Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

BAO GIỜ CÓ "LỄ CẮT BÌ" ?

Entry 30/7/11
Name:  a.jpg
Views: 1444
Size:  51.2 KB
Trong các căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ, nhân loại lo lắng mất ăn mất ngủ về nan y Suy giảm miễn dịch, ở Việt nam quen gọi là “ết” hoặc “si đa”.
Ai mắc căn bệnh này, người đó coi như đã bị tuyên án tử hình.
Thế giới đã không ngừng tìm tòi phương cách chống trả nó. Đến nay các nhà khoa học đã có những thành tựu được ghi nhận như tạo ra vắc xin phòng ngừa, thuốc điều trị nhằm kéo dài sự sống cho người mắc bệnh nhưng chưa thể tiêu diệt được “con ma” HIV.
Một trong những biện pháp phòng ngừa mới đây được thế giới ghi nhận là liệu pháp cắt bao quy đầu.
Ngày thứ Tư (20/7/2011) vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về Sida tại Roma, một tin vui đã được thông báo : việc cắt bao quy đầu ở đàn ông có thể làm giảm đến một nửa nguy cơ mắc bệnh Sida.
Bao da quy đầu là một cấu trúc bọc bên ngoài của cơ quan sinh dục nam và nữ. Đây là nếp gấp da trên phần cuối dương vật và bao quanh âm vật. Mặt trong lớp da này có những tuyến tiết ra dung dịch chất nhờn mà khi tích tụ tạo ra một lớp chất bợn trắng đục rất dễ nhiễm khuẩn. Thủ thuật cắt bao quy đầu (circumcision) là để cắt bỏ lớp da này đi khiến cho đầu dương vật hoặc âm vật lộ ra. Đây là giải phẫu duy nhất được nhắc đến trong Thánh Kinh.  Trong Cựu Ước, thủ thuật này là cắt việc bỏ cái bì phía trước ở dương vật của người nam, biểu hiện của sự ô uế (Phục truyền luật lệ ký 10:16; Giê-rê-mi 4:4), về sau việc này trở nên một giáo điều trong các tôn giáo như Hồi giáo, Do thái giáo, Chính thống giáo và phổ biến ở Trung đông, Phi châu, thậm chí cả ở Mỹ.
Việc cắt da bao quy đầu đã có một lịch sử tới 5-6 nghìn năm với các bằng chứng rõ ràng qua công bố của giới khảo cổ Quốc tế. Người tiền sử đã có tục cắt da quy đầu cho các bé trai và nhiều bộ tộc châu Phi cắt bao da cho cả các bé gái và tục lệ đó có đến tận bây giờ. Tuy nhiên việc cắt da bao quy đầu ở các bé trai là phổ biến hơn cả.
Điều đó đặt ra một câu hỏi là con người từ xa xưa làm việc này có mang tính y học hay đơn thuần chỉ mang tính tôn giáo ? Đó là một câu hỏi lớn chưa có sự giải đáp chính thức và thỏa đáng nhưng có thể nói rằng: liệu pháp đó phải có căn cứ và được sự ủng hộ của số đông hoặc số ít người (nhưng) có quyền lực.
Căn bệnh suy giảm miễn dịch ở Việt nam chưa hoành hành ghê gớm như ở một số nước châu Phi nhưng căn bệnh suy thoái đạo đức lối sống ở “một bộ phận cán bộ đảng viên” và con em của họ thì thật sự đã lan rộng và trở thành căn bệnh trầm kha.
 Căn bệnh SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC biểu hiện đầu tiên là THAM NHŨNG.
Muốn có chức có quyền bước đi đầu tiên phải là: được vào đảng.
Viêt nam có số lượng đảng viên chưa tới 10% dân số nhưng đây là bộ phận có chức có quyền tạo nên tham nhũng với vô vàn mưu ma chước quỷ để thăng tiến bất chấp dư luận xã hội, sản sinh ra vô số kẻ thừa tiền ăn chơi thác loạn làm băng hoại đạo đức xã hội trong khi đại bộ phận dân chúng kiếm sống rất chật vật nghèo khổ.
Trong khi đầu tư nước ngoài và các nguồn của cải vật chất trong nước không tạo nên sự cải thiện thật sự cho đời sống nhân dân thì các cán bộ đảng đã nhanh tay vơ vét để làm giàu cho cá nhân, gia đình mình.
Cách đây vài năm báo chí trong nước nói về những cán bộ cao cấp trong đảng “cưỡi 1 nghìn con trâu” đến công sở hoặc đi du hý để nói về những chiếc xe hơi của họ thì nay “cưỡi 1 nghìn con trâu” là chuyện nhỏ. Các đảng viên “ưu tú” mua cho con cái họ những chiếc xe hơi Rollroy giá nhiều nghìn con trâu và tổ chức những bữa tiệc sinh nhật bạc tỷ trong khi rất nhiều người dân lao động quần quật cả đời mà cơm không đủ no, con cái nheo nhóc không có tiền thuốc thang chữa bệnh.
Năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt nam ở vị trí thứ 116/178 trong thứ hạng về tham nhũng.
Đảng CS Việt nam thừa biết tham nhũng sẽ đục nát cơ cấu nhà nước, phá hoại niềm tin vốn đã xuống rất thấp trong nhân dân, khơi dậy ngọn lửa bất mãn, chống đối trong xã hội đe dọa sự tồn vong của chế độ nên cũng đã có những động thái kìm hãm cơn sóng thần tham nhũng.
Tuy nhiên đại bộ phận tham nhũng là những người có chức quyền, là đảng viên, vậy chống tham nhũng là chống cái bộ phận “tiên phong” đó là chống đảng. Cán bộ có chức vụ càng cao tham nhũng càng lớn. Trong kì họp Quốc hội khóa 13 vừa qua, ông Trương Tấn Sang, tân chủ tịch nước cũng phải thừa nhận việc chống tham nhũng là chưa có hiệu quả. Thực ra, xét về bản chất vấn nạn tham nhũng ở Việt nam, đó là việc nêu ra mà không thể làm được, một bài toán không có lời giải.
Biểu hiện rõ nét nữa của SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC là DỐI TRÁ. Xã hội Việt nam đang sống trong dối trá và lấy dối trá làm kế sách tồn tại. Để tỏ ra dân chủ, đảng bày đặt ra Quốc hội và cho ghi vào Hiến pháp “ là cơ quan quyền lực cao nhất” nhưng ai cũng biết Quốc hội có đại đa số đại biểu là các cán bộ đảng viên và đương nhiên các đại biểu phải tuân theo chỉ đạo của một nhóm người có quyền lực cao nhất trong đảng, quyết định tất cả các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây dư luận xã hội, báo chí đã nêu đích danh nhiều cán bộ cao cấp trong đảng, nhà nước sử dụng bằng giả. Các quan chức này thậm chí dùng tiền ngân sách nhà nước, thực chất là tiền thuế của dân để mua bán bằng cấp, học vị giả để được thăng tiến lên các chức vụ cao hơn trong đảng, trong bộ máy nhà nước.
Các cơ quan truyền thông như đài truyền hình, báo chí của nhà nước lập ra cũng chỉ để tuyên truyền nói tốt cho đảng, nhà nước và nói dối dân về nhiều sai phạm của các cơ quan đảng, nhà nước, bưng bít che dấu các sự kiện Quốc tế và trong nước mà họ cho là “bất lợi” cho đảng.
Các cơ quan truyền thông này rất mập mờ giữa tốt và xấu trong viêc đưa thông tin về các nhân vật như Bin la đen hay Ga đa phi…Trong một thời gian dài, họ che dấu tình hình thực tế mối quan hệ Việt nam –Trung quốc. Không phải vì sự “khôn ngoan” trong “đối sách” với Trung quốc mà vì sự hèn nhát, vì các quyền lợi, chức vụ của họ mà họ đã tìm mọi cách che dấu tình hình thực tế là hiện nay Trung quốc đang ra tay cướp đất, cướp biển của Việt nam. Người ta một mặt chỉ đạo cho công an đàn áp người dân biểu tình biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung quốc gây hấn với Việt nam, một mặt không cho báo chí đưa tin người dân biểu tình, thậm chí xuyên tác sự thật về các cuộc biểu tình là “một nhóm người tụ tập” (TTXVN).
Trong một xã hội mà nói thật đem lại sự mất an toàn thì toàn đảng toàn quân, toàn dân chỉ thấy toàn nói dối. Đau xót thay, việc nói thật đáng ra là một điều bình thường thì ở Việt nam nói thật (được những người có lương tri) coi như là một biểu hiện anh hùng. Mà quả thật ở nước ta việc nói thật là cần rất nhiều dũng khí và sự hy sinh, một ví dụ điển hình là trường hợp của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ.
Có thể nói biểu hiện của căn bệnh SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC còn thể hiện nhiều nữa ở sự vô cảm (trong cán bộ, dân chúng), sự nhẫn tâm, côn đồ của một số cán bộ sỹ quan công an như báo chí các “lề” đăng tin, ảnh như: Cú đạp lịch sử của đại úy an ninh tên Minh vào mặt người biểu tình yêu nước cũng như rất nhiều các trường hợp công an nổ súng vào dân, vào thiếu niên, đánh chết dân lành như dư luận xã hội đã từng biết đến. Liệu quốc nạn SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC có thể chữa trị ?
Nào, các vị quan chức cao cấp của đảng và nhà nước có dám nhìn thẳng vào sự thật này để ngõ hầu tìm được một “liệu pháp hoặc thủ thuật cắt bì” cho xã hội Việt nam không?
MXD



Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

ĐỒNG ĐỘI

Entry 27/7/11
Tôi có thói quen bật TV lên để dỗ ngủ, và thường là những kênh ồn ào. Càng có tiếng động mạnh và đều đều càng dễ ngủ, ngủ sâu. Tôi sống đơn thân nên không sợ thói quen xấu đó làm phiền ai.
Tỉnh lại lúc nửa đêm hoặc quá nửa đêm gì đó vì không gian quanh mình bỗng yên ắng. TV đã tắt. Chỉ có tiếng thở khò khè nhẹ và đứt quãng. Tôi hơi giật mình vì có cả tiếng ho khan của ai đó.
Góc nhà, dưới bàn thờ, một người có lẽ là đàn ông ngồi dựa lưng vào tường đang chú mục vào tôi.
Tôi từng là lính trinh sát không phải hạng yếu bóng vía lắm nên đủ tỉnh táo để nhớ lại rằng trước khi đi ngủ tôi đã khóa cửa. Thế thì y vào nhà bằng cách nào ?
Nhưng tôi không nghĩ y là trộm.
Trước đây nhà tôi cũng một lần bị đột nhập. Lần đó lúc gần sáng tôi xuống tầng dưới uống nước thấy đèn sáng trưng. Đến nơi tôi thấy một thiếu niên chừng 15 ngồi rung đùi nghe nhạc mắt lơ mơ nhìn tôi rồi bỗng giật mình vớ cái bao dứa chạy ra cửa. Tôi tóm lại được, tính lôi vào nhà hỏi chuyện nhưng thấy nó vùng vẫy dữ quá nên quyết định dong ra đồn phường gần đó. Sau, các cậu công an cho biết chú nhóc này bị tâm thần, chuyên lang thang trộm vặt.
Tôi xẵng giọng.
-         Mày là ai, vào nhà tao làm gì?
-         Đừng mày tao thế. Anh mời tôi mà.
-         Đứng lên, thằng dở người, đừng loanh quanh, mày ở đâu vào đây?
-         Anh đi ngủ có đóng cửa sổ đâu. Nhưng đóng cửa thì tôi cũng vào. Lúc chiều anh chẳng cho mời tôi về nhà đó thôi.
Giờ thì tôi linh cảm đây không phải chuyện đùa rồi, không giống cái ca đột nhập lần trước tý nào.  Nhìn kĩ lại, anh này trạc 34, 35 gì đó, mặc quân phục nhầu nhĩ, mặt vàng ệch như sáp, giống như bộ đội bị trúng đạn không ga rô kịp mất máu quá nhiều hoặc từa tựa người đã chết. Tôi hạ giọng.
-         Này, cậu em, dù gì thì cũng không nên đường đột vào nhà tôi như thế này, nhất là lúc đêm hôm. Bây giờ cậu cho tôi biết tôi giúp gì cho cậu được không?
-         Cảm ơn anh. Tôi không cần gì. Tôi chỉ muốn nói chuyện với anh thôi. Với lại tôi còn hơn anh 4 tuổi nữa kia. Năm bảy hai anh nhập ngũ tôi đã có 3 tuổi quân rồi. Năm tám tư anh tái ngũ, lên Vị Xuyên thì tôi đang chỉ huy 3 đại đội của trung đoàn 876 đánh nhau với Tàu ở Thanh thủy. Anh còn nhớ trạm cứu thương 509 không?
Lướt qua trong tôi là những kỷ niệm ở Hà Giang, những lần đột kích trinh sát cao điểm Núi nhỏ, Đồi ma, hang Tà khao, lần đấu súng đỏ nòng ở đỉnh Bê núi Bạc gần biên giới Trung quốc… Rồi tôi bị thương đưa về tuyến sau.
Vậy anh ta là…Tôi vẫn chưa nghĩ ra.
-         Như thế là anh biết tôi rồi, nhưng sao tôi không biết anh chứ?
-         Anh có chơi với ai ở phố Bạch mai không?
-         Phố Bạch mai thì nhiều, nhưng những thằng đi lính tôi biết thì còn hai thằng sống, hầu hết đã chết.
-         Tôi người Đồng nhân nhưng chơi toàn bọn phố Bạch mai đây, anh chơi với thằng Luận, cùng ngõ với cái Mai Tây anh nhớ không?
Tôi đến gần anh. Bây giờ anh ta mới từ từ đứng lên. Chúng tôi bắt tay nhau. Từ bàn tay anh truyền vào dọc sống lưng tôi lên đầu, xuống gan bàn chân một cảm giác ớn lạnh, tê buốt như có lần tôi đi câu cá đêm ở hồ Bảy mẫu một ngày đông chí vậy.
Tôi cắn lưỡi nhẹ một cái xem mình tỉnh hay mê.
Thật ra tôi không nhớ anh ấy lắm. Trước đây tôi thuộc biên chế của Sư 313. Lính tái ngũ bọn tôi lên tăng cường chi viện cho các cao điểm biên giới đang vỡ. Anh ấy bên sư 876 chốt ở đây lâu rồi. Lính Hà nội ở đâu cũng “ngửi” thấy mùi nhau. Không máu thịt như lính Hải phòng, lính Hà nội chơi với nhau theo kiểu điềm đạm, lạnh lùng nhưng thật ra cũng sâu lắm...
Bây giờ thì tôi nhớ ra. Ở trạm 509 anh là người gửi tôi tấm ảnh và 10 đồng về cho gia đình ở phố Đồng nhân gần hồ Hai bà. Sau này, phải nằm dưỡng thương quá lâu tôi nhờ thằng bạn về Hà nội gửi ảnh và tiền của anh về cho gia đình. Thời gian trôi qua với rất nhiều sự kiện trong cuộc sống, tôi cũng quên không hỏi lại thằng bạn là đã chuyển những thứ đó về cho gia đình anh chưa.
Vậy chắc anh ta đến hỏi nợ tôi chăng?
Như đọc được suy nghĩ của tôi anh bảo: Không. Với tụi lính chúng mình những chuyện đó nhỏ quá. Rất cảm ơn anh là gia đình tôi nhận được rồi. Đó là tấm ảnh mẹ tôi đem lên Hàng Hòm truyền thần lại làm ảnh bàn thờ của tôi đấy. Linh cảm của tôi hôm gửi anh tấm ảnh là tôi sẽ không về được nữa.
Vậy là anh ấy là người đã chết rồi. Thảo nào cái bắt tay mới giá buốt làm sao. Nhưng lạ lắm, cảm giác bấy giờ của tôi hoàn toàn không mảy may hốt hoảng hay sợ hãi gì hết. Chúng tôi đã từng cận kề với cái chết không ít lần. Hai bàn tay này đã nhiều lần vuốt mắt cho đồng đội ngã xuống. Tệ hơn, bàn tay chúng tôi đã từng phải nhặt những  cánh tay, mảnh đùi, mảnh sọ bấy máu dính với mớ tóc xanh cho những anh em xấu số bị bom xé nát . Chỉ có điều day dứt với chúng tôi, nỗi hoảng sợ với chúng tôi là điều chính chúng tôi tự hỏi mình rằng chúng tôi có phải là những người thực sự đã cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân không? Chúng tôi có thực đã chiến đấu vì những lý tưởng cao đẹp không hay chúng tôi phải nổ súng vì đó là cách duy nhất để chúng tôi giữ mạng sống mình hay chúng tôi đã phục vụ cho một nhóm những người thao túng đất nước vì quyền lợi cá nhân?
Chúng tôi không ganh tỵ với anh em, đồng đội đã chết ở các mặt trận Miền nam, ở Trường sơn… Chúng tôi mừng vì các bạn, các anh ấy được vinh danh nhưng thật không công bằng khi chính chúng tôi chiến đấu với tinh thần quyết tử thật sự để bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc với kẻ thù truyền kiếp nhưng bị họ, những người đã ra lệnh cho chúng tôi bỏ mẹ cha, vợ con ra mặt trận ngoảnh mặt mấy chục năm nay. Máu của chúng tôi là nước lã sông Bằng giang chăng?
-         Vậy đêm nay anh đến…?
-         Vâng, chiều qua 26/7 anh thắp hương cho chúng ta, cho cả tôi. Tôi không cảm ơn anh đâu. Lính chúng ta không quen cảm ơn theo thói quen, không thắp hương theo nghi lễ cho người khác trông thấy..
-         Chỉ vì thế thôi sao?
-         Vâng, tôi cô đơn. Tôi tìm đến anh vì muốn tìm đến với đồng đội.
…………………………………..
Ánh sáng của một ngày 27/7 chiếu vào khe cửa sổ. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn lên bàn thờ. Bên bát hương gia tiên là một bát hương nhỏ tôi dành cho đồng đội nhưng nay đã nguội lạnh. Đây có phải là một giấc mơ không? Tôi lặng lẽ tìm bao diêm không rõ đang nằm ở chỗ nào.
MXD

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

CƠM và NỘM...


Entry 25/7/11
Trên bàn ăn (hoặc mâm cơm) thường ngày, cơm không được tính là một món dù rằng không thể thiếu cơm. Mấy anh ốm bệnh thường xơi cháo hoặc phở cho nhẹ bụng, nặng hơn thì mút sữa nhưng hễ ngóc được đầu lên là quay lại xơi cơm.
Đó là cái dẫn nhập khập khiễng cho việc các bác hưu trí nhà ta có thói quen “gác” đài VTV1 theo dõi bản tin thời sự.
Trên cái “mâm” thông tin truyền hình cáp mấy chục “món” thường nhật của đám trẻ, món VTV1, không bao giờ được xét trừ trường hợp có chương trình phim Hàn quốc. Còn các “ông chủ” (nghĩa là 6,7 chục triệu dân lành như cừu) bây giờ tỉnh mê nên cũng không khoái “món” này lắm, đơn giản vì từ lâu nó không còn là “cơm” mà có lẽ là…ngô sao đó, vì cứ đến mục thời sự, nhất là thời sự quốc tế thấy rõ “món” này có mùi…ngô, dù rằng không phải lúc nào nhà đài cũng bê nguyên xi mấy món xào CCCTV của nước Ngô vào chương trình.
Tuy nhiên VTV cũng có các khán thính trung thành, đó là là các bậc “tiên phong” và nô bộc của họ vì họ là những người quản lý. Nó còn có các “phan” hâm mộ nữa kìa. Trong đó đương nhiên phải kể là các “nguyên lão viện”. Các bác xơi món nớ thường xuyên. Phải thôi, chẳng lẽ từng đường đường là cán bộ nhà nác mà cứ chăm chăm xem YAN TV để cho mấy con nhỏ hát thì ít mà tốc váy vào mặt thì nhiều sao ? với lại, dù khô hay nát bấy nhưng đã từng được (bị ?) xơi mấy chục năm ròng nay đã thành thói quen đâu dễ bỏ.
Vậy nên, chiều nay, sang hàng xóm lại thấy các “nguyên lão viện” quây quần bên chiếc TV Sony xem VTV1 tường thuật phiên họp Quốc hội khóa 13 để rồi cùng nhau “bình” cái chuyện “người nhớn” quốc gia đại sự.
Ngó vào đúng lúc thấy chiếu cảnh anh Trương đang có diễn văn nhậm chức.Thành thực mà nói, tuy vẫn là món nộm cổ truyền với món chính là “tiếp tục”: Kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng cao (dù rằng lạm phát cao nhất thế giới) rồi hàng độn là “nhà nước là của nhân dân, do dân và vì dân” phát huy quyền làm chủ của nhân dân…vân vân nhưng lần này được cái gia vị xem ra khá khẩm hơn món của bác “Cu ba ngủ” ở chỗ zám đưa vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, biển đảo là vấn đề dễ “hóc” với thằng Ngô ra mà nói. Rất được.
Chợt coi trên TV, thấy anh Tấn đang mủm mỉm không biết có phải nghĩ  về chuyện anh Trương sắp phải thực hiện cam kết trong nhóm thập tứ Bát Cháo Thịt là “đề nghị” Quốc hội biểu quyết cho anh ngồi ấm thêm nhiệm kỳ quan Tể nữa hay là chuyện zì, coi bộ phởn quá, họp Quốc hội mà hai tay cứ nhịp nhịp trên bàn làm như đang nhậu món khoái khẩu ở nhà hàng lẩu cá kèo vậy.
Máy quay chiếu xuống hội trường thấy có hình cậu ấm Minh sếp nhà đài đang hóng lên. Quả thực, dạo này xem VTV rất hay được ngắm nghía cậu trong các chương trình nghị sự cấp nhà nước. Mới biết cánh phóng viên , biên tập nhà đài rõ khéo... Thôi thì cũng là chuyện miếng cơm, bát phở, giống như cứ phải nhồi chương trình nhạt phèo của chị…Sáu ngón lên mặc dù đó là món sống xít không zì chán hơn cho người bị xơi và cả các đầu bếp nhà đài.
Đã lâu nhà đài cứ như thằng ngô giữa chợ, mọi chuyện quan yếu của dân của nước không hó hé hoặc tảng lờ như nỏ biết.
Vậy nên những người quen “cơm” cứ ước rằng giá như có được một điều ước thì ta sẽ ước rằng: Giá như, giá như VTV1 Zám phát hình 0,50 giây thôi cảnh dân Hà nội, Sài gòn biểu tình chống Tàu mấy chủ nhật vừa qua.
Giá như…
MXD