Trang

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Thông tin tiếp sau cái chết của bà Đặng Thị Kim Liêng


30/7/2012



            Ảnh: Chị Tạ Phong Tần

Sau vụ bà Liêng thân mẫu chị Tạ Phong Tần tự thiêu,Tình hình hết sức căng thẳng. 
Công an đã không cho đưa xác cụ bà Liêng về nhà mà đã buộc xe quay lại đưa vào bệnh viện (có thể để phi tang hoặc xóa dấu vết ) mặc dù gia đình kiên quyết phản đối và buộc đưa xác về nhà để xem rõ thực hư. Ba người nhà của chị Tạ Phong Tần hiện đang bị công an bắt nhốt trên xe không cho ra để đòi lại xác bà cụ. Tình hình đang khẩn cấp, xin mọi người loan tin. Chỉ có thông tin mới phá vỡ được sự việc mà chính quyền đang cố tình bưng bít.


Theo Quan Le facebook

Mẹ bà Tạ Phong Tần chết vì 'tự thiêu'


30/7/2012
BBC
Thân nhân của Tạ Phong Tần nói BBC rằng mẹ bà Tần đã qua đời vào sau khi đã "châm lửa tự thiêu để phản đối chính quyền bắt giữ con bà".
Trước đó, bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ bà Tần, đã tự châm lửa vào mình ngay trước trụ sở chính quyền thành phố Bạc Liêu, thủ phủ tỉnh Bạc Liêu vào sáng thứ Hai ngày 30/7.


Bà Liêng hưởng dương 64 tuổi.Khoảng 15h30 cùng ngày, Tạ Minh Tú, em gái của Tạ Phong Tần, nói với BBC bà vừa nhận được tin mẹ vừa qua đời ở Cần Thơ khi đang trên đường chuyển viện từ Bạc Liêu lên Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại xe cứu thương chở bà Liêng đang trên đường quay trở lại Bạc Liêu và dự kiến sẽ về đến nhà nội buổi chiều hôm nay.
Bà Tú cùng gia đình hiện đang rất bối rối chuẩn bị hậu sự cho mẹ.
Bình luận về tin mẹ bà Tần qua đời, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, tổ chức đã trao giải thưởng nhân quyền cho bà Tần trong năm 2011, nói đây là "tấn thảm kịch".
Ông cũng nói bà Tần chỉ làm theo đúng những gì có trong khuôn khổ các nguyên tắc nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã thông qua và đáng ra cần được bảo vệ thay vì trấn áp.
‘Đủ thứ chuyện buồn’
Vụ tự thiêu này xảy ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử bà Tần cùng hai cây viết blog khác trong Câu lạc bộ nhà báo Tự do là Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (tức Anhbasaigon) dự kiến vào ngày 7/8 tới.
Bà Tú cho biết trong vòng 1 giờ đồng hồ sau khi nhập viện, nhà thương Bạc Liêu đã quyết định chuyển bà Liêng lên Chợ Rẫy.
“Mới tức thời đây quày về thì nói là đã qua đời,” bà Tú nói trong nước mắt.
Bà nói trong gia đình không ai biết gì về ý định tự thiêu của bà Liêng dù gần đây bà có ‘đủ thứ chuyện buồn’.
Khi công an phường đến báo thì anh bà Tú được vào thăm mẹ ở bệnh viện, bà Tú nói và cho biết mẹ bà đã tự thiêu trước ‘trung tâm ủy ban’.
Theo lời người anh mô tả lại thì bà Liêng bị phỏng nặng đến 90% và trong tình trạng hôn mê.
“Gần đây (mẹ) cũng có tâm sự là thưa gửi không ai giải quyết,” bà Tú nói, “Con cái lại bị vậy nữa nên buồn.”
Theo bà Tú thì mẹ bà buồn bực một phần vì chuyện của Tạ Phong Tần, một phần vì tranh chấp đất đai nhà cửa.
“Đi thưa thì không ai giải quyết,” bà nói, “Họ chỉ xuống đo đạc chút đỉnh rồi nín thinh chứ không giải quyết gì hết.”
BBC cũng đã liên lạc luật sư Lê Quốc Quân, người đã thông báo thông tin bà Liêng tự thiêu trên trang mạng xã hội Facebook của ông thì cũng được ông xác nhận tin này.
Ông cho biết ông biết tin này qua hai người cha xứ thân cận với Tạ Phong Tần.
Theo ông Quân thì bà Liêng đã được đưa lên nhà thương Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đã được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Bạc Liêu. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình của bà Liêng ‘có thể là rất nặng’, theo lời ông Quân.
Ông Quân cho biết theo như ông được kể lại thì trong mấy ngày qua bà Liêng thể hiện thái độ rât buồn bực vì đã gần đến ngày xử bà Tạ Phong Tần mà bà vẫn chưa được gặp mặt con gái.
Tuy nhiên, ngoài các nguồn tin trên, cho đến chiều ngày thứ Hai, BBC còn tiếp tục phải tìm hiểu thêm về vụ việc, nhất là câu hỏi có đúng đây là một vụ để tỏ thái độ với chính quyền hay không.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

CHUYỆN PHI CÔNG TRẺ, MÁY BAY BÀ GIÀ


26/7/2012




Câu chuyện dưới đây viết lâu rồi tôi cũng đã quên. Vậy mà nó trở lại khi anh bạn tôi nhắc nhở sau cú điện thoại của tôi thăm hỏi anh và gia đình nhân dịp sắp đến ngày "của anh": 27/7-ngày Thương binh liệt sỹ.
Thôi thì post chuyện cũ thay cho những gì muốn nói hôm nay vì đôi khi chuyện cũ của nhiều năm trước đến nay hình như chưa cũ.


 

                                                                      “…Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”


Khi dan díu với một phụ nữ hơn mình quá nhiều tuổi thì rõ chả hay hớm gì. Nhưng nếu đó là tình yêu đích thực thì lại là chuyện khác.
Theo giấy khai sinh, thiếu đúng 10 ngày thì em chào đời trước tôi 10 năm. Nói trắng phớ ra như mấy thằng bạn khôn ngoan là “khi cụ ý lên học cấp II thì mày vẫn phải quấn tã và ngậm ti mẹ”. Chúng dùng “ bộc phá” mạnh như vậy cốt là để “đánh sập” tình cảm của tôi với em. Nhưng lối đánh công kiên như vậy không dễ làm nhụt chí của tôi vì tôi có “gien” giống bố.
Ông cụ tôi là người vô thần, bởi ông là đảng viên cộng sản năm 45. Cụ không tin có Thần, Phật hoặc Chúa Trời. Những dịp nhà có giỗ tết, khi cỗ bàn, hương khói đã tươm tất mẹ tôi giục: “Bố nó khấn xin các cụ để hạ mâm cho các con nó ăn cơm đi” thì bố miễn cưỡng chắp tay, đứng trước hai bức truyền thần ông bà nội tôi treo trên vách và xuỵt xoạt rất chiếu lệ. Bố là người yêu quý ông bà nội nhưng tin tưởng ở ông râu xồm và ông hói đầu hơn. Đó là lý tưởng của cụ.
Tôi là lớp người khác, phép biện chứng của ông râu xồm cho tôi thấy triết thuyết đó nghe kêu boong boong rất hay nhưng thực tế những gì đệ tử của ông đem lại là niêu đất vỡ cho đại bộ phận giai cấp của ông và chỉ có một số những kẻ cơ hội trong cái giai cấp thất học ấy trèo lên cổ đồng chí mình  và trở thành các ông trùm tư bản đời mới nhưng suy đồi hơn về phẩm chất đạo đức và kém cỏi hơn về văn hóa làm người.
Tuy nhiên, tư duy một thời của bố truyền vào máu tôi nên dù ít dù nhiều tôi vẫn thường ngờ vực tình cảm của tôi một cách…biện chứng để chống lại chủ thuyết cho rằng “mọi việc” là tại số.
Trở lại chuyện của tôi. Dù hôm nay không là hôm qua, dù đã xa nhưng tôi vẫn cảm ơn Giời đã cho tôi những ngày ở bên em.
Buổi đầu, không, đúng ra là ngày đầu tiên biết nhau, tình cảnh của hai chúng tôi hơi bị éo le chứ không như các cuộc tình mộng thị mơ khác.
Lần đó tôi được em…cầm chân thay vì cầm tay. Về sau, em có nói lại là khi đánh lái sang phía phải để tránh một chiếc taxi chạy ẩu ngược chiều chợt thấy chiếc xe bị kênh lên phía ghế phụ và nghe tiếng xe máy đổ rầm một cái thì biết ngay là mình đã chẹt vào ai đó. Em vội nhảy xuống và thấy ngay tôi đang nằm sóng xoài dưới đất, một chân bị kẹt dưới bánh ô tô, bánh sau xe máy văng lên hè. Em cầm ống chân tôi lôi ra khỏi gầm xe nhưng không được vì bàn chân vẫn vướng cái lốp. Người đi đường lập tức xúm xít lại đông như kiến nhưng chỉ để xem giống như họ vẫn thường xem chọi gà hoặc cờ tướng ăn tiền. Một người bộ hành và ba bốn thanh niên đang ngồi hàng nước liền xúm vào đẩy chiếc xe tiến lên và lôi tôi lên hè. Em lại cầm chân tôi lần nữa, không giấu nổi vẻ hoảng hốt:
-         Trời ơi, anh đau lắm không, vịn vào vai để tôi đưa anh đi viện nhé?
Lúc đó tuy rất cáu nhưng khi thấy thái độ hoảng hốt của cô ấy tôi thấy dịu hẳn cơn nóng. Tôi thủng thẳng rằng:
-         Không sao, muỗi đốt gỗ thôi mà.
Tôi kéo ống quần cái chân trái bị ô tô cán để lộ một đoạn Inox sáng choang xem nó có bị bẹp ở đâu không. Đó là cái chân giả của tôi.
Một người phì cười rồi y như đám đông bị lây ngáp vậy, mọi người thi nhau cười sằng sặc rồi giải tán.
Sau đó ít ngày, chúng tôi gặp nhau lần thứ 2 và đỡ “kịch tính” hơn lần đầu, tức là giống các cuộc tình trong những cuốn tiểu thuyết lá cải. Cũng có cà phê thơm nồng nàn, cũng có ánh sáng đèn mầu với nhạc du dương. Nhưng thực chất đó đơn giản là một cuộc gặp gỡ thông thường để giải quyết vướng mắc vụ va chạm hôm nào. Nhưng nhưng theo tôi, đó là cuộc gặp gỡ có hậu.
Gia cảnh của em khi đó có một đứa con gái lên 6 và là gái chồng chết khi mới 29. Đến nay đã qua ba mùa chim bay đi tránh rét em vẫn không gần gũi người đàn ông nào. Nghe kể, thấy những kỉ niệm về người chồng của em vẫn cứ như là chuyện của ngày hôm qua. Em kể rằng anh ý đẹp trai, cao như cầu thủ bóng rổ. Khi bạn cơ quan đến nhà chơi hỏi “ông xã đâu” thì em chỏ vào nhà tắm đang phát ra tiếng dội nước ào ào và bảo “ông xã đang rửa xương”. Mọi người ngớ ra, em giải thích rằng “anh ấy cao mét tám nhưng nặng có 53 ký lô thì là rửa xương chứ tắm táp gì ạ”. Ai cũng cười ồ. “Chị chàng nói chuyện có duyên thật”.
Còn tôi kể về những trận đánh đẫm máu trên cao điểm 1030, Si cà lá tại biên giới phía bắc chống Tàu. Rồi chuyện tôi được kết nạp Đảng tại trận địa lúc 23 giờ đêm ngày 29 tháng 5 năm 1984 và bị phi pháo Tàu bắn trúng công sự làm dập nát chân trái ngay trong trận đánh trưa hôm đó ra sao. Trung đội chết hết không còn ai, mình tôi với cái chân nát bấy lê lết trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh về phía chân đồi tìm con suối để uống nước. Những ai bị thương mới biết người bị mất máu khát nước khủng khiếp đến mức nào. May mắn, tôi được đơn vị lên chi viện thuộc BB83 cáng về hậu cứ khi đang mê man bất tỉnh. Lần đó thần chết chê tôi chưa đủ tuổi. Chả hiểu chuyện tôi lộ cộ như thế mà bỗng dưng bất giác em cầm hai bàn tay tôi vuốt ve nhẹ nhàng trong những ngón tay mềm ấm. Chỉ tiếc là trong đôi mắt của em, tôi đọc được vẻ bao dung thương cảm chứ không phải âu yếm. Có lẽ tôi bị sét đánh từ giờ phút đó. Biết nói sao khi giai mới hai mươi ba tuổi, thèm khát yêu và vòng tay của một người phụ nữ, huống chi em là người phụ nữ rất đẹp (dẫu đã từng có chồng). Đột nhiên cái hôn đầu tiên trong đời tôi lại đặt lên những ngón tay dịu dàng ấy. Tôi chỉ dám thế…Em gỡ tay ra nhưng lại vuốt tóc tôi, xoa nhẹ lên môi như cố tình để tôi hôn lên những ngón tay thon của em.
Về sau khi kể về đoạn đời đã qua của em không biết sao tự nhiên tôi thấy buồn và hình như ghen bóng ghen gió với người đã khuất. Thật là vô lối.
Từ đó, lộ trình thường nhật của tôi trước khi đi làm hoặc chiều về lại qua dãy phố có hàng cây sao cao lớn. Nơi đó có ngôi nhà của em. Đó là một lộ trình vòng vèo rất mua đường.
Con gái nàng quấn tôi. Hai chú cháu thật sự thân nhau. Em bảo
-         Cái Bông nhớn tôi sẽ gả cho anh đó. Anh chờ được không nào.
-         Tôi chờ hai mẹ con.
-         Anh nói nghiêm túc đi
-         Tôi là lính mà, chị thấy tôi không có đùa.
Tôi rất cáu vì câu tếu táo ấy của em nhưng đó cũng là cơ hội để tôi nói một cách nghiêm túc, ngầm bày tỏ lòng mình. Một câu nói đáng lẽ như bây giờ người ta dễ dàng nói “anh yêu em”.
Mất một thời gian khá lâu, chúng tôi chỉ có thể nói trống không với nhau. Điều đó cản trở tôi có thể gần gũi em hơn và có lẽ người ấy cũng vậy. Hóa ra chuyện xưng hô ban đầu thật là phức tạp và quan trọng, đôi khi nó quyết định cả một số phận. Chúng tôi hiểu những gì xảy ra qua ánh mắt nhau nhưng thật khó khăn mở lời. Đã lâu mà tình cảm của hai đứa không tiến triển gì hơn.
Chỉ khi một lần bé Bông vắng nhà, em vòng tay ôm tôi từ phía sau thì mọi chuyện lập tức ngoặt sang một phía khác. Trong gian bếp chật hẹp toàn mùi hành tỏi chúng tôi hôn nhau thật lâu. Tôi ngủ lại nhà em và đêm đó là lần ái ân đầu tiên của tôi với một người phụ nữ. Sau lần đó, chúng tôi như con nghiện vật thuốc, tuần nào không gặp nhau không chịu nổi.
Điều khó hiểu là em thích nói chuyện xã hội, chuyện công việc hơn là nói về chuyện của hai đứa. Em luôn lảng tránh khi tôi nói về tương lai.
Một lần khi tôi ngỏ lời yêu thì em lặng thinh, kéo tôi vào lòng hết vò mái tóc rồi nhìn sâu vào mắt tôi hồi lâu.
-         Chúng ta không sống cùng nhau được, anh hiểu không. Lấy nhau, chúng ta không có hạnh phúc đâu.
-         Em yêu anh, đúng không nào, còn anh, em là mối tình đầu của anh. Anh yêu em và anh sẽ làm cho em hạnh phúc, anh hứa đấy. Bông sẽ là con anh, anh cũng yêu quý nó như nó quý mến anh.
-         Anh còn trẻ lắm. Thời gian sẽ làm cho anh thay đổi, anh phải hiểu em. Em yêu anh lắm và em không muốn mất tình yêu này, vì vậy nếu để còn là của nhau anh hãy đừng gặp em nữa vì ở bên nhau hàng ngày chúng mình không thể đem lại những điều tốt đẹp cho nhau đâu, em biết mà, về chuyện này em hiểu hơn anh…
Mãi về sau này tôi mới thấy em có lý. Khi đã lấy vợ tôi đã nhìn thấy, đã khám phá những lối đi bí ẩn ngoắt ngoéo, oái oăm của tình yêu trong hôn nhân.
Lời của người viết.
Tôi đã có lần được anh bạn này dẫn đến chơi nhà “người ấy”. Chị vẫn ở với cô con gái tên Bông. Nay cháu đang học năm cuối Học viện ngoại giao. Có lẽ cô bé giống bố hơn và lấy được ở mẹ nét đẹp của đôi mắt. Nói thật tình, kể cả khi còn trẻ, trừ đôi mắt ra, chắc chị cũng không được…xinh gái lắm. Tuy nhiên, khi chuyện trò, tôi cảm nhận được ở chị một người đàn bà tốt bụng và đầy nghị lực.


Mai Xuân Dũng

NHẮN ÔNG PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN VÀ BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN



25/7/2012

             Nguyễn Văn Khải-Ông già Ôzôn
(Tác giả gửi trực tiếp cho Blog Mai Xuân Dũng)

Mấy ngày hôm nay,trên  các phương tiện thông tin đại chúng quốc doanh thông báo rất nhiều các cuộc viếng thăm,trao quà tình nghĩa của các tổ chức nhà nước,các cán bộ cao cấp của Chính phủ đối với các thương binh,gia đình liệt sĩ.
Theo baodientu.chinhphu.vn thì hiện nay ở Việt Nam có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Hiện còn 1,47 triệu đối tượng người có công đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước với mức trợ cấp được điều chỉnh phù hợp trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội.Hẳn rằng những ví dụ điển hình mà người ta thấy được trên màn ảnh nhỏ hay trên các bài báo chỉ chiếm tỉ lệ vô cùng ít so với thực tế.Số tiền và quà trao cho họ trong mỗi dịp kỉ niệm 27-7 cũng như số tiền trợ cấp hàng tháng cho họ là rất lớn.Nếu lo được đủ cho mọi người có công như vậy,nhà nước phải làm việc rất  vất vả và thật sự là việc làm rất đáng kính trọng.
Nhưng HIỆN NAY chính phủ đang quan tâm đến các đối tượng nào?
Ngày 10/7/2012, Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc thông qua hôm thứ Ba ngày 10/7 tại Hà Nội cho khoảng thời gian 5 năm tới Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc sẽ tổ chức các hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức và địa phương Trung Quốc đã từng giúp đỡ Việt Nam – đây là một trong những chương trình hành động chính mà Hội này đã xác định trong thời gian tới. Hội nghị do ông PTT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. (!) 
Chưa kể những người Trung Quốc đã tham chiến chiếm Hoàng Sa,một số đảo của Trường Sa,cũng như chiến tranh biên giới Việt-Trung từ 1979 hoặc đang xâm lấn biển Đông thì số người Trung Quốc kể từ ngày đánh Pháp,đuổi Nhật đến năm 1979 mà Việt Nam cần phải “TRI ÂN” là khá lớn.
Đã nhiều năm,cứ mỗi lần đến 27-07 là tôi lại mừng mừng lo lo.Mừng vì được gặp lại các chiến hữu của thời thanh niên.Lo vì sẽ phải đi khá nhiều nơi mà sức thì có hạn. 
Ngày 23-07-2012   vào lúc 3giờ 9phút có mấy người nông dân ở Miền núi phía Bắc đội mưa tới nhà tôi xin nước Anolit chữa bệnh cho mình và cho mọi  người.Có một bà nói như ngọng vì đau miệng đã 5 năm,đi chữa rất nhiều bệnh viện mà không khỏi,sau bốn giờ liên tục ngậm nước Anolit đã nói chuyện rất rõ ràng với tôi: “gia đình vừa nộp cho xã nhân ngày thương binh liệt sĩ 200 nghìn đồng vì có đầu kéo công-nông;các hộ nông dân khác 50 nghìn,hộ nào có xe con thì từ 500-1 triệu đồng,hộ bán vàng thì 10 triệu đồng”. 
Qua báo chí ai cũng có thể thấy được tiền cấp cho những người thuộc diện chính sách đã bị xà xẻo như thế nào.Tôi mong rằng không có chuyện tiền dân nộp cho thương binh liệt sĩ được dùng để tổ chức các buổi mít tinh,liên hoan,những chuyến đi quay lại cội nguồn vân vân rất lãng phí. 
Khoảng hai tuần trước xem HTV1,thấy mấy cháu thanh niên tình nguyện thuộc Thành Đoàn Hà Nội đi viếng mộ liệt sĩ ở Quảng trị, đã khóc và hứa sẽ noi gương những người đã khuất.Thế nhưng ngay ở số nhà 26 phố Hội Vũ,Hà Nội có một thương binh tên là Nguyễn Trọng Thông từng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” đã nằm liệt giường mấy tháng rồi.Khi không có người,chuột trèo lên giường cắn chảy máu bàn chân của ông.Do hai chân bị liệt nên ông không hay biết chuyện này.Phía trước mắt ông,trên tường là ảnh thiếu tướng Đoàn Phụng-cựu tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh quân khu Thủ đô.Cũng trong ảnh đó,có ảnh của anh cả Nguyễn Trọng Trình( thương binh đã mất),anh trai Nguyễn Chiến Thắng (giải phóng quân B2),và các em trai đều là bộ đội Nguyễn Trọng Thái,Nguyễn Tiến Bình,Nguyễn Cao Sự,Nguyễn Trọng Chương và ông.Không hiểu Hội cựu chiến binh,cán bộ thương binh xã hội của phường tại sao lại không đến dù là an ủi ông vài câu.Ông Nguyễn Trọng Thông là con trai của em gái mẹ tôi cũng đã từng ở Đoàn thương binh điều dưỡng 869 Hà Nội cùng tôi cuối năm 1973.
  Mấy hôm nay trời mưa dầm dề,tôi đang cố bàn với mọi người giúp đỡ bà Nguyễn Thị Nhung ở trong căn phòng 8m  số 12,lô C,khu tập thể Công ty thuốc lá Thăng Long,đường Nguyễn Trãi,Hà Nội.Đã từ lâu cái mái nhà bằng tôn cũ nhặt ở đống rác về đã bị thủng nhiều.Có khi phải dùng tới 4 cái chậu để hứng nước mưa dột từ trên mái xuống.Chồng bà là ông Nguyễn Công Chức,cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của E28,hi sinh tại Atôphơ-Lào ngày 27-01-1971.Ngoài 876.000đồng tiêu chuẩn vợ liệt sĩ,bà còn có tiền hưu của công nhân.Số tiền này chỉ đủ để sống qua ngày mà không đủ để làm lại mái nhà vì khi sửa mái còn động chạm đến các nhà xung quanh.Nghe nói từ mấy năm trước,ở phường,người ta đã có phương án làm lại mái nhà cho bà nhưng các lỗ thủng trên mái ngày càng to nhưng chưa ai nhắc lại chuyện này.Còn tôi là con trai của em gái của mẹ chị ấy không lấy đâu ra tiền để giúp được chị. Vì dù tôi đã phục vụ trong quân đội 16 năm,từng là Giải phóng quân  Trị Thiên Huế 1972 có đủ giấy tờ từ giấy gọi nhập ngũ cho tới giấy chuyển nghành với quân hàm thiếu tá,tiến sĩ mà vẫn bị mấy “ông sỹ quan nhãi nhép” tuổi không bằng con cháu mình ở quận Hoàn Kiếm-Hà Nội  nhũng nhiễu từ tháng 3-2009 đến nay.Nên tôi vẫn chưa được nhận bất cứ  một đồng trợ cấp nào cũng như các huân,huy chương niên hạn.Xem bài "Ông già ôzôn" bị nhũng nhiễu ở báo nông nghiệp ngày 26/04/2010.Tệ hơn nữa,lãnh đạo Viện Khoa học Công nghệ Quân sự Việt Nam,đơn vị quân đội  tôi công tác cuối cùng biết điều này nhưng không can thiệp-không thực hiện lời thề số 9 của quân đội nhân dân Việt Nam.
  Thật nực cười,cách đây vài tháng có người ở ban liên lạc sư đoàn 304 gọi điện đề nghị tôi lập danh sách các cựu chiến binh thân thiết đã chiến đấu ở Quảng Trị cùng tôi để nhận được huy hiệu kỉ niệm chiến trường Quảng Trị.Tôi gọi cho anh Đường ,anh Thành,anh Tiến,…cựu chiến binh K7 T5 E24 F304 thì mọi người cho biết có người đã có đến hai kỉ niệm chương và phải nộp hai trăm nghìn mỗi cái.Trong khi đó làm một cái huy hiệu ở phố Hàng Bông chỉ mất vài chục nghìn.Ngay hôm nay trong lúc tôi đang viết bài này,anh Long cựu chiến hữu sư 304 đang lấy nước anolit ở nhà tôi để chữa răng cho biết anh cũng chưa có cái huy hiệu ấy và cũng “thôi”.
    Thực tế ở Việt Nam còn rất nhiều người chưa được  tri ân và đền ơn chẳng hạn 14.300 cựu thanh niên xung phong ở Nghệ An chưa được hưởng chế độ-theo baophapluattphcm ngày 17/7/2012.Nhưng lại có rất nhiều kẻ đang dùng thẻ thương binh giả,giấy chứng nhận giả cựu thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.Số lượng bị vạch mặt xem trên báo đã hơn hàng chục nghìn.Điều này chỉ có thể xảy ra vì lối sống của các công chức trong bộ quốc phòng và bộ LĐTBXH chứ không chỉ vì những kẻ trên hám lợi,háo danh,gian dối.
Việc tri ân và đền ơn  cho người Việt Nam còn làm chưa xong,chưa đúng sao lại còn ôm thêm việc TRI ÂN cho ngườiTrung Quốc!
   Ngài Nguyễn Thiện Nhân và bà Phạm Thị Hải Chuyền không hiểu có nghĩ đến những điều đó là vô lý? 


ảnh 1:Ông Nguyễn Trọng Thông cựu dũng sĩ diệt mỹ cấp ưu tú nằm liệt giường.
ảnh2:bà Nguyễn Thị Nhung 73 tuổi,vợ liệt sĩ Chức
ảnh 3:mái tôn của phòng 8m  bà Nhung đang ở bị thủng, dột
ảnh 4:T.s Nguyễn Văn Khải (mặc áo đen) và cựu chiến hữu K7 T5 E24 F304.

Đăng bởi Mai Xuân Dũng

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

KHI NỀN CHÍNH TRỊ SUY ĐỒI


24/7/2012

                     
                                 Năm 2010. Năm "Hữu nghị Việt-Trung"
(VOV) - Đây sẽ là sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước; góp phần tăng cường tin cậy, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển thuận lợi.

                         
                                                                          
Trung quốc luôn luôn và mãi vẫn chỉ là những kẻ hữu nghị bằng mồm. Hành động thực tế là côn đồ: 5 giờ 58 sáng ngày 26.5, trong khi tàu thăm dò Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí VN đang khảo sát địa chấn tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của VN đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của TQ cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” bắc và 111o26’48” đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Tàu cá Việt nam bị đâm chìm, ngư dân Việt nam bị bắt bớ, bị cấm đánh bắt ngay trên biển quê hương của mình. Nhà đương cục Việt nam lên tiếng yếu ớt, lấy lệ. Có lẽ trông chờ con sói động lòng khi thấy đám thỏ khoanh tay cúi đầu chăng?
Và người yêu nước biểu tình tiếp tục bị đàn áp.
                
Nhân dân bức xúc xuống đường biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn. Phía nhà nước Việt nam có những hành động kỳ lạ với nhân dân của mình. Những nhân viên an ninh mặc thường phục cũng như đồng phục đổ vào khu vực xung quanh Đại sứ quán Trung Quốc và niêm phong các tuyến đường xung quanh, người biểu tình bị theo đuổi bởi cảnh sát chống bạo động và hàng ngũ nhân viên an ninh dầy đặc.
                      
Đến một chiếc nón sơn hàng chữ HOÀNG SA-VIỆT NAM cũng bị an ninh giành giật nát bấy
Người ta sợ mấy chữ HOÀNG SA-TRƯỜNG SA vô cùng      
                
                    
Người biểu tình bị bắt bớ giam cầm để "cải tạo giáo dục" cho tiệt lòng yêu nước chăng?                          
                  
Đại úy "Minh đạp" công an Hoàn kiếm với chiến công vang dội khắp thế giới này đã đưa anh lên hàng sỹ quan cao cấp: Thiếu tá.
               
Nhìn rõ gan ruột nhà đương cục Việt nam, Trung quốc yên tâm lấn tới, ngang nhiên cho mời thầu 9 lô dầu khí ngay tại thềm lục địa cuả Việt nam, chỉ cách đất liền Việt nam vài chục cây số.
                              
Người Việt nam yêu nước lại xuống đường biểu tình chống Trung quốc xâm lược      
           Hình ảnh: NÀY, CÔ BIẾT NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG KHÔNG?                
Lần này, nhà đương cục Việt nam buộc phải thay hình đổi dạng. Đèn Xanh đã bật                
                              
Và các cháu áo Xanh được đưa ra tuyến đầu đối mặt với người biểu tình
            
Người biểu tình cũng như những người quan sát khách quan nhận thấy khác với năm 2011, các cuộc biểu tình ngày 1-8 và 22/7 vừa qua "được" nhà đương cục thừa nhận công khai là các cuộc biểu tình yêu nước và "tạo điều kiện" trong một chừng mực có kiểm soát bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ để người dân thể hiện chính kiến, thể hiện quyền công dân mà Hiến pháp quy định.
Tuy đã "bật đèn xanh" cho việc biểu tình nhưng các "tay máy" thừa thãi trơ trẽn và thiếu vắng liêm sỷ này vẫn được lệnh sử dụng các máy quay HD hiện đại dí vào mặt từng người biểu tình lấy tư liệu sẵn sàng phục vụ cho tình huống "chính trị trở cờ".
Bất kỳ một nhà nước nào cũng đều do nhân dân đẻ ra và đóng thuế nuôi dưỡng. Người  mẹ nhân dân có thể có những đứa con  ngoan, có thể có những đứa con hư. Nhưng những đứa con lấy Mẹ mình ra làm con tin, làm các con bài mặc cả cho vị trí quyền lực của mình chỉ có thể là những đứa con khốn nạn.
Bất cứ thể chế nào lợi dụng lòng yêu nước và khi cần thiết sẵn sàng thóa mạ, cầm tù lòng yêu nước thì ĐÓ LÀ NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA NỀN CHÍNH TRỊ SUY ĐỒI.

Mai Xuân Dũng

THẾ HỆ HÈN NHÁT ???