ sĩ Đông phương"…

Những ngôn từ càng cao cả thì chiêu bài nhân cách càng bộc lộ trơ tráo đến đau lòng. Trong những toan tính, những kẻ đứng sau Vũ đã bất chấp sự thật để sơn son thiếp vàng lên một cá nhân tầm thường và nhỏ mọn.

Điều nguy hiểm ở đây là nhân cách thật sự của một con người không còn được tôn trọng nữa. Bằng việc ngợi ca một kẻ lợi dụng những tín điều thiêng liêng để đạt tới tham vọng quyền lực, những kẻ ủng hộ Vũ đã chà đạp lên đạo đức và làm biến dạng tình yêu nước. Vì mục đích của mình, nhóm người này tiếp tục đồng lòng để một kẻ bại hoại về tư cách và danh dự rao giảng về những giá trị thiêng liêng của cuộc sống. Nhóm người này không chỉ biến Vũ thành một quân cờ mà thông qua Vũ biến cả những giá trị thiêng liêng của xã hội như độc lập, tự do, dân chủ và nhân quyền thành quân cờ để đạt được mục đích của mình. Vũ đã là một kẻ phản bội luân lý và đạo làm người. Nhưng những người lợi dụng Vũ, đau lòng thay, đã phản bội chính danh dự và trí tuệ của mình.

Trở lại với thực tế cuộc sống, trong tất cả những vụ kiện tụng và tranh chấp Vũ đã tham dự có một vụ tranh chấp dằng dai nhất, nhiều toan tính nhất. Đó là vụ tranh chấp căn biệt thự số 24 Điện Biên Phủ. Theo sự phân chia bằng văn bản công chứng của cố thi sĩ Huy Cận thì Cù Huy Hà Vũ chỉ được một phần của căn biệt thự. Tuy nhiên theo bà Trần Lệ Thu, vợ cố thi sĩ, Cù Huy Hà Vũ vẫn tiếp tục âm mưu chiếm đoạt cả căn biệt thự. Đây là sự bất chấp pháp luật của một kẻ luôn vỗ ngực là tiến sỹ luật học. Và đó là nguyên nhân sâu xa cho sự tranh chấp vẫn chưa đi đến hồi kết.

Cù Huy Hà Vũ đã phản bội lại những tín điều thiêng liêng khi coi đó là phương tiện, đã phản bội lại gia đình khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, đã phản bội lại học thức khi hành xử bất chấp pháp luật. Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Vũ phản bội lại cả đất nước và dân tộc. Việc áp dụng chiêu bài nhân cách cho một kẻ tầm thường nhỏ mọn như vậy chỉ cho thấy mưu đồ quyền lực của những kẻ vẫn tung hô và ủng hộ Vũ. Những mỹ từ đã trở thành công cụ lừa đảo cho phủ lên những dã tâm chiếm đoạt thay vì sự cống hiến và hy sinh thật sự cho đất nước và dân tộc.

Sự thật về nhân cách Cù Huy Hà Vũ là một sự thật mà những người thân của ông ta biết, những người hàng xóm của ông ta biết, những người đồng nghiệp của ông ta biết, và cả những người đang tôn vinh ông ta như biểu tượng của đất nước cũng đều biết. Nghĩ cho số phận của nhân dân, nghĩ cho những cái đầu non nớt với trái tim nhiệt huyết và ngây thơ của những người Việt trẻ tin và yêu những trí tuệ lớn đang ngày càng hiếm hoi của đất nước, có ai đặt câu hỏi về một sự thật đang cố tình bị làm ngơ?

Một phán quyết trong một phiên toà có thể quyết định số phận của một con người. Nhưng phán quyết trong toà án lương tâm của những con người đang là ngôi đền gìn giữ tinh hoa trí tuệ cho một dân tộc, nhất là khi dân tộc đó đang đứng trước những thử thách của các cuộc xâm lăng văn hoá và sự xói mòn các giá trị đạo đức... có thể quyết định số phận của cả một đất nước. Làm ngơ trước sự thật về nhân cách một con người, khi mà con người ấy đang cố, và đang được đám đông tri hô khoác lên mình chiếc áo tri thức và đạo đức để đại diện cho một dân tộc, đó chính là phán quyết lạnh lùng của mục đích cá nhân trước lương tri của người trí thức. Sự thật không phải là điều bí ẩn phải kiếm tìm, sự thật là điều hiển hiện mà con người phải đối diện để chấp nhận.

Xung quanh cái tên Cù Huy Hà Vũ là những cuộc chiến ngôn từ ầm ĩ, những lời nói nhục mạ trao đi đổi lại. Tôi chợt nhớ một câu văn ngắn của một văn hào tôi đã đọc trong sách giáo khoa phổ thông: "Rồi chiến tranh sẽ đi qua, rồi tiếng súng sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng cũng thôi gào thét, chỉ còn tấm lòng em chung thuỷ, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương". Cần rất nhiều lòng dũng cảm, cần lắm lắm một trái tim ngay thẳng, cần lắm lắm một lòng yêu sự thật để có thể chan chứa tình yêu thương - đó chính là nhân cách mà mọi xã hội, mọi đất nước đều cần để vươn lên.

Fukushima tan hoang sau cơn địa chấn và sóng thần, nhưng những người dân Fukushima vẫn trở về bãi đất trống hoang tàn với nghị lực mạnh mẽ và niềm tin vào ngày mai. Bởi trong những lúc khó khăn nhất, giữa sống và chết, từng người dân Nhật vẫn giữ gìn trọn vẹn nhân cách của mình. Với người Việt tự ngàn xưa, trải qua chiến tranh liên miên không dứt, rồi thiên tai, rồi nhân họa, mất tất cả rồi gây dựng từ tay trắng, cũng chỉ bằng nhân cách và trái tim chan chứa yêu thương mà thôi.

Người con trai của cụ Phan Châu Trinh, khi sức lực đã quá yếu, ông đã xin được về nước để chết, để có thể không là gánh nặng cho cha. Và cụ Phan, cho đến giây phút cuối của cuộc đời, vẫn chan chứa yêu thương những người dân Việt lầm than dốt nát, đau đáu một lòng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Bởi nỗi đau lớn lao của cuộc đời người yêu nước ấy là nỗi đau dân trí. Còn gì đau đớn hơn khi tội ác hoành hành và lương tri bị xói mòn bởi sự ấu trĩ và dốt nát, khi số phận của nhân dân ngàn đời bị lợi dụng trong toan tính quyền lực và danh vọng của một số người được học. 

Người trí thức Việt, xin đừng mất đi nhân cách ấy, xin đừng mất đi nỗi đau ấy, xin đừng đánh mất lương tri của dân tộc gửi gắm trong trí tuệ mình

Quý Thanh