Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

UNESCO VÀ BIỂU TÌNH

Entry 18/10/2011


Ảnh: Blog Nguuyễn Xuân Diện


Ngày 16/7/1999, tại La paz thủ đô Bolivia, UNESCO đã trao danh hiệu Thành phố vì hòa bình cho 5 thành phố trên thế giới trong đó có thành phố Hà nội. Lẽ đương nhiên, danh hiệu đó là cao quý, danh hiệu đó là niềm tự hào của thành phố được UNESCO trao danh hiệu và cũng là niềm vinh dự của quốc gia.
Lời mở đầu của Công ước UNESCO nói rằng: “Chiến tranh nảy sinh trong đầu óc con người, vậy ngay trong đầu óc con người cần phải xây dựng thành trì của hoà bình”, và rằng: “ Một nền hoà bình chỉ xây dựng trên các hiệp định kinh tế và chính trị giữa các chính phủ không thể nào giành được sự ủng hộ nhất trí lâu dài và chân thành của các dân tộc, vì vậy nền hoà bình ấy phải được thiết lập trên cơ sở đoàn kết trí tuệ và tinh thần của nhân loại.”
Rõ ràng Công ước UNESCO xác quyết tính THỰC TIỄN của nền hòa bình trên cơ sở các hoạt động, các biểu hiện thực tế của đời sống chính trị của thành phố đó.
Sau 12 năm kể từ ngày được vinh dự nhận danh hiệu cao quý đó, thành phố Hà nội ngày nay có còn xứng đáng là Thành phố vì hòa bình nữa không?
Ở trung tâm thành phố Hà nội, Thành phố Vì hòa bình mà người dân biểu tình thể hiện ý chí bảo vệ Tổ quốc trước các hành động gây hấn của Trung quốc lại bị bắt bớ, đánh đập, đạp vào mặt.
Một thành phố Vì hòa bình mà người dân mang cờ Tổ quốc bị người ta cướp giật.
Một thành phố Vì hòa bình mà người dân mang nón ghi Hoàng sa-Việt nam bị người ta giằng xé, bắt giam.
Một thành phố Vì hòa bình mà người dân đi dạo quanh bờ hồ cũng cần lòng dũng cảm trước các đe dọa về an ninh thân thể.
Điều mỉa mai, cay đắng nhất là sự đe dọa bất an ấy không đến từ bọn côn đồ lưu manh đường phố mà đến từ chính những kẻ mặc áo công an, an ninh, hoặc các lực lượng được chính quyền Hà nội huy động.
Chỉ có hai cách giải thích: Một là danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESCO đang bị chính quyền Hà nội dẫm đạp lên. Hai là danh hiệu đó UNESCO cần trao lại cho những người biểu tình chống chiến tranh, đe dọa chiến tranh xâm lược Việt nam bởi nhà cầm quyền Trung quốc.
Mai Xuân Dũng

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

"...AI TRÊN ĐỜI CHẲNG UỐNG RƯỢU...)


Entry 02/5/2011



Lập thu qua lâu lâu rồi mà đến tận tối qua mới thấy thật sự thu về. Đã khuya, thả bộ trên phố Bà Triệu ngát hương hoa sữa và tiết trời man mát se làn da khô, tự nhiên thấy lòng chùng xuống yếu mềm. Nghe đâu đó từ ban công nhà ai vọng xuống tiếng ghi ta tỉa tót “Hà nội mùa này, trời không có nắng, phố vắng nghiêng nghiêng hàng cây khô, quán cóc liêu xiêu một câu thơ, hồ Tây…hồ Tây tím mờ…”  và chợt thèm…vài ly rượu đế cho đỡ lạnh lòng.
Nói vậy thôi chứ khi ngoặt lại Nguyễn Du vòng ra phố Huế làm cuốc xe ôm lên cuối Hàng Vải đâm sầm phố Phùng Hưng ngồi lại quán rượu vỉa hè…hết hứng bởi quán không có rượu ngang (dù có nút lá chuối hay không). Nhưng trót mời xe ôm rồi, thôi kệ, kêu đại món tủy bò hầm đuôi với chai Linh chi tiên tửu (hàng đểu là cái chắc) cho bõ công lọ mọ.
Hai kẻ đối ẩm lặng lẽ nâng ly keng nhẹ phát rồi lặng lẽ thả lòng đi hoang vu xa đâu đó. Bên kia hè, dưới gốc bằng lăng, một đôi trẻ rúc vào vai nhau khúc khích. Quán bia đêm, một nhóm zai vừa nhậu vừa vỗ ghế nhịp theo nhạc chế: “ ai trên đời chẳng uống rượu, mà đã uống rượu là phải say…Ai trên đời chẳng sợ vợ, mà chẳng sợ vợ thì sợ ai…  
…Đêm mắc màn ngủ với vợ, nghe đi (đĩ ?) rủ thì lại đi, vợ mà nói năng chi đây thì cho một đạp, đây là cho một đạp, vợ là vợ mà ta là ta…”. Mẹ kiếp, hát với hò.
Lại bài khác. Anh cho em tiền đô.
 “Anh cho em tiền đô, tiền đô để sắm đồ, tiền đô mà chơi phố, tiền đô thơm thấy mồ, tiền đô tiêu cho cố, cho đến ngày còn xương khô…”
Đang buồn…diều diệu mà chợt phì cười vì cái lý rích kỳ lạ ý. Tuổi trẻ có khác, bao giờ họ cũng tìm được cớ để cười nghiêng ngả và để…rúc vào vai nhau.


Thằng cu vỗ ghế kia là giám đốc công ty World  Stationery có hai chục nhân viên xinh gái, đẹp zai thầu đổ hàng cho bốn chục văn phòng xịn chứ đâu phải giống vô công, không nghiệp đâu. Nó bỏ học ngay năm đầu trường Kinh tế Quốc dân vì chán thầy và buồn nôn vì triết học Mac-Lê.
Thằng đeo cái giây vàng tổ chảng đang gân cổ hát kia là trưởng “chi nhánh tín dụng”…đường phố, nghĩa là cho vay nặng lãi và cầm đồ khu An Dương. Ba thằng “đồng phục” Dolce&Gabbana kia thì không biết mặt.
Thật lòng mà nói, không ưa gì món nhạc chế nhưng không hiểu sao vẫn phải lắng nghe mới lạ. Có lẽ bởi nó là một phần của thành phố, một thủ đô có cả tiếng dương cầm “trong lâu đài” cổ và nhạc chế đêm đêm hàng bia đầu phố nhỏ.
Phố đêm quán xá nào cũng đông. Chẳng phải người ta đi Ăn, chẳng phải người ta đi Uống. Như Trang Hạ viết “Đường cong của bia” để bắt giò những bia thủ hảo ngọt cũng như trước đây Canh Thân sáng tác “Cô hàng cà phê” mà lời nhạc chẳng có tý nào dính dáng đến cà phê cà pháo.
Có lẽ ai cũng thế chăng, ngồi quán chỉ vì một cái gì đó, đâu liên quan đến món tủy bò hầm đuôi như đêm nay, cái liên quan họa chăng chỉ là một chút heo heo lạnh thoáng trong gió mùi hoa sữa thôi.
Hai tửu đồ ngẫu nhiên cũng đến lúc ra về. Tính tiền, cô bé chạy bàn “Thưa chú, của chú hết hai trăm hai ạ”. Lại một cái cớ để đến quán này chứ không phải là quán khác vào một đêm nào đó bỗng nổi hứng lang thang để vấn vương lòng thoảng hoa sữa bay trong gió và tiếng đàn đêm “ Hà nội mùa này…”
Mai Xuân Dũng
Cô Hàng Cà Phê
Sáng tác: Canh Thân
1.
Ở chợ Dầu có hàng cà-phê,
Có một cô nàng be bé xinh xinh.
Cô hay cười hồn xuân phơi-phới,
Cứ xem dáng ngươì mới chừng đôi mươi.
Làn thu ba cô liếc nghiêng thành,
Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình.
Làm say mê bao gã thiếu-niên đa tình,
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô.
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Cho hay cái sắc khuynh thành,
Làm cho nhiều chàng chết mê mệt.
Đi đâu cũng ghé qua hàng,
Mong trông thấy bóng cô nàng,
Thì trong lòng chàng mới yên.
Hôm nao dưới bóng ánh trăng mờ,
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào,
Trông cô dón dén ra vào,
Đôi môi thắm cánh hoa đào,
Lòng tôi rạt rào muốn xiêu.
2:
Một chàng trai dáng người hiên ngang,
Đến tự phương nào trong gió đông sang.
Khách bên đường vì cô lưu-luyến,
Đã bao tháng trường ước được nên duyên.
Chàng yêu cô vô bến vô bờ,
Mà sao cô cô vẫn cứ hững hờ.
Buồn cho anh yêu quá hóa như điên rồ,
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma.
Vô duyên cái túi không tiền,
Anh mua chuốc lấy ưu phiền,
Rồi đến một ngày ốm la-liệt.
Không sao lê bước đến hàng,
Anh mong bóng dáng cô nàng,
Hiện đến dịu dàng với anh.
Thương thấy lữ khách bên đường,
Cô mang thuốc đến cho chàng,
Ngờ đâu con người trước bao hiên-ngang,
Lim-dim khóe mắt hoe vàng,
Anh đi sắp đến thiên-đàng,
Vừa lúc cô hàng biết yêu.
Giờ đây đã mấy năm qua,
Có lúc mơ về đường xa,
Tôi nhớ những đêm trăng tà,
Cô hàng với bàn tay ngà.